TẠI SAO NGƯỜI CHAM BÀ-NI THỜ PHỤNG THÁP?

[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: Dọn đường cho XAKARAI LUẬN]

Chuyện kể.
Ông Imưm bạn tôi lần lên Tháp Bà đi vào phía bên trong khấn vái, chẳng những vào một mình, vị ấy còn kéo vài bạn đồng hành thuộc hàng chức sắc Cham Awal theo nữa. Về, một trong các vị ấy khó chịu trong người, nghi là do mình Acār mà lại vào trong lòng tháp. Bạn tôi mới nói:
– Có gì đâu, Bà khai sinh đất nước Champa của chúng ta. Mà cả bốn ông vào, có mỗi anh đổ bệnh, thì nên hỏi lại thân phàm của mình sao đi đổ thừa cho Pô.
Từ đó, các vị chức sắc Cham Awal tự nhiên như nhiên vào Tháp khấn vái. Và… chả có chuyện gì xảy ra cả!

*
Tháp Cham là biểu tượng của Ấn giáo, nơi chỉ để thờ các thần linh thuộc tôn giáo này. Cho nên khi có người cho rằng bộ phận người Cham phi Bà-la-môn giáo (Cham Bà-ni, Cham Islam…) không phải phụng tự tháp, thì không có gì sai. Thế nhưng, nếu nhìn sâu hơn vào tinh thần tôn giáo và văn hóa Cham, thì sự thể hoàn toàn khác.
Hãy xem qua 3 yếu tố chính:

1.- Ngoài các tháp ở vùng văn hóa-lịch sử như Amaravati và Vijaya có thể chỉ thờ thần Ấn giáo, thì hầu hết các tháp vùng Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Pangdurangga (Ninh Thuận – Bình Thuận) đều thờ vua Champa được thần hóa: Tháp Bà ở Nha Trang thờ người sáng lập vương quốc Champa là Pô Inư Nưgar; tháp Pô Klōng Girai hay tháp Pô Rômê ở Ninh Thuận; tháp Pô Dam và Tháp Pô Xah Inư ở Bình Thuận cũng vậy. Vua và tướng tài là ÂN NHÂN CHUNG của cả dân tộc, không phân biệt tôn giáo tín ngưỡng.

2. Cạnh đó, tháp Ấn giáo khi nhập địa Champa (nhất là vùng Pangdurangga, ở đây được xem là gồm thâu cả Kauthara), Ý NGHĨA VÀ CHỨC NĂNG của tháp đã hoàn toàn bị chuyển đổi: Tháp đã là tháp Cham đặc trưng, tách xa khỏi nguồn gốc Ấn Độ của nó; cũng như người Cham Bà-ni dù từ Islam mà ra, nhưng Islam khi vào Champa đã được bản địa hóa [dân tộc hóa] thành Cham Bà-ni rất đặc thù, hoàn toàn khác xa với nguồn gốc Islam xưa cũ.

3. Khác với Islam,người Cham Bà-ni với Bà-la-môn có sự hòa hợp rất đặc biệt. Ở đây, ông bà Cham đã tiếp nhận từ Malaysia hệ phái Mưdôn phục vụ lễ bái cho cả đôi bên. Trong vài lễ tục mang tính gia đình hay dòng tộc, người ta thấy cấp Acār vào làng Cham Ahiêr cúng tế. Khi có lễ nghi mang tính khu vực như Pakāp Halau Krōng, giáo sĩ cả hai bên Cham Ahiêr lẫn Cham Awal cùng phối hợp thực hiện.
Đáp lại, phía Ahiêr đa thần, cộng đồng Cham ngoài thờ các thần Ấn giáo, các anh hùng liệt nữ được thần hóa, thờ ông bà tổ tiên, họ còn thờ cả Allah bên Awal. Bà con lí giải: Allah là đấng sáng tạo vũ trụ, còn Pô Inư Nưgar “chỉ” là người tạo lập vương quốc. Trong nhiều cuộc lễ trong cộng đồng Cham Ahiêr, người Cham thuộc hệ tín ngưỡng này mời “thầy Chan” bên Bà-ni làm nghi thức hiến tế, thì cuộc lễ chính thức mới tiến hành. Ở đó không ít cuộc, người thủ vai chính là giáo sĩ bên Bà-ni chứ không phải ngược lại. Và, trong những ngày Ramưwān, từng hàng phụ nữ Cham Ahiêr từ các palei xa đội ciêt bánh trái vào Thāng Mưgīk cúng dường thầy Chan. Đó là hình ảnh hòa hợp tôn giáo đẹp nhất, chắc chắn thể.

Từ những chứng cứ chuyển hóa và hòa hợp tôn giáo tín ngưỡng đó, việc cộng đồng người Cham Bà-ni thờ phụng tháp thiêng là điều đương nhiên; và trong thực tế sinh hoạt tín ngưỡng, bà con Cham Bà-ni vẫn thờ phụng tháp từ mấy trăm năm qua. Tháp Pô Xah Inư hay tháp Pô Dam ở Bình Thuận, cả tháp Pô Klōng Girai ở Ninh Thuận cũng thế, rất nhiều bà con Cham Bà-ni lên cúng tế mỗi dịp tế lễ. Ở tháp Pô Rômê, Katê hằng năm, người Cham làng Phước Nhơn (Pabblāp Birau, Cham Bà-ni) vẫn lên tháp cúng tế, có khi còn đông hơn cả bà con làng Hậu Sanh (Thôn) gần đó nữa.
Đó là THỰC TẾ khó có thể phản bác.

One thought on “TẠI SAO NGƯỜI CHAM BÀ-NI THỜ PHỤNG THÁP?

  1. Anh Inrasara viết: “… Đáp lại, phía Ahiêr đa thần, cộng đồng Cham ngoài thờ các thần Ấn giáo, các anh hùng liệt nữ được thần hóa, thờ ông bà tổ tiên, họ còn thờ cả Allah bên Awal. Bà con lí giải: Allah là đấng sáng tạo vũ trụ, còn Pô Inư Nưgar “chỉ” là người tạo lập vương quốc.”.

    Giữa Thánh Allah và nữ Thần Mẹ Pô Inư Nưgar hiện vẫn chưa xác định tính lịch sử, tạm gọi là trong “khái niệm” nên chưa chắc chắn!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *