[Đặt Nền Triết Học Đạo AHIÊR-AWAL.V: Dọn đường cho XAKARAI LUẬN-2]
Dakhāt, hay Takhāt (Takhah takhāt) nghĩa là “bố thí”, dâng hiến tự nguyện.
Đạo Phật phân bố thí làm 3 loại: Tài thí: hiến tiền bạc, tài sản; Pháp thí: lan tỏa tri thức cùng cái hay cái đẹp của Đạo cho tín đồ, và Vô úy thí: truyền tinh thần không sợ hãi đến người nhận.
Xin bàn đến 2 “bố thí” trước, chỉ nhấn cái căn bản nhất, mà không đề cập khía cạnh “cao siêu” hay siêu hình.
1. Bố thí thì có NGƯỜI LÀM bố thí, VẬT bố thí và BÊN NHẬN vật bố thí.
Ở Đạo Phật, tín đồ cúng dường tài vật đến nhà chùa [Tài thí], sau đó nhà chùa dùng của bố thí để:
– Phát triển cơ sở chùa chiền,
– In kinh sách,
– Sư sãi truyền giảng kinh sách đến tín đồ,
– Và – phần rất ít – của bố thí dùng để nuôi thân tứ đại của sư sãi.
Ở phía kia, sư sãi bố thí trở lại tín đồ cái hay-đẹp của Đạo [Pháp thí]. Thầy giỏi thì đi thuyết Pháp, bộ phận khác phụ trách lễ lạt chăm lo chuyện cúng tế phục vụ tín đồ.
Theo tôi biết, bên Đạo Chúa cũng có các hoạt động tương tự. Khác điều đều đặn mỗi Chủ nhật, bà con giáo dân đến nhà thờ để nghe các Cha giảng Đạo [Pháp thí]. Còn bản thân Cha xứ hưởng “lộc” một phần rất nhỏ trong số tài vật tín đồ bố thí, đủ cho các vị sinh hoạt.
Thế nên, việc CHO NHẬN ở hai đạo trên không là vấn đề. Đại khái thế.
2. Cham thì thế nào?
Cái khác biệt căn bản nhất: Ở Cham, người tu hành BUỘC PHẢI có vợ. Có vợ mới có Danōk để đủ điều kiện hành đạo. Hay và dở nẩy sinh từ đó.
Tu sĩ có gia đình, cần nhu cầu tối thiểu về vật chất để nuôi vợ con. Họ làm gì?
– Xưa có ruộng hương hỏa Hamu tanro hamu pađôk, sau 75 phần này bị thu hồi dần rồi mất hẳn.
– Tín đồ Cham không có thói quen cúng dường, Cham cũng không tổ chức cho tín đồ cúng dường (Bên Cham Awal còn có “takhāt” trong tháng Ramưwan, chứ Cham Ahiêr thì hoàn toàn không) .
– Vậy, tu sĩ phải lao động kiếm sống. Một thời gian dài các vị làm thế, tình trạng này ngày nay cũng chưa dứt hẳn.
Mâu thuẫn!
Thế thì thời giờ đâu dành cho kinh kệ? Ngày trước các vị Halau janưng thường phục vụ không công, hoặc có “ăn” cũng lấy lệ. Nay thì sao?
Dân số mở rộng, quý thầy phải bỏ thời gian phục dịch nhiều hơn, từ đó sinh ra ĐÒI HỎI tiêu chuẩn. [Xin chớ vội trách]. Như vậy, ở đây không còn mang nghĩa bố thí nữa, mà là TIÊU CHUẨN – hệt công chức Nhà nước vậy! Rắc rối là ở đó.
Vướng kẹt ở đâu? Và, hóa giải thế nào?
3. Hai bên: tín đồ và tu sĩ.
[a]- Bổn phận của TÍN ĐỒ [cả Ahiêr lẫn Awal] là phải bố thí tài vật đến Tháp Bimông, Chùa Thāng Mưgīk để tu sĩ sử dụng vào chuyện của Đạo: Tài thí; còn
[b]- TU SĨ Halau janưng các cấp cần giảng cái hay-đẹp của Đạo trở lại chúng sinh: Pháp thí.
Ở Cham, bên [a] không làm đầy đủ bổn phận của mình đã đành, bên [b] càng không.
Tín đồ Ahiêr hoàn toàn không được giảng cho biết kinh sách, KHÔNG CÓ NƠI để giảng kinh sách, và lắm khi Halau janưng còn giấu kinh sách không cho tín đồ biết nữa!
Halau janưng Awal thì bỏ quên nhiệm vụ, bởi Mimbar được đặt trong Thāng Mưgīk chỉ có mặt mang tính tượng trưng, chứ không phải là nơi để giảng đạo nữa.
LÀM GÌ?! Là câu hỏi đặt ra cho trí thức Cham hôm nay.