1. Lần đầu tiên tôi “nghe” tiếng “Pô Rômê” khi cô chị nhà bên la em trai cỡ tuổi tôi: “Pô Rômê”. Trước đó chị Hám cũng hay la mấy anh hàng xóm như thế, nhưng bởi đây là người làng khác qua chơi nhà láng giềng, nên tôi nghe lạ và chú ý. Vậy là, đâu phải có mỗi chị tôi ở Chakleng, mà palei khác cũng… Pô Rômê, rất đáo để! Khi ấy tôi mới 4 tuổi.
Năm sau anh Đạm dẫn tôi lên tháp Pô Rômê, không biết tôi đã nói gì đó, anh bắt tôi phải cắn ngón tay trỏ và để nguyên đó suốt lối lên đồi tháp. Mãi đến đỉnh đồi, anh mới giải thích là, đến với Pô mi không được nói bậy. Tôi phải “cắn” như thế để khỏi bật ra tiếng nào đó không hay, khéo bị tội.
Rồi vào năm đầu Tiểu học, ông anh họ tôi – anh Tin kể huyền thoại Pô Rômê với chi tiết đầu và thân Pô khi đứt lìa hẹn gặp nhau ở dinh, sau đó lỡ hẹn mà chịu chết. Tôi chả hiểu gì, cứ ngỏng cổ mà nghe, mà tin.
Tôi với Pô Rômê duyên với nhau theo cung cách mù mờ đó.
2. Mãi vào Trung học, lần đầu tiên tôi nghe cụ Thiên Sanh Cảnh kể – sau đó đọc Dân tộc Chàm lược sử của Dohamide – Dorohiêm về huyền sử Pô Rômê với cái “bánh tráng” của Công nữ Ngọc Khoa Bia Ut cùng sự kiện Pô Rômê vác rìu ra chặt Krek.
Sau đó tôi dành thời gian nghiềm ngẫm Dak Rai Patao Cham Biên niên sử Hoàng gia Chàm, cùng Le Royaume de Champa của Maspéro.
Ít lâu sau, qua vụ tranh chấp Adhya trên tháp Pô Rômê năm 1972 giữa Adhya Chakleng và Adhya Hamu Crōk, tôi mới thấy hết nỗi chia xé của cộng đồng tôn giáo Cham: Khối Chakleng và khối Hamu Crōk giành nhau mỗi “chiếc ghế” Adhya dẫn đến ẩu đả tan tác. Khi chính quyền Tỉnh nhúng tay vào, sự thể càng rối rắm thêm. Cùng thời gian, xung đột của nhóm nhỏ gia đình Muslim với cộng đồng Bà-ni ở palei Pabblāp kéo dài gây bao thương tích.
Vụ việc không biết sẽ đi về đâu, nếu không có “giải phóng”!
Qua bao sự kiện cấp tập đầy đau thương đó, ngay tuổi 15, tôi quyết: ĐỨNG NGOÀI TẤT CẢ PHE PHÁI CHAM.
3. Từ sau 75, tôi non trăm lần lên với Pô Rômê.
Sự kiện đáng nhớ tiếp theo là vụ đánh cắp Vương mão Pô 2.7kg vàng đen vào Noel năm 1981, để năm sau 2 tên đạo chích bị mang ra xử công khai tại tòa án Huyện Ninh Phước có gắn loa phát thanh truyền khắp palei Cham nghe, rồi tượng Bia Than Can bị mất cắp vài năm sau đó [xem Các hoàng hậu của Pô Rômê đang ở đâu? – bài tiếp theo].
Năm 1998, một tuần lễ làm Toàn cảnh Âm nhạc dân gian Cham, tôi và anh chị em nghệ nhân Cham thường xuyên lên tháp với Pô.
Sau đó các Đài VTV1, VTV3, HIV7 làm phim về tôi, mà lần gây ấn tượng mạnh nhất là chuyện khai quật mộ Bia Than Cih nằm mé phía Bắc đồi tháp. Đoàn vừa lên đến đỉnh đồi thì mưa ập xuống. Mù mịt. Trưởng đoàn quay lại, giọng lo lắng:
– Hay mình lên mà không biết đến Pô?
– Không việc gì đâu, – tôi nói. Sara chân tình với Pô, Pô phù trợ Sara thì có, chứ…
– Hay ta quay luôn cảnh mưa mù này luôn thế. – Tôi đề nghị. Mọi người OK. Và đó lại là cảnh hoành tráng nhất của phim.
Sau đó không lâu tháp Pô Rômê chịu chương trình trùng tu, lối mới hướng mặt trời mọc được mở ra để sinh linh đến với Pô cho có bài bản hơn, ở đó tôi cũng có mặt với bao ngổn ngang gạch đá.
Cuối cùng tôi cũng biết đến bài viết của Dharma và đọc tác phẩm của Lafont về các sự kiện lịch sử liên quan đến Pô Rômê.
Như vậy, tôi với Pô Rômê “gắn kết với nhau”: mù mờ và sáng rõ, mơ hồ lẫn cụ thể cùng khối kỉ niệm vui buồn, đau đớn cùng chua xót. Và bao giờ cũng – ĐẸP.