VIẾT ĐẦU NĂM 2018

Tối đầu năm lịch Tây. Sân thượng. Cô độc nhìn trăng rằm tròn mờ đục gượng sáng qua màu khói bụi Sài Gòn dở nóng dở lạnh. Màu trăng chết chóc. Bỗng nhớ Glang Anak. Màu trăng Glang Anak nhìn ngày xưa cũng hệt vậy, có lẽ.
Đời tôi bắt đầu bằng Ariya Glang Anak, và cũng sẽ chấm dứt với Ariya Glang Anak.
Thi phẩm có 116 cặp ariya lục bát Cham tôi được ông ngoại dạy thuộc lòng từ năm 4 tuổi. 60 năm trườn lướt qua cuộc đời, dù đọc nó cả ngàn lần, nay tôi vẫn còn đọc. Tối nay đang nhẩm đọc lại.

Glơng anak linhaiy likuk jang o hu: Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người, để cùng bàn việc, cùng sẻ chia. Còn ai không? – Không ai cả!
Bhian drơp ngap ralo piơh hapak khing ka thraung: Tháp đền, báu vật văn hóa ông bà làm ra cả đống kia, ai cất giữ, và cất giữ nơi đâu? – Không đâu cả!
Hanim yuh jang o hu, nưm angan jang o hai: Phúc thọ cũng không còn, tuổi tên đâu chẳng thấy.
Mỗi lần đọc đến câu này là mỗi bận tôi rụng rời tay chân. Tê liệt toàn phần! Tôi không thể tưởng tượng được làm sao một Cham có học còn có thể hãnh diện về vài tài mọn, mấy thành tích bé con, khi HIỂU được sự thật không thể thật hơn phơi bày ở câu thơ giản đơn này?

Trí thức cô đơn, tuyệt đối cô đơn, hoàn toàn cô đơn.
Ariya Glang Anak viết năm 1834, đúng 10 giáp trước khi anh Đạm khóc chào đời ở palei Chakleng, năm khởi nghĩa Thak Wa – cuộc khởi nghĩa cuối cùng, và bị giập nát.
Kiem pathei khing ka raung kacwơc tabiak jiơng darah: Ta quyết ăn ghém sắt, ta nhổ ra toàn máu.
Quân Minh Mạng ra tay tận diệt, không chừa trừ bất kì sinh linh nào khi nó được khắc lên trán cái nhãn CHAM.
Nưgar chhai drut mưrai: Xứ sở đẫm màu tang tóc, buồn thảm tràn lan, rộng lớn.
Ew padaung di krưh mưlơm ngan harei: Kêu cứu vào trưa ngày hay giữa đêm thâu. Kêu cứu ai? – Không ai cả!
Khi bốn vùng nhỏ hẹp đang bị phong tỏa tứ phía (di grơp tapien ra pawang), khắp mọi miền đất nước đầy quân thù, phường giá áo túi cơm bị mua chuộc (urang bihuh bihah biha bihi ra kơng hu abih), nhân tâm li tán: Xa-ai o krưn ka adei, mik o krưn lac kamwơn: Anh không nhìn nhận em, chú không còn kể cháu.

Cả dân tộc chạy loạn. Ông Glang Anak cũng lánh đi, không lẩn lên núi cũng chẳng trốn qua Cambodia, Thái Lan mà hướng biển. Ông lạc vào một cù lao giữa đại dương. Ông đi tiếp chăng? Không, đột ngột ông đứng lại.
– Dauk sa drei sa nưgar di krưh hanrai/ Di krưh tathik cwah jai halei nưgar drei sathuw:
Ngồi một mình một cõi giữa cù lao/ Giữa biển cả cát bồi. Đâu là xứ sở?
Đi đâu? – Không biết! Ông đứng đó. 1 năm hay 10 năm, không biết nữa. Mãi khi vua Thiệu Trị xuống chiếu kêu gọi Cham trở về, ông lầm lụi đi về (xem bài: “Tại sao Glang Anak không vượt biên?”).
Sống khiêm cung và ẩn nhẫn trước thời cuộc và giữa nhiễu nhương lòng người.

Tất cả đã sụp đổ thực sự rồi. Tất cả mọi cánh cửa đã đóng kín (di grơp tapien ra pawang), không còn mảnh đất nào dung chứa ta nữa (halei nưgar drei khing nau: xứ sở nào ta đi). Dẫu sao đi nữa, cũng phải sống. Ưu tư đầu tiên và cuối cùng của Glơng Anak là sự tồn tại của con người. “Một cuộc sống không là gì cả. Một cuộc sống là tất cả” – Albert Camus nói thế. Và con người cần phải hiện hữu. Dân tộc Chăm cần có mặt. Có mặt thế nào?
Tôi không thể hiểu, làm sao một Cham hiểu biết có thể thù ghét một sinh linh Cham nào đó được?

Màu trăng mờ đục trên kia đang treo một màu chết chóc. Trăng của Glang Anak hay của tôi? – Không biết. Bỗng nhiên tôi nghĩ đến cái chết. Của Glang Anak, của vạn sinh linh Cham ngày qua, và của tôi ngày mai. Cô đơn, và cái chết. Vừa siêu hình, vừa thực. Ngay buổi tối đầu tiên của năm Tây lịch.
Lại năm mới. Vừa mới được “chúc mừng năm mới” đó – ở Thái Lan, ở Cambodia. Vụt biến – như vừa thức giấc sau một trận ngủ mê. Và tôi thèm khóc, nhưng tôi không thể. Thi sĩ là kẻ biết cho nước mắt chảy vào trong.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *