Sống minh triết 08. TỪ INRA HANRANG, INRA SING ĐẾN INRASARA

Tôi là kẻ thích ghi chép và lập hồ sơ. Đi đâu, làm gì bất kì dù lớn hay nhỏ cũng ghi chép, rồi lập hồ sơ. Hồ sơ văn hóa Cham, hồ sơ thơ Việt đương đại, hồ sơ các vấn đề xã hội, hồ sơ chung và cả hồ sơ riêng. Đụng việc, cứ lấy ra mà xài, mà sáng tạo. Nhanh, và rất tiện.
Phong trào Hậu hiện đại hay Nhóm Mở Miệng, có. Đinh Linh, Tuệ Nguyên hay Lê Vĩnh Tài, không thiếu. Tháp Po Rome, lễ Ramưwan, sử thi Inra Patra đủ đầy. Hồ sơ Ghur Darak Neh, Hồ sơ Điện Hạt Nhân, vân vân.
Về cá nhân, các buổi nói chuyện hay luận văn về mình, các bài báo đăng trong năm hay mấy nhận định lẻ, tôi cũng lập hồ sơ lưu trữ. Cả cái tên Inrasara cũng nên có trong mục từ. Tại sao? Chiều 10-12, trao đổi cà phê với ba bạn trẻ: một Scotland, một Canada, và một Pháp, họ hỏi tôi “ý nghĩa” của “từ” ấy. Và tôi phải giải thích, dù đã mấy bận nói rõ rồi. Tôi nghĩ: nếu trước đó có sẵn hồ sơ, gửi ngay cho các bạn thì hay biết bao.

Cham không có “họ”. Xưa, Ông, Ma, Trà, Chế là họ vua hay dòng tộc quý phái, còn thứ dân, cứ Ja cho nam và Mư cho nữ, là xong. Nhận rõ thiếu khuyết này, tôi rất ý thức, và ý thức sớm về đặt tên “tự” cho mình.
Họ, phải là Inra, từ chữ Indra [thần Sấm, Thunder] tiếng Sanscrit mà ra. Các vị vua Cham từng xài “họ” này. Sấm thì chả hại ai, nhưng “tiếng nói” của nó báo hiệu cái lớn hơn sắp xảy tới. Mình tái sử dụng nó cũng chả sao.

Tuổi 20, giai đoạn làm học trò và tìm bản lai diện mục, tôi lấy tên Hanrang, từ chữ Anrăng [gốc rạ]. Nhưng A đi sau I hơi bất tiện, nên tôi dùng H-câm [muet], thành INRA HANRANG. Nghĩa là “Gốc rạ của dòng họ Inra”. Như thể con lạc đà của Nietzsche chấp nhận cho người đời chất lên lưng mình mọi gánh nặng để băng qua nỗi Cham và sa mạc đời.

34 tuổi, giai đoạn tìm thấy và khẳng định mình, là năm tôi lên đường khai phá: Viết tiểu thuyết sử thi Con Đường Vô Tận cùng nhiều bài thơ tiếng Cham lẫn Việt. Sự sợ hãi và do dự không còn đọng trong tâm thức nữa, tôi sẵn sàng cho nổ tung tất cả.
Tôi lấy tên INRA SING, nghĩa là Sư tử của dòng họ Inra. Cũng ghê chớ bộ!

Qua tuổi 40, lần đầu tiên tôi xuất hiện trên văn đàn ,Việt Nam bằng sáng tác đầu tay: Tháp Nắng, và công trình nghiên cứu đầu tiên: Văn học Cham Khái luận, tôi kí bút hiệu INRASARA. Sara tiếng Cham là “muối”. Tên mới này được gợi hứng từ một câu trong Phúc Âm: “Con người là chất muối của đất…” Vậy Inrasara là chất muối của dòng họ Inra.
Muối chính là trẻ thơ, là sáng tạo.

Mỗi cái tên cũng ghi nhận một hành trình, tạm diễn giải như thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *