“Không bạo động, bạo động tất chết! Không trông người nước ngoài, trông người nước ngoài tất ngu! Đồng bào ta, người nước ta, ai mà ham mến tự do, tôi xin có một vật rất quý báu tặng cho đồng bào, là “Chi Bằng Học” (Phan Châu Trinh, 1933).
Muốn Tự do cần: HỌC.
Vậy mà tôi biết rất nhiều Cham và nhà văn Việt Nam, tự do thì thèm, nhưng không [chịu] học.
Chuyện kể.
– Đầu thập niên 1990, Viện KHXH xuất bản cuốn Văn hóa Chăm rất bề thế. Tôi mua 2 cuốn tặng 2 trí thức Chakleng là người thân cận với tôi. Trong khi một vị lật qua trang mục lục, kêu lên: Hay quá, bà con Cham có cái để mà tra cứu; còn vị kia: Chú được họ tặng một bản rồi, mấy đứa Việt [dôm ban Yôn] này mà nghiên cứu nỗi gì, đọc đến chỗ họ viết “đàn bà thì 9 miếng xương trán còn đàn ông Cham 7 miếng để chuẩn bị vào Kut”, chú không thèm đọc nữa!
Ẹ vậy đó. Một công trình có mỗi chi tiết sai mà vứt cả khối, thì thôi học rồi còn gì.
– Khoảng thời gian đó, Ngô Văn Doanh ra cuốn Tháp Chăm, Huyền thoại và Sự thật in khổ nhỏ, đẹp, giá rẻ. Tôi vào Sài Gòn mua mươi cuốn về tặng bà con, trong đó có anh bạn ở BBS Sách chữ Chăm. Tuần sau, tôi qua chơi, anh kêu: Sai be bét. Và trả tôi cuốn sách. Tôi giở ra, ôi thôi, hết gạch màu đỏ cho đến đánh dấu hỏi to tướng khắp cuốn sách.
Tôi cho đó là thái độ vô… học.
– Một anh bạn trẻ đọc qua cuốn Palei Phước Nhơn của Tôi của Kiều Maily, và kêu: Chả có gì ở đó. Tôi bảo, bạn thử úp sách lại và nói cho mình nghe về làng kia thử đi. Bạn trẻ im lặng. Tôi nói: Đấy, bạn có biết gì về làng đó đâu, trong khi hơn trăm trang sách kia cung cấp cho bạn khá nhiều thông tin cần thiết.
Đến lúc đó, bạn mới: Dạ, cei đúng!
Bạn trẻ khác mới lướt qua mươi phút cuốn Hành Trình Văn hóa Chăm của Inrajaka, đã 2 bận bảo “sai”. Tôi nói, mình không bảo bạn hay tác giả sai, mà chỉ nhấn: Bạn chớ chú tâm vào cái sai, bởi trong đó rất nhiều thứ bạn cần học, tra cứu. Bạn trẻ vẫn không chịu: Sai thì cháu nói sai thôi.
Đấy xuất phát từ tinh thần không ham… học.
Tôi giải thích thêm: Sakaya Trượng Văn Món in cuốn sách rất dày về văn hóa Cham, nếu để tìm cái sai, thì có cả khối ở đó. Nhưng tôi đọc và khoanh tròn các điểm hay, mới, và đầy phát hiện của cuốn sách để HỌC.
– Chuyên văn nghệ. Buổi nói chuyện ở Trại Sáng tác Vũng Tàu 2015, khi tôi đề cập đến Hậu hiện đại và Tân hình thức, có tiếng cười khúc khích bên dưới, kéo theo vài tiếng cười sau đó. Giờ giải lạo, tôi hỏi bạn thơ ấy: Bạn có biết gì về Hậu hiện đại không? – Ui, thứ thời thượng kia, biết làm gì! Tôi nói, người bảo thời thượng, kẻ thì cho sáng tạo, bạn chưa học để biết , thì làm sao có thể phân định?
Đó không là trường hợp cá biệt, rất nhiều nhà văn Việt Nam làm thế: không hiểu, không cần hiểu mà cứ phán bừa.
Kết.
Học, bạn được thêm, chứ không mất. Cãi nhau hơn thua chỉ thỏa tính tự ái của ta, chứ chả được gì cả.
Cái mà ta cho là sai trong cuốn sách, chắc chi đã sai. Tác giả viết cái họ “biết”, ta lấy cái “biết” của ta nhận định, mà cái biết luôn “bất toàn”. Bản thân tôi kinh nghiệm đầy mình về vụ này, nên khá thận trọng khi cho ai/ cái gì đó sai. Nhiều cái, chỉ sau thời gian ngắn, tôi vỡ ra: Chính mình sai, chứ không phải tác giả kia.
Học, cần biết HỎI. Khổng Tử được cho là “Thầy của Muôn đời”, khi đi vào các nơi, vẫn hỏi. Học trò ngạc nhiên: Chuyện Thầy biết rồi sao lại hỏi. Đức Khổng trả lời: Hỏi tức là Lễ.
Do đó – học, bạn thật sự cần đến sự khiêm tốn tối đa, như là một học trò.