TÔI KHÔNG ĂN GÀ!

[chuyện Cham & văn giới Việt]

Con cáo cứ nghĩ loài gì cũng thích thịt gà như chúng, – là tục ngữ Pháp, có lẽ.
Thế nên, thoáng thấy bóng con nào lảng vảng quanh vùng làm ăn của nó là nó cắn. Không cần biết thiên hạ đi qua đó để làm gì, chả cần hiểu chúng có khoái thịt gà như mình hay không. Phiền nỗi, cắn phải chuột nhắt, thì tội cho loài chuột; chứ cắn phải chó sói hay rắn hổ thì tiêu đời nó. Vậy mà nó cứ chực… cắn.
Vài sinh linh Cham nghĩ tôi cũng thèm thịt gà như họ, nên cứ lấm la lấm lét tôi, mới tội.
Về POH GAK, nghĩ tôi theo phe này, hoặc phái nọ – nên lâu lâu sanh tâm cắn. Về vài món khác cũng hệt – cứ cho ông Sara cũng suy nghĩ nhỏ bé quẩn quanh hàng rào Chàm mình như họ. Tội hết biết luôn!
Không chỉ có mỗi Cham mắc chứng này, nỗi “khoái thịt gà” thì ở đâu cũng có. Việt Nam cũng chẳng chừa.

1. Tại Hội thảo Hội đồng LLPB VHNT Trung ương, TPHCM cuối năm 2013, tôi đăng kí phát biểu [nhưng bị loại]. Bài dài, chỉ xin trích phần liên quan (bởi đã đăng và cũ, nên xin khiếm danh).
Một GS-TS, sau khi nhận định thơ Bùi Giáng ở bộ phận thứ nhất, cho rằng ở đó có “những bài thơ, câu thơ tuyệt bút, ngôn ngữ phóng túng, tài hoa… tiếng Việt trong sáng, tinh tế, tài tình”, thì bước sang bộ phận thứ hai, khi bình bài “Ngẫu hứng”, ông viết:
“Tất cả đều không có nghĩa. Thế nên thơ Bùi Giáng, ở dạng thứ hai này, chúng ta không thể/ không nên để công vào khảo sát. Đây là ngôn ngữ của bệnh nhân tâm thần.” (“Về thơ Bùi Giáng”, Hồn Việt, số 74, 10-2013, tr 45).
Inrasara bình:
Đó là thơ của bệnh nhân tâm thần, hay đúng hơn – nói theo ngôn ngữ hậu hiện đại, là: tâm thần phân liệt. Chính ở dạng này, ta nên để công khảo sát Bùi Giáng nhiều hơn cả. Bởi, chính chúng nói lên sự ngoại khổ của thi sĩ có đời sống kì lạ này.
Bài thơ “Ngẫu hứng” với 4 câu lục bát mà ông nghĩ rằng “không thể/ không nên để công vào khảo sát”, theo tôi [và ít nhất một nhà phê bình khác nữa] là bài thơ phơi bày hiện thực đời sống đô thị miền Nam thời bấy giờ với nhiều dự cảm bi đát. Cạnh đó, nó [và nhiều sáng tác cùng dạng của ông] đã khơi mào cho sáng tác hậu hiện đại Việt sau này.
Inrasara kết.
Để nhận ra cái hay của một sáng tạo NGOẠI KHỔ, thì ông phải là nhà phê bình NGOẠI KHỔ. Bằng không, ông cứ mang suy nghĩ bé nhỏ bó hẹp trong khung [hay trong lô-cốt] của mình mà đưa nhận định này nọ, thì đó chỉ là thứ phát ngôn bá vơ không hơn không kém.

2. Chuyện Nguyễn Văn Tỷ [thầy và là bạn vong niên của tôi] nhận định về: “Cham chớ dại mở quán ở Phan Rang, dân Việt không mua đành rồi, người Cham thì càng lánh xa. Nếu có mua, họ mua chịu đấy – phá sản là cái chắc”, tôi bàn rồi, và đã chỉ ra đó là định kiến sai – bằng chính việc làm của mình.
Ý kiến khác. Một trí thức Cham phán như vôi quệt tường rằng, “Cham giúp nhau làm đám các thứ thì có, còn thì đừng mơ họ giúp nhau làm ăn”.
Tôi thì khác [không ăn gà]: Từ tuổi hiểu biết, tôi tuyệt đối không giúp ai mấy vụ làm đám [tang, cưới, nhà mới, sinh nhật, vân vân], mà GIÚP TIỀN LÀM ĂN. Không phải là ít.
Còn họ thành hay không là tùy họ, và tùy trời.

Kết. Khi ta dám/ biết NGHĨ KHÁC, LÀM KHÁC – ta có thể khiến xung quanh ta thay đổi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *