ĐƯỢC CHÊ [CHUYỆN VUI VĂN NGHỆ]

1. Hồi năm 2015, một bạn thơ Cham còn rất trẻ in tập thơ tiếng/ chữ Cham với lời nói đầu bằng tiếng Việt mang tính thuyết lí, khá to. Hứng lên, tôi có viết bình luận, lôi ra 4 điểm sai, để chê.
Trong khi vài bạn thơ Việt phao tin đồn [nhảm] rằng: “Được ông Inrasara đọc & chê là một vinh dự”, thì ở xứ miền Cham có khác. Bạn trẻ này giẩy nẩy lên la hét tôi om sòm, lạc sang cả đời tư của tôi nữa. Thế là trang CPK chớp ngay cơ hội đăng và bình, như thể vừa có thêm tang chứng mới bổ sung hồ sơ báo cáo lên quốc tế, rằng “nhân dân tiến bộ Chàm chả có ai ưa ông Inrasara cả”.
Riêng cái ý về tân hình thức, bạn ấy liền Google, để đáp trả lại Sara – tội thế!

2. Đọc bài “ĐÁO [THÔ] BỈ NGẠN CÙNG ĐỖ LAI THÚY” của bạn văn Dang Than Đặng Thân trên Vanviet ngày 19-10-2017 vừa qua, tôi không hiểu bạn nói gì. Tôi gửi link cho 3 bạn văn khác cùng đọc may ra giúp mình hiểu, họ cũng bảo không hiểu bạn ấy nói gì!
18 tuổi ở quê, tôi đọc Phạm Công Thiện; 20 tuổi vào Sài Gòn tôi đọc Bùi Giáng – là 2 đỉnh bị Văn học nhà trường XHCN cho là điên chữ. Điên, mà tôi vẫn hiểu họ nói gì, rồi mê man từ ấy [trong tôi bừng nắng hạ].
Qua tuổi 20, tôi đọc Heidegger là nhà tư tưởng bị cho là “tay vặn vẹo chữ nghĩa khó hiểu” (chữ của triết gia Pháp G. Marcel); cũng ngần ấy tuổi, tôi say sưa Kinh Hoa Nghiêm. Tôi vẫn hiểu họ nói gì.
Nay bạn văn sát sườn mình mà mình nọ hiểu – hỏi có chán hôn!

3. Thế là tôi hạ quyết tâm: Tôi đọc lại [lần đầu cũng là] lần cuối, và hoát ngộ. Hắn đây rồi! Ecce Homo [chữ Tây]: “transmodernism | xuyên hiện đại”. Ui, ngon lành thế sao không in chữ to lên tô đậm vào cho thiên hạ thấy, mà cứ giả đò khép nép hoa cười ngọc thốt đoan trang.
Và bạn tôi mở cái ngoặc đơn tròn di chúc tiếp:
“Đây, cũng là nơi tôi [nhà văn Đặng Thân, như nhiều người vẫn gọi] thường cư, và vẫn gọi là PHẠC-NHIÊN; xin các nhà lý luận phê bình nhỡ quan tâm thì lưu ý, đừng ép uổng tôi đi lung tung”.
Thể cách hệt nhà thơ Vi Thùy Linh năm kia chỉ đạo các nhà phê bình nếu có quan tâm xếp chỗ trong văn học sử thì chớ đặt mình ngồi cạnh Phan Huyền Thư, vậy.
Lê Vĩnh Tài cũng nhớ hén, chớ ngồi đó mà “đọc mãi không ra”. Không ra thì phải chịu khó hỏi, như Sara nó mới… ra.

Lưu ý thêm: Từ nay bạn văn nhớ cho cái cụm “transmodernism | xuyên hiện đại” to vào và đậm lên, chớ bác ĐỖ ấy nhằm nhò gì mà bạn ưu ái. Thương nhau mà ngắc nhỏ thế.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *