Chuyện vui xung quanh chuyện tình Chế Mân – Huyền Trân

Viết để cổ động vụ bàn thảo về chuyện Chế mân…

* Bẽn lẽn – Photo Inrajaya.

4 câu chuyện, 4 lối nhìn về một sự kiện lịch sử nổi tiếng. Kể nghe vui…
Tin thì tin không tin thì thôi.

1. Sử Việt ghi, và cả dân gian hiểu: Vua Champa Chế Mân sánh duyên cùng công chúa Đại Việt Huyền Trân, đổi lại Champa dâng hai châu Ô, Lý làm của hồi môn. Triều đình Đại Việt bất đồng, nhưng vua Anh Tông đã quyết. Chưa đầy một năm mặn nồng, Chế Mân mất. Huyền Trân đúng tục Chăm phải lên giàn hỏa theo chồng. Bên Đại Việt nghe tin, phái Trần Khắc Chung dụng mưu cướp Huyền Trân về. Thuyền lênh đênh ngoài khơi mãi sau mới đến Đại Việt, nên Khắc Chung bị nghi ngờ thông dâm với công chúa, là người tình cũ. Công chúa Huyền Trân sau đó vào chùa tu.

2. Vị tiến sĩ Chăm ở nước ngoài về Việt Nam trong một buổi nói chuyện đã phản bác lối viết này. Ông lập luận:
– Lệ Chăm lên giàn lửa là chuyện ưu ái, không có vấn đề buộc Huyền Trân lên giàn lửa để mà sinh ra chi tiết là tổ chức cướp.
– Làm sao bên Đại Việt biết ngày mất của Chế Mân để mà cướp. Bởi khi Chế Mân mất, tin báo đi, rồi thuyền về đến Champa thì phải hơn tháng, mà lễ thiêu chậm nhất là trước một tháng sau khi mất.
– Chiến thuyền Champa rất mạnh, nếu có cướp được thì quân Chăm phải đuổi theo bắt trở lại thi hành lệ tục chứ đâu có để yên.

3. Tôi thì nghĩ khác. Một yếu tố gây hồ nghi là Chế Mân sau khi rước Huyền Trân về, đã mất quá sớm. Không ít ý kiến cho là do ngài bị đầu độc. Nghi bên Chăm: Lo sợ Chế Mân mê Huyền Trân quá thành tai hại. Nghi bên Việt: Chế Mân tài ba cần bị loại trừ hậu họa, và nhất là để có cớ cướp Huyền Trân về.
Nếu vậy thì việc bên Đại Việt BIẾT TRƯỚC ngày tháng Chế Mân mất là chuyện thường. Mưu kế đã lên phương án sẵn. Khi biết trước, thì triều đình Đại Việt bố trí trước. Và vấn đề chuẩn bị đánh cướp càng không khó.

4. Trong cuộc lai rai, có người nhắc đến Chế Mân, tôi mang ý này ra nói với PC – một họa sĩ lão thành đang sống Sài Gòn. Ông nói: Sai tuốt luốt. Sara chớ có tin sử Việt. Người Việt học Tàu xạo xạo không tin được đâu, ông nhà thơ ơi. Vua Nhân Tông dại gì đưa công chúa THẬT. Chế Mân qua Đại Việt một, hai lần, mới dòm thoáng qua gái Việt thấy đâu cũng trắng trẻo như nhau. Cho một cô gái quê nào đó qua thì làm gì Chế Mân biết. Huyền Trân qua Champa là Huyền Trân GIẢ đấy. Chớ gì ông cha và ông anh chịu cho con gái cưng với em ruột THẬT của mình qua xứ sở khỉ ho cò gáy nhà ông (người Việt vẫn thành kiến Champa là Mán, Mường – Ca dao và một bài thơ). Ý kiến độc quyền của ông anh đó!

Câu chuyện lịch sử là vậy, biết đâu mà lường!
Tin thì tin không tin thì thôi.

5 thoughts on “Chuyện vui xung quanh chuyện tình Chế Mân – Huyền Trân

  1. Minh

    Những chuyện ngày xưa, chúng ta khó có thể hiểu bằng cách cảm nhận của đời nay. Chỉ có thể phỏng đoán, giả thuyết…, còn sự thực thế nào đã vĩnh viễn chìm vào bóng đêm thời gian lịch sử.

    Mọi người có thể kết án hay bênh vực Huyền Trân, nhưng để làm gì nữa?

    Câu chuyện từ năm 1306 đến giờ. Đã bảy trăm năm lẻ. Có lẽ, nhắc lại cũng chỉ thêm… buồn!

  2. Nhờ Inrasara dịch giúp tựa đề này từ tiếng Việt sang Chăm : GIAI ĐIỆU LÀNG CHĂM

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *