04. KHÓ – VƯỢT KHÓ, BUỒN – GIẢI BUỒN
Loạt bài “Người Cham vẫn có thể làm giàu” – nhất là bài về Pabblāp Birau – nhận được nhiều phản hồi, trong đó 2 phản hồi đáng kể nhất:
– Xây dựng Làng Thuốc nam Phước Nhơn quá khó
– Pabblāp Birau còn tồn đọng nhiều cái nhức mắt, nhắc lại thêm buồn thôi.
1. KHÓ KHĂN
Làng Thuốc nam chắc gì đã khó khăn hơn Gốm hay Thổ cẩm.
Gốm Bàu Trúc, xin trích trường ca Quê Hương (trong Tháp Nắng):
Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?
Thổ cẩm Chakleng cũng chẳng khác là bao. Trước 1985, dân Chakleng còn gùi “khăn dằn” lên đất Thượng nao Cru.
“Ai đang đi kia?
Gói khăn dằn lên lưng gùi qua đất Thượng
Chàm mình nghèo mà Thượng có giàu đâu
Nhưng đã đi thì phải quến nhau
Có kịp không, với vòng xoay công nợ?”
Cá nhân tôi còn gồng cả gia đình vào tận miền Tây đạp xe bán dạo. Trước 1990, các loại vải Thổ cẩm còn bị “ra màu” khiến dân Chakleng mấy phen liểng xiểng. Đến năm 1994, hàng Thổ cẩm bị khách trả lại không phải là ít, sự thể làm cho nhiều hộ gia đình điêu đứng.
Mãi khi chúng tôi biết chế tác thành sản phẩm, rồi mở quầy bán lẻ tại Thương xá TAX, để sau đó Thổ cẩm Mỹ Nghiệp có nhiều đại lí ở các thành phố lớn, và Cty Inrahani xuất Thổ cẩm đi Nhật, các nước Tây Âu, Thổ cẩm mới có tiếng, từ đó nó mới lớn mạnh.
Nghĩa là sau bao nỗ lực và hao tốn, khâu nguyên liệu cho Thổ cẩm mới được giải quyết, sau đó người Chakleng còn nghĩ ra nhiều cách sáng tạo để mang thổ cẩm ra thị trường nữa. Trong đó có mẫu mã, có PR, có báo và đài, có mạng, vân vân.
Còn Thuốc nam? Ngày xưa nè…
Và ai đi kia?
Ciêt gha harơk lên vai đổ xô đất lạ
Hành nghề thầy lang dạo cùng quê khắp chợ
Mình cầu hên còn ai phải gặp xui?
Sẽ có kịp không cho lương tri hóa thể?
Hôm nay phải khác chứ! Đất đã sẵn, nước có thừa, ta chỉ cần đầu tư CÔNG SỨC và PHÂN BÓN, thêm THỜI GIAN chăm sóc nữa, là ổn. Vì lợi ích 10 năm trồng cây, chớ ngại! Đừng ham ăn cháo nóng bbang abu pađiak, khai thác cho cạn kiệt nguồn thuốc tự nhiên. Hệ quả không biết đằng nào mà lường…
Bà con thấy đó, Thổ cẩm Chakleng cũng đâu phải một sớm một chiều mà nên.
Càng KHÓ, công cuộc càng đòi hỏi NỖ LỰC lớn, và cần đến sự SÁNG TẠO độc, từ đó THÀNH QUẢ càng xứng đáng. Vượt khó, là vậy.
2. BUỒN
Có bạn kêu “đừng nhắc nữa, chỉ thêm buồn thôi”. Buồn, đúng lắm. Bạn còn nghĩ đến làng, biết buồn cho dân làng là quý. Nhưng sẽ quý hơn nếu bạn biết bực, biết giận. Giận và lên tiếng. Lên tiếng và tìm phương thức giải quyết.
Theo tôi, các hiện tượng tiêu cực cần được nhắc lại, và tiếp tục nhắc lại, nhắc TO hơn – khi nó còn chưa được khắc phục, chưa được giải quyết rốt ráo.
Ví dụ Ghur Darak Neh bị xâm hại, bà con ta Nao Ghur thấy Ghur bị lấn chiếm – chửi om xòm – rồi về. Về, để cho đất Ghur cứ tiếp tục chương trình bị xâm lấn. Nếu ta không buồn, không giận, thì lấy ai lên tiếng, để Ghur Darak Neh đi đến hồi kết tốt đẹp.
Các vụ việc tiêu cực, hay chưa tốt, cần nhắc lại là vậy.
Ai lên tiếng? – Người có học, trí thức!
Ai góp sức giải quyết? – Là thành phần hiểu biết.
Chớ đợi Ban Quản lý Thôn. Trí thức là người THẤY trước, LO trước, NÓI trước. Như ở Chakleng, rất nhiều vụ việc trong palei do một nhóm trí thức đứng lên giải quyết.
Lẽ nào đợi người Kinh làng Từ Tâm cỡi ngựa đến giúp ta?!