Tư tưởng đó – cần đến tính cách đó, lối ứng xử đó, với ngôn từ đó.
3 ý thường được đặt làm nền: Dĩ Âu vi trung, Duy lí & Trường ca cốt truyện, qua đó anh nhạo nhiếc, phê phán không thương tiếc [thói tật với quan điểm hủ lậu] của người Việt và văn chương Việt, thậm chí sẵn sàng thách đối thủ lên đài đấu tay đôi.
Cả 3 ý tưởng theo tôi là lỗi thời, nhưng đó là lỗi thời cần thiết. Vô cùng CẦN THIẾT. NHĐ biết (?), nhưng anh vẫn dùng đến chúng. Bởi cần thiết ấy khả thể khiến người Việt tự thức và làm lại từ đầu, khiêm tốn học lại từ abc; chớ hớt ngọn, ăn non, đi tắt đón đầu mà mong đuổi kịp thiên hạ.
Duy lí, bởi xã hội Việt Nam “thiên về tình”, cái gì cũng lấy tình mà bàn, mà xử. Tình, nên luật pháp không nghiêm, suy nghĩ lập lờ, ăn nói lấp lửng khiến người nghe hiểu đến ba bảy đường… từ đó định hướng cuộc đời và đất nước mờ mờ nhân ảnh.
Cả phê bình văn chương ta cũng cứ cảm tính với cảm tình mà luận. Hết “Đôi nét về”, đến “Cảm nhận văn chương”; hết “Tản mạn văn học” đến “Văn chương, cảm và luận”. Hết [cảm] tính đến [cảm] tình, hết tỉnh đến tán, rồi bàn rồi luận. Chả ra thể thống gì cả. Thế thôi ta kêu nó vô chiêu thắng hữu chiêu, trong khi trong túi ta chẳng có lấy một chiêu nào!(*)
Dĩ Âu vi trung thì rõ rồi. Triết học Âu Mỹ rành mạch, sắc bén và nhất là hệ thống. Kant là đỉnh của đỉnh, từ đó họ mới sản sinh Nietzsche, Heidegger. Chớ Việt Nam, học chưa tới đâu mà mở miệng ra là “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”, như thể ta đây đã đốn ngộ, đáo bỉ ngạn đâu như từ kiếp nảo kiếp nao rồi. Muốn tu Phật thì trước hết bạn phải chịu cho gọt đầu, học gõ mõ tụng kinh; chớ chưa biết Kinh Pháp Cú thế nào mà đã ôm ngay Đại phẩm Bát Nhã với Hoa Nghiêm, thì toi rồi. Nhảm, và thảm!
Nhật Bản chẳng hạn, Minh Trị Thiên hoàng một mực “dĩ Âu” để canh tân xã hội [mục triết học thôi, Nhật gửi cả ngàn sinh viên qua Đức đào tạo], để chưa đầy thế kỉ sau đã dẫn đầu châu Á. Mà Nhật có mất bản sắc đâu! Mất mớ lạc hậu thì có…
Cụ thể hơn, “trường ca” chẳng hạn. Nhà thơ Việt Nam thì cả đống, từ cả đống ấy có khối làm trường ca. Trường ca mà chả có mống nào nghĩ ra nổi một cốt truyện cho ra hồn. Trường ca hệt loài thơ kéo dài như kẹo kéo. Mà thơ ấy thế nào? Chả có nổi một giọt lí trí, có mỗi tình cảm lải nhải trang này qua trang khác, múa lửa lắc vòng với câu chữ cách tân, đổi mới nhợt nhạt và vô cùng hời hợt.
Nhân vật Paul Nguyễn Hoàng Đức xuất hiện hôm nay, là một tất yếu!
Quyết liệt ý tưởng, quyết liệt câu chữ, quyết liệt tính cách giữa đời thường và văn chương Việt đương đại mù mờ nhân ảnh và chữ nghĩa như người đi đêm.
Nguy cơ ấy như muốn kéo dài đến vô tận.
[(*) Phê bình Lập biên bản của tôi làm ra cũng ý định ấy. Cả 3 hình thức PBLBB: Biên bản Bàn tròn Văn chương, Biên bản lập châm, và Phê bình như là lập biên bản chủ yếu muốn dẫn nền phê bình văn học Việt Nam làm lại từ đầu: Khoa học, và dựa trên văn bản, chứ đừng tán lạc đề và vô căn. Chỉ từ đó thôi, ta mới có được nền Phê bình [như là] khai phóng].