NGUYỄN QUANG THIỀU &… TÔI

thieu-2016-4-28-dhvh2
Lần đầu tiên tôi ra Bắc – mùa hè 1996 dự Trại viết Đải Lải – cũng là lần đầu tiên tôi gặp Thiều. Buổi tổng kết, anh có đến chào bàn chúng tôi, ngồi xíu rồi đi.
– À, đây rồi, – tôi nghĩ bụng. Ở Sài Gòn 2 năm trước, tôi có mua thơ anh, đọc và khoái. Tôi chờ anh tặng tập thơ [tôi có 2 tủ sách, 1 ở Sài Gòn và 1 ở quê]. Nhưng không – anh tặng cho cô nàng ngồi cạnh tôi. Không sao, lúc đó chưa ai biết anh chàng nông dân Cham này là ai mà.
Buổi chiều, cô nàng gặp tôi chìa tập thơ ra, kêu: Thơ kiểu này em làm mỗi ngày 20 bài. Tréo ngoe vậy đó.
Thơ Thiều có ảnh hưởng vào thế hệ thơ trẻ ở khu vực phía Bắc: có; Thiều được ngưỡng mộ: có; và Thiều bị ghét bỏ [nhất là khi anh ngồi ghế Phó Chủ tịch HNV]: cũng có luôn. Ta hay than phiền văn học VN không có đỉnh cao, tại sao ta không dám nhận Thiều là một [trong vài] đỉnh [hơi] cao nhỉ?

Thiều là một tài năng lớn, lớn thế nào có khi cũng lẩm cẩm. Thư gửi Obama và Castro là một; tôi từng viết bài đùa: đó là một bài thơ ‘hậu hiện đại’ lớn.
Tài năng lớn, lớn nên sưu tầm được vài nịnh bợ, ở đó Hội thảo về thơ Thiều là một. Tôi có phê phán vài khía cạnh nội dung Hội thảo này, khi trả lời phỏng vấn RFA. Thiều có giận, nhưng anh không để bụng lâu.
Có lẽ để giữ tư thế “lớn” này, nên Thiều không quyết liệt với vai trò của mình. Hội thảo LLPB ở Tam Đảo vừa rồi, tôi nói với một bạn thơ, nếu tôi ngồi chủ trì, thái độ [chạy lên chạy xuống] kiểu Đông La bị tôi cho KO là cái chắc. Thiều đã không làm được chuyện đó.
Nhưng Inrasara không phải là Nguyễn Quang Thiều!

*
Tôi viết nhiều đoạn về Thiều, đây chỉ là 1 trích đoan từ: “THƠ ĐỔI MỚI, HÀNH TRÌNH ‘CHUYỂN MỘT HƯỚNG SAY’”

Khép lại cánh cửa quá khứ, công việc đầu tiên của nhà thơ Đổi mới là tái khám phá hiện thực, hiện thực bị đánh mất trong chiến tranh hay trầm tích nơi những vùng đất lâu nay im ngủ. Chiến tranh, giá trị và ý nghĩa của đất được đo bằng sự được/ mất, sự hi sinh và lượng đổ đi của máu; sản xuất, đất là tấc đất tấc vàng, là đổ mồ môi sôi nước mắt. Khi bao trận vào sinh ra tử cho đất đã qua, mấy cày sâu cuốc bẫm tất bật đã lắng lại, đứa con của Đất nhìn và hiểu đất bằng và qua tâm thức khác. Nhà thơ như là kẻ trầm tư đánh thức nó dậy. Sông Đáy trong khí mạch đất Hà Tây văn vật vang vọng suốt sáng tác của Nguyễn Quang Thiều là một. Anh khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác. “Những người đàn bà gánh nước sông”, những “con chó canh giữ nỗi buồn”…
Khởi xướng từ xứ sở bóng tối đang lan tỏa, những tiếng không phải tiếng
Rồi những tiếng ngập ngừng, rồi thanh thoát, và dâng khắp, vang vang
Hiện lên những gương mặt bị chia sẻ và lắp ghép
Tóc tìm tóc, tai tìm tai, mắt tìm mắt, và máu tìm lại máu
Những ống họng bị cắt đứt lần tìm và tự hồi sức
Và chảy trong thức tỉnh lần mò, và chảy trong mê man lộng lẫy

(Nhịp điệu châu thổ mới, Hội VHNT Hà Tây, 1997)
Khẳng định và dự cảm. Nó dự cảm về một tương lai rộng mở nhưng đầy bất trắc. Sự dự cảm có mặt tràn khắp trang thơ thế hệ đổi mới. Nguyễn Quang Thiều “trốn lo âu về lại cánh đồng”, dự báo về những tai họa thiên nhiên trước sự vô tâm của con người và Nguyễn Quang Thiều dự cảm ánh sáng mới. Dự cảm và hát lên bài ca đầu tiên của ánh sáng tìm thấy đó.
Đêm rền vang tiếng thở hơi của những cây kèn
Tôi là nhạc công sót lại cuối cùng bước dần ra phía sáng
Trong nghi lễ của đất đai, của bầu trời, tôi nâng kèn, ngước mắt
Tất cả những cánh đồng loa kèn bùng nổ – Bình Minh

(Bài ca những con chim đêm, NXB Hội Nhà văn, 1999)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *