[I have a dream: to be a CHAM STORYTELLER.
In the future I would want to continue writing poetry since I really love it. But, most of all, I would want to return to my hometown and become a Cham storyteller. Cham communities have many stories, and they need to be told to the world. I feel it’s my duty to help tell these stories.]
Mùa hè 1984, thuở còn làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Phan Rang, buổi tối, yut Châu Văn Thủ đạp xe qua rủ tôi ra tiệm nước mía ở “Bến xe Nha Trang”. Cùng đi có Phú Văn Hẳn. Tôi biết Hẳn sơ sơ, nhưng qua Thủ tôi tin bạn trẻ ấy, ý định giao toàn bộ tư liệu về ngôn ngữ Cham của tôi cho Hẳn dùng tùy nghi. Nữa, Cử nhân về ngôn ngữ là hàng hiếm ở cộng đồng Cham thời đó. Rủi thay, Hẳn ậm ờ rồi thôi.
Như sau đó vài tháng, yut Lưu Văn Đảo không mặn mà gợi ý của tôi giao toàn bộ tư liệu về văn học Cham [rất khá] cho bạn. Yut là người hội đủ yếu tố xử lí tư liệu ấy: giỏi chữ Cham, yêu văn học, và có tinh thần Cham. Tôi rất tin yut. Từ chối, Hẳn thì tôi không biết nguyên do, còn Đảo, có lẽ bạn mới ra tù, chưa định.
Tư liệu là “quý”, có được tư liệu Cham càng quý, vậy mà tôi muốn “cho”. Chớ nghĩ tôi tốt hay cao thượng gì đó, mà là muốn “đổ” trách nhiệm, chia phần việc. Bởi Cham có mênh mông việc cần làm, vài cá thể nào đó không thể gồng gánh hết.
Tôi trở thành nhà nghiên cứu từ rủi ro đó.
Tôi yêu thơ thì ít – dù từ năm 14 tuổi khi bắt đầu tập tọe vần vè, tôi chưa khi nào bỏ làm thơ – mê triết học nhiều hơn. Trong cộng đồng Cham cho đến tận hôm nay, tôi là sinh linh duy nhất mê triết học, mê theo đúng nghĩa của nó: Mua sách, đọc, truy tìm, suy tư và viết – liên tục.
Nó liên quan đến mê “câu chuyện Cham”. Các câu chuyện thường ngày của HÔM NAY [liên văn bản với hôm qua] trong cuộc sống thường nhật của con người Cham bình thường. Bạt ngàn câu chuyện. Qua họ, và qua câu chuyện vụn vặt của họ, tôi nhận ra tinh thần Cham và “minh triết Cham”.
Gặp các “trí thức” Cham thế hệ trước, tôi không “khai thác” tư liệu hay kiến thức từ họ [khía cạnh này tôi có thừa], mà là “câu chuyện” của họ. Cách kể, nội dung, và cả phái sinh với vô vàn biến tướng của chúng nữa. Chúng nói lên tính cách Cham hơn bất kì tư liệu nào.
Cho đến hôm nay, tôi chưa thấy “nhà nghiên cứu” Cham nào chú ý đến nó. Ghi nhận nó, và viết nó thành truyện – thì càng chưa.
Ôi, ước gì tôi sống lại ở tuổi 20, để chỉ làm mỗi thứ đó thôi: CHAM STORYTELLER – thì hay biết bao! Chớ đừng là “nhà nghiên cứu văn hóa Cham hàng đầu”, “nhà thơ nổi tiếng”, “cây bút phê bình lỗi lạc” chi chi cả!!!