Đời người trồng được cái cây, là sống không vô ích – ngạn ngữ Ấn nói thế.
Hơn nửa đời hư, tôi trồng non trăm cây ở các nơi tôi làm khách trú, nay chúng còn sống và cho trái/ bóng mát khoảng chục. Nghĩa là tôi sống không vô ích cả chục lần!
Tôi mê cây. Thuở nhỏ, mỗi lần mưa xuống là tôi tìm bứng đủ loại cây non về trồng khoảng sân nhỏ sau nhà. Trồng, để rồi cha nhổ bỏ. Bởi nhà chật một phần, còn do Cham sợ ma nữa. Sợ ma, thế nên dù sống đất nắng, làng quê Cham hiếm khi có bóng mát, bóng cây to trong nhà thì càng.
Nhà tôi có hai cây na to, anh Đạm bệnh, cha chặt mất một; sau này chú Ngòi bệnh, cây thứ hai cũng chịu cảnh tương tự, thêm cây đu đủ luôn chĩu trái nữa.
Tôi sống qua ít nhất 7 khuôn viên nhà, ở đó hoặc đất cằn cứng, hoặc đất cà giang đến cỏ cú cũng không chịu nổi. Nghĩa là đất luôn chống lại tôi. Tuy nhiên dẫu chúng có cằn đến đâu, tôi vẫn không chịu thua, không có nơi nào tôi trồng trên dưới chục cây.
Đất Chakleng đầu làng, trồng hàng dương, tôi phải đào hố quá đầu gối, rộng hơn mét, chuyển đất thịt từ nơi khác về cải tạo, chúng mới đứng được.
Ở Cok mới ghê, một sào rưỡi đất bỏ hoang, HTX biếu tôi muốn làm gì tùy. Thuở ấy tôi đang làm việc ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm dưới Phan Rang. Chiều đạp xe về 4 giờ đến 9 giờ, sáng dậy sớm từ 4 giờ đến 7 giờ, tôi cắm cúi cùng rơm rạ và đất. Cuối cùng sau nửa năm nó cũng chịu khuất phục tôi. Như thần: Đất hoang hôm nào đã biến thành khu vườn đầy cây trái.
Được hơn năm, tôi chuyển về Chakleng ở Xóm Sau. Lại đất hoang, lần nữa phải bỏ công cải tạo. Bốn năm sau, tôi dời đến trung tâm làng. Lại trồng cây mới, cứ thế.
Mạng tôi Bà Trời không cho hưởng cây trái mình trồng, là vậy. Cây cho trái là tôi dời đi. Đi, và trồng tiếp.
Trồng cây, nhìn chúng lớn mỗi sáng, thú vị hết biết. Trồng, để người nào đó hưởng bóng mát hay lũ trái, cũng vui.
Vào Sài Gòn, tôi cũng không chừa tật trồng cây. Không cây lớn cũng cây bé: rau. Lá me, sả, rau diếp cá, khổ qua rừng, đinh lăng, chùm ngây, mướp ngọt hay mướp đắng… Dăm năm qua, nhà tôi chưa hề thiếu rau. Thừa nữa, để bà con lân cận hưởng sái, trong đó thi thoảng có cả bạn thơ… Phan Trung Thành!