THỬ TÌM SINH LỘ CHO CHAM AHIER-AWAL 35.

Chuyện ngoại biên. Nông dân trí thức
“Nếu trí thức Cham không sợ những cái không đáng sợ, họ sẽ làm được nhiều điều cho cộng đồng” – Inrasara (RFA, 2014).

Chắc chắn thế hệ ông bà tôi (1940-1970) nảy nòi trí thức như thế.
Xin kể chuyện chung trước rồi kể chuyện riêng Ông Klơng Thân sau.
1. Ông đại úy Dương Tấn Sở Quận trưởng An Phước có công với Cham thế nào thì ai cũng biết rồi. Vậy mà không dưng, năm 1969 ông nhận quyết định chuyển công tác lên Ban Mê, thay vào đó là thiếu tá Lượng.
Thế là bà con Cham làm reo. Các xã Cham hè nhau mang toàn bộ con dấu trả cho Tỉnh trưởng là Trung tá Tự. Ông này quá biết Cham, nên vui vẻ nhận; sau đó mới trân trọng mời các quan nhỏ Cham lên tỉnh nhận lại.
Ông Sở chuyển vẫn cứ bị chuyển, dẫu sao điều này nói lên thái độ dám nghĩ dám làm của “trí thức” Chàm mình thời đó. Không đáng tuyên dương sao!?

2. Còn Klơng Phú Thân [ông họ nội tôi], thời đó được xem là “trí thức” tiêu biểu.
Kể rằng năm 1963, khi ấy Nguyễn Cao Kỳ là Chủ tịch Hành pháp Quốc gia, về Ninh Thuận công cán. Bà con có nguyện vọng dời Chakleng từ quận Thanh Hải về nhập chung quận [Cham] An Phước. Rất chánh đáng. Kẹt nỗi các viên chức Cham tất tần tật từ nhỏ đến lớn đều tránh xa quan to từ Sài Gòn, riêng ông Klơng Thân chức lik klơng (lý trưởng cũ) chả ngán: Từ hàng ghế dưới, ông cầm thư chạy một mạch lên sân khấu dâng ông Kỳ. Chuyện bất ngờ đến cảnh sát hết can thiệp kịp.
Ngay tức khắc họ ập lên điệu ông về phòng an ninh ở Phan Rang giữ lại, mãi sáng hôm sau mới cho về. Sau đó, tinh thần Thỉnh nguyện thư được đáp ứng.

Chuyện làm đường Chakleng từ palei lên Phú Quý năm 1960 mới gay. Có vị quan trong làng lên kế hoạch vạch con đường khởi từ phía bắc Chakleng băng ngược ra Bình Quý. Xe ủi đất đã sẵn sàng đâu đấy, ông Klơng Thân chạy ra cản, và tuyên: không được. Lối đó chỉ có 1-2 người [đang làm việc ở Phan Rang] dùng, khai đường lên Phú Quý mới dành cho cả làng. Nói là làm, và làm được, dù không ít chủ ruộng chống đối. Thế là cả 7 palei Cham gồm Văn Lâm, Tuấn Tú, Thành Tín, Ia Binguk – Ia Li-u, Chung Mỹ cùng góp công sức.
[Dĩ nhiên, cạnh ông còn có Hà Văn Đậy trưởng thôn, và bô lão làng là Ông Sư Đàng Câu, hộ trợ].
Ông Klơng Thân còn công lớn mang tính quyết định việc Chakleng lập Đất Thổ mộ, Sân bóng vào năm 1958, thỉnh Po Riyak từ Vĩnh Trường về Chakleng năm 1960, dời làm cầu Chakleng năm 1963, vân vân.

Chuyện khác. Năm 1971, Ninh Thuận bị lụt lớn khiến cầu Phú Quý trên Quốc lộ Một gặp nguy không đi được, xe các loại phải đi vòng theo đường đất Chakleng. Ông Klơng Thân lệnh cho Trưởng thôn lập chốt chặn xe “thu thuế”. Đương ngon trớn thì có kẻ méc, quan lớn từ Quận xuống, thế là quan bé sợ lánh đi. Ông Klơng Thân quyết truất phế quan này tại chỗ, thay ông khác lên làm Trưởng thôn, thu tiếp. Đời có ai dám “lộng hành” thế không? – Chỉ có Klơng Thân!
Chiều hôm ấy, khi lũ đã xuống, việc đã xong, ông quan tạm quyền này bị mời xuống Tỉnh. Ông Klơng Thân dặn: Đường đất là do Chakleng bỏ công sức tiền của ra làm, xe lớn đi qua bị hư rách, cần thu ít tiền mục đích chỉ để sửa sang lại, chớ không riêng tư gì ở đây cả. Nghe có lí, Tỉnh chỉ cho nộp phạt 5 ngàn đồng, “đuổi” về.
Ông Klơng Thân tôi là thế.

(Ghi chú để biết thêm: Trước năm 1960, Chakleng Nau Yang Po Riyak phải thức từ 4 giờ sang lội bộ xuống Vĩnh Trường, xong ngược lên Po Nai ở Núi Chà Bang, mãi 7 giờ tối mới về tới làng. Các ông Klơng Phú Thân, Hà Văn Đậy trưởng thôn, và bô lão làng là Ông Sư Đàng Câu quyết kanư thỉnh Po về palei tôn làm Thần Tri Thức, như vị Thần Làng của Chakleng).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *