09. Thế nào là Ahier & Awal? [khái quát]
1. Ấn Độ giáo vào Champa tk IV, và – mặc dù sau đó Phật giáo Đại thừa du nhập và tạo ảnh hưởng lớn – Ấn Độ giáo vẫn là quốc giáo ở vương quốc này.
Mãi tk XIV, khi Islam [xuất hiện từ trước đó] tạo thế lực mới cạnh tranh quyết liệt với Ấn Độ giáo, hai tôn giáo này đã phải hòa giải để hình thành một hệ thống tôn giáo tín ngưỡng mới. Đó là Cham Ahier và Cham Awal.
Khác biệt lớn nhất giữa tín ngưỡng Cham Ahier với Ấn Độ giáo, đó là Tứ đẳng cấp (chaturvarna) ở Ấn giáo không còn dấu vết trong sinh hoạt tín ngưỡng Cham. Người Cham hiện nay chỉ phân biệt hai cấp: tu sĩ (Paxeh) và dân thường (gaheh). Cả tầng lớp tu sĩ này cùng hòa nhập vào giới bình dân trong mọi sinh hoạt.
Sự khác biệt giữa hai cấp này chỉ còn được nhìn thấy qua y phục và một số quy ước nhất định. Hệ thống các thần Ấn Độ (tam linh thể: Trimurti) cùng các hóa thân ở vùng văn hóa lịch sử phía Bắc được thay thế bằng các vị vua trong lịch sử được thần hoá như Po Klaung Girai, Po Rome, Po Xah Inư…
Tu sĩ Cham Ahier cũng không còn biết đến các kinh cổ điển Bà-la-môn như Upanishad, Bhagavad-Gita nữa.
Người Cham Ahier vẫn còn lưu giữ những tập quán tín ngưỡng nông nghiệp cổ sơ.
2. Cham Awal còn có tên gọi khác là: Bini; tên Việt: Bà-ni, là người Cham theo Hồi giáo cũ, để phân biệt với Cham Ahier [tên gọi khác là Chăm, Cham Bà-la-môn, Bà Chăm, Cham cuh] và người Cham theo Hồi giáo chính thống (Islam).
Các nghi lễ quan trọng có Ramưwan, còn có tên gọi khác là Bbơng Muk Kei: Lễ cúng ông bà tổ tiên, tổ chức mỗi năm một lần vào tháng Chín Hồi lịch; Xuk yơng: Lễ thứ Sáu xoay vòng. Katat và Karơh: Là biến thái từ lễ Khotan của Hồi giáo chính thống, dành cho cho thanh niên dưới 15 tuổi. Ở xã hội Cham Bà-ni, nghi lễ Karơh dành thiếu nữ được đặt nặng hơn.
Người Cham Bà-ni còn có một số nghi lễ khác do người họ thực hiện riêng biệt hoặc phối hợp với cấp Paxeh bên Cham Ahier. Đó là các lễ mang tính dân tộc như Rija Nưgar, lễ mang tính nông nghiệp như Palau Paxah, Pakap Haluw Kraung. Ngoài ra cộng đồng này còn tham gia lễ hội Katê được xem là lễ hội chung cho cả dân tộc. Sự phối giữa hai tôn giáo Cham Ahier và Bà-ni còn thể hiện qua sự dâng lễ cúng tế thánh đường Hồi giáo của người Cham Ahier nhân dịp Ramưwan.
Khác biệt nền tảng nhất của Cham Awal so với Islam, đó là người Cham Bà-ni đã quên/ làm khác đi 5 cột trụ căn bản của Islam, ở đó lớn nhất chính là người Cham Bà-ni ngoài thờ phượng Allah còn cúng tế các vị thần bên Cham Ấn giáo và cúng ông bà tổ tiên..
12. Thế nào là Haluw janưng Ahier-Awal?
Cộng đồng Cham Pangdurangga có hai dòng tôn giáo tín ngưỡng chính, là Ahier và Awal.
Chức sắc tôn giáo tiếng Cham là Haluw janưng. Cham Ahier có Haluw janưng Ahier, Cham Awal có Haluw janưng Awal.
Cạnh đó cộng đồng Cham còn tồn tại hệ thống tín ngưỡng khác, thuật ngữ Cham là Haluw janưng Ahier-Awal mà tôi tạm dịch là “Hệ phái giữa”, gồm: Ong Mưdwơn, Ong Ka-ing và Muk Rija, cùng: Ong Kadhar, Ong Camưnei và Muk Pajuw phục vụ cho cả hai bộ phận tôn giáo tín ngưỡng trên.
Đó là sự hòa hợp độc đáo giữa Cham Bà-ni và Cham Ấn giáo
Tính nhất thống và hòa hợp Ahier-Awal còn được Cham quan niệm: Paxeh (Cham Ấn giáo) là đàn ông, Acar (Bà-ni) là đàn bà, với cách ăn ăn mặc phù hợp với giới tính. Khía cạnh khác, để biểu tượng hòa hợp Ahier-Awal, người Cham đã biến thái biểu tượng AUM của Ấn giáo thành Haumkar độc đáo của riêng mình. Đặc biệt, biểu tượng được dùng rộng rãi cả trong sinh hoạt đời thường lẫn trong lễ nghi tôn giáo.
Hệ Ahier-Awal: Mưdwơn chủ trì các loại lễ Rija trong làng Cham thuộc hai tôn giáo. Người đạt đến Mưdwơn gru phải là một nghệ sĩ toàn năng. Ông có thể múa, hát và sáng tạo Damnưy (tụng ca), vừa có thể chơi đủ loại nhạc cụ Cham.
Vì thuộc hệ Ahier-Awal, thế nên Ong Mưdwơn cũng kiêng kị như một chức sắc Cham Awal: kiêng ăn thịt heo và uống rượu.
Đi cùng với Mưdwơn luôn có Muk Rija vừa lo chỉ đạo sắp xếp các lễ vật cùng tế, vừa là vũ nữ thuần thục các điệu múa phục vụ lễ. Ngoài ra các lễ Rija mang tính cộng đồng luôn có Ka-ing là nghệ sĩ múa roi và múa đạp lửa.
Bên cạnh hệ Ahier-Awal, Cham còn có hệ khác chuyên phục vụ cho cấp Paxeh, đó là bộ ba: Ong Kadhar, Muk Pajuw và Ong Camưnei.
Ong Kadhar là nghệ nhân kéo đàn Kanhi (đàn nhị mai rùa) và hát các danak khi Cả sư Cham Ahier làm lễ mở cửa tháp, lễ Nhập Kut, Ew Po Bhum, và lễ liên qua đến đất các loại. Phục vụ cho Ong Kadhar có Muk Pajuw, thế nên Cham có câu tục ngữ:
Mưtai Ong Kadhar dauk Muk Pajuw: Chết (mất) ông Kadhar còn bà Pajuw.
Còn chức Camưnei chỉ là ông Từ giữ đền Tháp.