[& thông báo tạm ngưng 2 series Stt: “Chuyện Văn nghệ VN. Định kiến…” & “Cham Ahier, thử tìm cách giải quyết”]
Đây chỉ là câu hỏi giả định, bởi chưa hề/ và không bao giờ xảy ra vụ đó nữa, có lẽ. Người ngoài sẽ ngạc nhiên không ít, khi biết:
Đài truyền hình các nơi, kể cả Thái, Đức đã có 24 phim riêng về Sara, Ninh Thuận thì không.
Ông Inrasara nhà văn Dân tộc thiểu số mang tiếng là… “nổi tiếng” chưa nửa lần được tham dự Ngày Hội Văn hóa các Dân tộc VN.
Tôi đã đi khắp tỉnh thành nói chuyện về văn chương với văn giới, riêng Ninh Thuận quê tôi thì – không [dù ở đó, 2 bận tôi được anh chị em hội viên yêu cầu].
Tôi hơn trăm lần nói chuyện, thuyết trình trước sinh viên Nhật, Hàn, Thái, và Việt, thế mà chưa một lần với sinh viên của tộc mình [“nói chuyện, thuyết trình” chứ không phải giảng dạy].
Dù cả bốn thứ ấy, tôi rất… thèm.
Kate-Ramưwan năm kia, Ban tổ chức mới vài “nhân vật” Cham có dăm mươi phút tâm tình với đồng hương và sinh viên. Nghe các bạn trẻ kể lại, vị thì “tôi có đứa con du học ĐH danh giá nước ngoài”, vị thì “tôi giám đốc chứ không phải phó giám đốc”, có vị “tôi đã tiến sĩ chứ không còn là thạc sĩ”, vân vân. Có thể các anh nghĩ điều đó là cần thiết, nhằm khích lệ tinh thần phấn đấu của con cháu.
Nếu tôi, tôi sẽ khác. 5 phút, tôi sẽ thuyết như vầy:
[Miễn màn kính thưa] Các bạn sinh viên thân mến!
Hai-ba năm sau “giải phóng”, thế hệ chúng tôi vào Sài Gòn đếm chưa hết đầu ngón tay và ngón chân cộng lại. Thế hệ trước đó, phần bỏ đi nước ngoài, phần trở về quê nhà; còn thế hệ sau thì chưa tới. Chúng tôi cô đơn giữa mênh mông thành phố cũ trong xa lạ chế độ xã hội mới.
Nhìn quanh, không có gia đình Cham nào trụ lại để nhờ cậy, chưa có Hội Đồng hương – xôm tụ như hội hôm nay – để trông mong. Người ăn nên làm ra để lúc túng thiếu có thể vay mượn, không. Xe đạp không, cà phê cà pháo càng không.
Vậy mà thế hệ đó, hôm nay đang có Mai Văn Đức, Thành Phần, Đàng Năng Thọ, Quang Cẩn, Đàng Sĩ Điểm, Miễu Chông, Chế Đạt… tụ hội đây, đều là các khuôn mặt sáng giá.
Thế hệ hôm nay may mắn hơn nhiều. Các bạn sở hữu đủ các thứ trên, và nhiều thứ khác nữa, những điều chúng tôi khi ấy có nằm mơ cũng không thấy. Thêm, xung quanh các bạn có bát ngát bạn học, bạt ngàn người đồng hương vào làm ăn buôn bán, rồi cả thế hệ đàn anh chị ra trường ở lại làm việc; nhất là các bạn đồng hành cùng thế giới internet đầy tiện nghi, qua đó các bạn có thể kết bạn với mọi Cham ở bất kì đâu trên trái đất này.
Không tuyệt sao?
Vậy,
Nhằm nhò gì nỗi ưu ái sắc tộc để có được chiếc ghế ngon lành như bác Mai Văn Đức!
Nhằm nhò gì từ học vị phó tiến sĩ hữu nghị, một sáng thức giấc thành tiến sĩ, rồi nỗ lực lên phó giáo sư đào tạo bao lứa Cử nhân, Thạc sĩ như thầy Thành Phần.
Nhằm nhò gì họa sĩ Đàng Năng Thọ tác phẩm được chọn làm nền trong cuộc triển lãm nghệ thuật châu Á ở Ấn Độ.
Nhằm nhò gì sinh viên vượt biên, bị tù, ra tù rồi phấn đấu để có bằng tiến sĩ ngoại ngon lành như Quang Cẩn.
Nhằm nhò gì thầy Chế Đạt dạy có tiếng đất Sài Gòn, hay bác sĩ oách xì tin Đàng Sĩ Điểm.
Và nhằm nhò gì Inrasara, từ anh nông dân vô danh liều lĩnh đi vào cõi văn chương để thành nhà văn hốt hết giải thưởng danh giá này đến danh hiệu danh giá khác.
Tất cả, không nhằm nhò gì cả!
Cham thông minh chả thua kém gì các dân tộc khác, tôi tin thế. Các bạn trẻ hôm nay thông minh, tôi chắc thế. Các bạn sẽ làm được như các vị trên, và còn hơn thế.
Tranh cãi mà chi. Dự phần vào mấy cuộc đấu đá thắng thua trong cái ao đã ngầu đục mà chi.
Giữa mênh mông thế giới này, bạn ở đâu, Cham ở đâu? – Không ở đâu cả. Không ai biết bạn là ai, Cham là ai cả.
Hãy nhìn vượt khỏi hàng rào nhà mình. Hãy nhảy ra khỏi cái ao làng kia. Dứt khoát!
Khi các bạn khiến cho thế giới ngoảnh về bạn, biết đến Cham, biết đến nhiều hơn – là bạn đã định vị được mình.
Cá nhân tôi, từng được vinh danh là “Nhân vật Văn hóa trong năm” của [VTV3] Việt Nam [- nhằm nhò gì], tại sao trong các bạn không thể bật lên khuôn mặt là “Nhân vật Văn hóa Đông Nam Á”?
Tôi từng nhận giải Văn học Đông Nam Á [- nhằm nhò gì], tại sao thế hệ cầm bút hôm nay không thể có người đoạt giải Văn học châu Á, hay hơn nữa?
Thế hệ chúng tôi làm được, còn các bạn – tại sao không?!
Every generation has its story. And every life is a story. Every life makes history.
Thuk siam!
TẠM NGƯNG
“Chuyện Văn nghệ VN. Định kiến…” & “Cham Ahier, thử tìm cách giải quyết” đang ngon trớn, hứa hẹn còn dài, nhưng xin tạm ngưng ở đây. Lí do cũng chính đáng:
– Cái trước, hứng quá, nó mất hay. Kể trắng phớ như vậy thì mất lòng quá đi.
– Cái sau thì phân tích sạt rạt quá, cũng không hay nốt. Thêm, các bạn Cham không bàn vào, nên hơi uổng [“Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc anh tiếc công cầm vàng].
Thôi thì nghỉ giải lao, tính kế tiếp vậy.
Karun các bạn theo dõi. Thuk siam!