Chuyện văn nghệ VN. Định kiến 1. TỘI NGHIỆP NHÀ THƠ

[tặng bạn thơ Minh N Vuong]

Phàm lệ [1]. Henri Miller (ghi theo trí nhớ): Đến một lúc nào đó, tôi quyết định chỉ viết về tôi. Tôi và bạn bè tôi, những người thân quen với tôi, những điều tôi biết, tôi kinh nghiệm, tôi cảm nhận… Tất cả những điều còn lại theo tôi chỉ là văn chương. Và tôi không quan tâm đến văn chương.
Phàm lệ [2]. Năm 2014-15, tôi làm Stt phim bộ “Cái tôi đáng ghét” và “Câu chuyện Cham”, sang năm 2016 là “Câu chuyện văn nghệ Việt Nam” kéo dài qua năm 2017. Câu chuyện về những cái tôi biết, tôi trải nghiệm, tôi và bạn văn, tôi với Hội Nhà văn, tôi cùng bát ngát sự cố văn nghệ, vân vân.
Từ [1] và [2] ta có: Luôn có mặt TÔI ở trỏng.
Nữa, tôi là kẻ chịu khó đi, đọc, nghe và quan sát, qua đó bụng tôi chứa bạt ngàn nỗi văn chương nước nhà với bao nhảm nhí, kệch cỡm, lôm côm, trịnh trọng buồn cười, ưa nổ, kèn cựa, hèn nhát điệu nghệ, ba bốn lăng nhăng lếch nhếch, vân vân – trong đó tôi cộm hơn cả. Là điều không xả không đành. Một bạn thơ vội phong tặng cho tôi danh hiệu “tự ti”, có lẽ bởi nguyên do đó.
Cá nhân tôi từng nhét túi cả khối danh hiệu [“tháp Chàm kiêu hãnh”, “cây xương rồng ngạo nghễ”, “tên lập dị”, “tiếng Việt bập bõm”, “ý đồ chủ soái văn đàn”, “kẻ tự cao tự đại”, “viết văn dâm ô”, “nhà phê bình chịu chơi ở VN hiện nay”… đủ cả], nhưng đây là lần đầu tiên trong đời tôi được phong danh hiệu “tự ti”. Thế là nhập ngay vào hồ sơ cá nhân, vui vẻ.

*
Hai loài sinh linh ngày xưa [có vẻ] được trân trọng nhất, nay bị xem là tào lao nhất: nhà thơ và tư tưởng gia [hay triết gia].
Vụ này nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mươi năm trước có tán, với mấy “chập cheng” cùng vài cái “nhét” này nọ. Nghe đồn anh là nhà thơ thất bại, anh giận mình, bực lây sang nhà thơ, thành ra thế [chú ý: nhiều trang văn của NHT ưa đưa thơ vào, mà toàn thơ… dở].
Chứ nhà thơ thành công như Szymborska tự trào về mình và phe cánh mình mới đau. Hay mà đau. Đây xin miễn nhắc lại, tạm kể chuyện thực [có dính đến tôi], để xem người đời ngó “chúng” thơ tào lao… oan thế nào.

Câu chuyện.
Năm 2016, bàn chuyện Formosa, một tiến sĩ Việt trong nước giật cái tít Stt mỉa tôi [và…]: “Khi nhà thơ bàn về kinh tế”. Trước đó, năm 2015, một tiến sĩ Chàm hải ngoại lại mỉa kiểu khác: “Inrasara nghiên cứu theo kiểu một nhà thơ làm nghiên cứu”.
Họ không tranh luận trực tiếp về luận điểm đưa ra, mà chỉ cần: “… đúng là nhà thơ”, cũng tự tin đánh sập ý kiến đối phương! Đơn giản, bởi nhà thơ là nhà… tào lao.
Trước nữa, 2005, một quan lớn từ Hà Nội vào Sài Gòn tập hợp mươi trí thức Cham giải minh về “Sự cố Kiều Minh Vũ”. Tôi là người được đề nghị nói cuối cùng, vì “Inrasara có nhiều cái để nói nhất”. Sau rốt, khi tôi bàn tới cần có “sổ tay” cho các vị chức sắc Cham làm việc, chưa hiểu đầu đuôi thế nào, và không cần hỏi thêm tại sao cần như thế, ông liền chớp cơ hội mỉa tôi ngay: “Đúng là nhà thơ bàn chuyện xã hội”! [Trong khi vụ này 100% Cham giơ tay tán thành tôi].

Dù gì thì gì, ngó chung, nhà thơ đúng là có… tào lao thật!
Nhưng tào lao được như Goethe, như Tagore thì đáng lắm chứ. Hay ở cấp độ An Nam như vài bạn thơ mà tôi rành: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm báo cực giỏi, nhà thơ Nguyễn Bình Phương viết văn ngon lành phải biết, nhà thơ Lê Vĩnh Tài buôn bán kinh, Trương Đăng Dung trước khi thành nhà thơ, đã là nhà lí luận phê bình và dịch giả rất oách, còn nhà thơ Trần Ngọc Tuấn là kế toán 2 Cty nước ngoài có đến vài ngàn nhân công.
Nhiều lắm. Chịu chưa nào!

Thì một nhà thơ ‘lon’ như cỡ Inrasara cũng phải khác.
Thực tế trước khi là ‘nhà’ các thứ, tôi đã biết làm kinh tế rồi: 2 năm kế toán trưởng HTX [cấp làng], 4 năm kế toán cơ quan [cấp Tỉnh], rồi 10 năm điều hành công ty đóng đô ở Sài Gòn có nhiều đối tác nước ngoài [cấp quốc tế], thì cũng có thể bàn về kinh tế được lắm chứ.
Riêng về chữ nghĩa, ngoài nhà tào lao này, tôi còn kiêm nhiều nhà khác, ngon lành chả kém chi danh vị nhà thơ tôi đang mang vác.
Sơ sơ thế. Biết thế rồi, ai còn khoái kêu nhà thơ là loài tào lao thì cứ vô tư.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *