CHAM AHIER, THỬ TÌM GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ 6.

Xakawi, một trong hai thứ Cham cãi nhau hăng nhất

Đó là Akhar thrah (chữ Cham truyền thống) & Xakawi (lịch).
1. Xin nói chuyện nay trước.
Về chữ viết, chỉ vì vài nét thay đổi thôi mà tranh thắng thua nhau tóe lửa, đến thành “chiến trường Akhar thrah”, kéo dài suốt mười năm [chưa có dấu hiệu kết thúc] – hỏi có tội nghiệp không? Chỉ cần đặt 3 câu hỏi, là xong, vậy mà ta cứ gân cổ cãi.
– Thứ nhất, “Akhar thrah truyền thống có từ thời Po Rome, không ai được quyền sửa đổi” là một phát ngôn không biết mình nói gì. Nhớ, Po Rome thuộc thế kỉ XVII. Chữ viết được con người bày ra, trải qua 4 thế kỉ mà con người không được quyền sửa đổi, cứ hỏi bất kì nhà ngôn ngữ nào trên thế giới, là biết ngay!
Đó là lí thuyết.
– Thứ hai, cho Akhar thrah truyền thống đã “rất ổn định” là thiếu thực tế nghiêm trọng. Về lí: Một nền văn hóa chưa trải qua kĩ thuật in ấn như Cham mà chữ viết đã “rất ổn định” là một quyết đoán vu vơ. Còn thực tế: Cứ lật TĐ Aymonier ra ở bất kì trang nào, là thấy! Đó là chưa nói đến các văn bản chép tay. Không lạ, trong các thời kì khác nhau, Akhar thrah luôn được ông bà Cham điều chỉnh.
– Thứ ba, câu hỏi đặt ra là: ai chuẩn hóa, điều chỉnh? – BBS, từ năm 1978-1985, các bác làm việc ở đây là những người giỏi tiếng Cham nhất thuộc thế hệ họ. Đây là một thực tế không thể chối cãi. [Cá nhân Inrasara 4 năm BBS 1982-1986 chỉ được xem là em út, còn không được cho đóng góp công sức nữa là].

Kết. Chuẩn hóa, sửa đổi là cần! Nhưng các bác còn rất khiêm tốn, khi có thòng câu: “Khả năng chúng tôi đến đó, sau này Cham có người tài giỏi hơn, sẽ “chuẩn hóa” tiếp, để Akhar thrah dễ tiếp thu nhất”.

[Thêm: Vừa qua thầy Lưu Quang Sang trong một Video clip có nói là, dù thầy không phản đối BBS, nhưng ở Mỹ “tôi vẫn dạy Akhar thrah truyền thống, chứ không dạy Akhar thrah cải cách của BBS”.
Tôi nghĩ do sơ ý trong dùng từ, thầy chưa “danh chính”. Tạm phân chữ Akhar thrah làm 3 giai đoạn:
1. Từ Po Rome đến Aymonier 1906,
2. Akhar thrah trong Từ điển Moussay 1971, và
3. Akhar thrah BBS 1985.
Cả 3 đều là truyền thống.
Akhar thrah thầy Sang đang dạy là “truyền thống” của Từ điển Moussay (thế hệ thầy và thế hệ tôi đều học/ viết theo truyền thống này), chứ không phải “truyền thống” Akhar thrah Aymonier. Tại sao? Bởi không thể dạy truyền thống Aymonier. Lẽ nào bạn dạy “hoa” đến 10 cách viết, “nuốt”, “buồn” đến 3 cách viết!!!
Danh cần chính, từ đó ngôn mới thuận. Khi chính danh rồi, ta thôi cãi nhau.
Màn hạ].

2. Riêng Xakawi khiến Cham phân hóa, chia rẽ trầm trọng từ lâu. “Xakawi bak nưgar (Xakawi khắp xứ) là vậy:
Ray ni anưk Bini anưk Cam/ Pwơc karei harei mưlơm o laik saung gơp.
Đời nay cả Chăm lẫn Bàni/ Lịch tính sai, tháng ngày không hợp
.
Dù tác giả của Ariya Harei mưlơm có lớn tiếng cảnh cáo rằng nếu ai dùng sai Xakawi thì sẽ bị tàn mạt cả dòng họ, Cham dùng nó càng sai lệch hơn. Khốn khổ xiết bao!
Ngày nay ta dễ lầm tưởng rằng ông bà ta đã làm trầm trọng hóa vấn đề. Bởi mỗi chi tiết vặt vãnh thế kia mà non mươi tác giả đề cập đến. Có vị còn sáng tác cả một tập thơ diễn cách tính lịch (Ariya Klan Thu, Ariya Harei mưlơm…) lưu lại cho thế hệ mai sau nữa. Ngớ ngẩn ư? Không! Vì chính chi tiết này đã nói lên đầy đủ thực trạng phân hóa trầm trọng của xã hội Cham suốt cả hai thế kỉ nay” [trích Văn Học Cham khái luận, 1994].

Xakawi hiện nay vẫn còn bị dùng sai lệch. Cham AhierCham Awal, rồi giữa các gru Xakawi khác nhau nữa. Tôi đã từng nghe vài vị kêu: “Sử Văn Ngọc mà biết gì Xakawi”. Hay mới đây có bạn hỏi tôi: “Sakaya có ghé Xuk Yơng không anh? Em muốn gặp để cho anh ta biết anh ta đã sai thế nào”. Trước nữa, lúc mới sang VN Po Dharma bảo cách tính lịch của ông Cảnh sai (Ồ, nếu ông Cảnh còn sống mà nghe thế, thì từ chết đến bị thương). Nghĩa là ai cũng được quyền nói kẻ khác sai cả! Vân vân…
Thời Trung học, tôi có đọc serie bài “Cách tính lịch Chàm” trong Nội san Panrang của Thiên Sanh Cảnh. Sau đó, tôi nghĩ mình không cần nghiên cứu thêm. Ai làm xong thì mình dùng. Lịch thôi mà!
Tôi hiểu đại khái thế này: Lịch Hồi giáo Cham Awal thì cố định, nó mang tính quốc tế rồi. Cham AwalCham Awal vốn không thể tách rời. Cham Ahier cứ “tok di” (dựa vào) lịch Cham Awal mà tính, thì không lo bị… trật.
[Dĩ nhiên về chi tiết, cứ ngồi lại với nhau, lấy tình cảm mà hành xử, thì đâu ra đấy].

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *