Bài 01. Từ một Video Clip.
[mến tặng A.Luu & các bạn Cham]
Hôm qua, ngày 28-12-2016 Amuchandra Luu có link Video Clip đính kèm bài thơ “Đám tang lạ”. Bài thơ thu hút nhiều bình luận. E có ngộ nhận [và đã ngộ nhận rồi], sáng nay, A.Luu giải thích qua Stt “Đám tang Cham: Chuyện gia đình và xã hội”.
A.Luu giải thích, nhưng vẫn không đủ, và có nhầm.
– Tôi còm: “Cần đưa ra THÔNG TIN đầy đủ: 1. Đám tang này của ai? [có thể giấu tên], xảy ra ở đâu? khi nào? thầy Paxeh là vị nào? người mất giữ đạo cũ hay đã theo đạo mới? con cháu họ theo đạo nào? Nếu đã rõ ràng như thế, có lẽ chúng ta dễ bình luận hơn.” (Hồ Đình Tú đi hơi xa đề, cũng vì lí do đó).
– Nhầm. Hình ảnh trong VC không phải là Ong Paxeh, mà là Gru Kalơng [hay Gru Adơm, Gru Bhut – tùy nơi gọi]. Cấp Paxeh Cham Ahier không liên can đến chuyện chôn cất [cấp Paxeh không được quyền chôn cất, đây là vấn đề triết học Cham]. Còn nếu đây là Ong Paxeh nào đó, thì ông ta hỏng to rồi.
[Chú ý: Xin đừng khen/ chê nhau. Hoàn toàn không cần thiết. Cùng nhau tìm giải pháp, mới giải quyết được vấn đề].
Tại sao cần có thông tin như thế? Đây là nguyên do:
1. Về tôn giáo tín ngưỡng [liên quan trực tiếp đến hôn nhân] thực tế ở xã hội Cham nửa thế kỉ qua rất phức tạp [có ví dụ cụ thể ở phần sau]. Không sát thực tế, ta sẽ quay sang chống lại chính ta.
2. Cần linh hoạt, nếu không chính ta: Cham Ahier và Cham Awal tự cô lập.
3. Nên lắng nghe ý kiến khác biệt từ nhiều phía: Cham Islam – Cham tôn giáo khác – Người ngoài Cham, nhất là người Việt.
Nêu chuyện cụ thể, để ta nhận diện rõ hơn.
CHUYỆN CỤ THỂ [dù thật, xin miễn nêu tên]
Sinh linh Cham Ahier 1. Yêu dân tộc, bảo vệ truyền thống văn hóa dân tộc. Mất tại Pháp. Dù anh không phải tín đồ Công giáo, nhưng CHA ĐẠO LÀM LỄ CHÔN. 40 năm sau, họ hàng làm Đám thiêu, cấp Paxeh “pak ralang” làm đầy đủ lễ tục. Thoát!
Sinh linh Cham Ahier 2. Yêu dân tộc không kém. Bản thân và gia đình theo Công giáo. Mất tại Sài Gòn. CHA ĐẠO VÀ GRU KALƠNG CÙNG HÀNH LỄ CHÔN CẤT tại Sài Gòn. Vài năm sau, bên họ hàng đương sự yêu cầu thỉnh “cốt” về quê làm Đám thiêu, không thì phiền lắm. Gia đình ông không chịu: như vậy là mất mồ mả cha/ chồng tôi làm sao?! Hai bên nhờ Sara: tôi chịu thua!
Sinh linh Cham Ahier 3. Cham Ahier lấy vợ Cham Awal, vào Bini. Cả hai bên cùng vui vẻ chấp nhận. Ông mất, làm đám tang theo Bà-ni. Sau đó, ông đói về “đòi ăn”. Bên họ hàng ông phải qua bên vợ xin hài cốt về làm Đám thiêu theo Ahier, mới xong. Dĩ nhiên bên Bà-ni đã vui vẻ chiều.
Sinh linh Cham Ahier 4. Vào đạo Tin Lành. Mất ở quê, ông viết di chúc chôn ông theo phép Tin Lành. Di chúc đã viết, họ hàng dù rất ngán, nhưng cũng chiều theo phía đạo mới. Sau đó, như trên, ông đói về đòi ăn. Họ hàng đâu dám đụng đến mồ ông, mà phải làm Đám thiêu theo thủ tục “pak ralang”, ông mới hết thành Ma Hời.
Sinh linh Cham Ahier 5. Lấy vợ Việt. Lúc mất, bên vợ không cho Cham biết, mãi sau Cham mới hay. [Chôn cất ông được hưởng thủ tục lễ nghi nào, không ai biết]. Lên xe đò ra miền Trung đòi, họ không chỉ cho biết cái mồ ở đâu. Họ hàng cắn răng chịu, đành làm Đám thiêu theo thủ tục “pak ralang”, để giải quyết tín ngưỡng.
Mênh mông thế sự như thế. Sự thể tương tự ngày càng tăng. Bởi Cham Ahier và Cham Awal hôm nay lấy vợ Việt, chồng ngoại, chồng Tin Lành, vợ Islam, vân vân gấp mươi lần xưa ấy.
_________
Đưa thông tin về người quá cố là điều cực kì quan trọng. Từ đó ta mới đánh giá thái độ của gia đình, của Cha Đạo, là đúng hay sai. Vì nếu ko đưa thông tin, ta có thể phê phán [Cha Đạo, hay gia đình] sai, và oan. Ví dụ thông tin về “Sinh linh Cham Ahier 2”, nếu ta không cho biết là ông [yêu dân tộc, bản thân và gia đình theo Công giáo, mất tại Sài Gòn. CHA ĐẠO VÀ GRU KALƠNG CÙNG HÀNH LỄ CHÔN CẤT tại Sài Gòn], mà chỉ đưa hình ảnh hay video clip, nó dễ tạo cảm giác LẠ, khiến ta dị ứng và phê phán. Trong khi đó khi nhận thông tin đầy đủ kèm theo ảnh, ta thấy ở đây cả Cha Đạo và Gru Kalơng đều hành xử đúng. Gia đình sinh linh này cũng đúng luôn.