Muốn hiểu thế nào là hậu hiện đại, hay khác đi, muốn biết hậu hiện đại khác hiện đại thế nào, cứ ngắm 3 vụ này, là trúng ngay.
1. Nguyễn Hữu Hồng Minh tuyên: “Tôi là Tổng thống trong chính phủ thơ ca”, là hiện đại.
Bùi Chát:
“Tôi ngịch thơ
jã chàng ngịch cát
con lít ngịch những thứ khác”
ấy là hậu hiện đại. Trong khi NHHM: đóng thùng cương cứng, và cực nghiêm trọng, thì Bùi Chát phi nghiêm cẩn (unseriousness). Nói theo kiểu Sara: giải nghiêm trọng.
2. Mỗi bận Trung Quốc nghịch Biển Đông, là mỗi bận Lê Dũng đọc thơ… hiện đại. Đọc rất chuẩn, còn nó vang vang với mạnh mẽ ra sao thì khỏi nói.
Từ đó, Lê Vĩnh Tài chế tạo thơ hậu hiện đại:
“Ông Lê Dũng năm 2007: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”
Ông Lê … năm 2027: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền đảo Phú Quốc”
Ông Lê … năm 2047: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về chủ quyền thành phố Sài Gòn”
Hậu hiện đại gọi đó là “black humor”: hài hước đen.
3. Và Đinh Linh.
Đặng Đình Hưng “biến âm” và “rút gọn” các phụ âm đầu, cạnh đó vài nhà thơ thuộc Nhân văn Giai phẩm làm thơ con âm: độc đáo và sang trọng – họ là nhà thơ hiện đại.
Đinh Linh thì khác. Là một Nacirema: “người Mĩ ngược chiều” sống ở đường biên tiếng Việt và tiếng Anh, làm thơ tiếng Anh là chính, nổi hứng ba gai anh tạt qua cố hương “mổ xẻ vành tai tiếng Việt”. Anh mổ xẻ từ “Hậu Việt ngữ”, “Những từ chính”, “39 động từ”, “Từ túng”, cho chí “Ngôn ngữ và thịt”, “Bún và phở”, “Cơm và cháo” để, làm ra “Những từ điển mới”. Từ điển dùng cho tra cứu Lĩnh Đinh Chích Khoái và các tập thơ tương cận.
Tôi gọi đó là giải ngôn ngữ.
Dù làm dân Sài Gòn từ 1992, mãi năm 2000 (hay 2001?), tôi mới biết rồi làm quen nhóm thơ Tự do, khoảng đó anh về Việt Nam tìm vợ (?). Chúng tôi dăm ba người vài bận chạy xe loanh quanh thành phố, lai rai. Nhớ, lần đầu gặp, sau cả buổi tán văn nghệ, anh mới biết tôi Cham. Quay sang Nguyễn Tấn Cứ, anh kêu: Sáng giờ tôi cứ tưởng anh Cham. Tiếng Việt Sara dễ hiểu, trong khi của anh tôi lại rất khó nghe.
Đinh Linh giống tôi ở chỗ cả hai đều là loài thi sĩ mắc kẹt [và giải mắc kẹt] ngôn ngữ. Tôi: tiếng Việt và tiếng Cham; anh: tiếng Mỹ với tiếng Việt. Thế là cả hai cùng nhập cuộc chịu chơi, và phá. Tôi khoái anh ở đó, và đã viết 2 bài về anh.
Ở đây xin trích một bài trong Lĩnh Đinh Chính Khoái do NXB Giấy Vụn in, bài thơ tôi ưa đọc ngẫu hứng những lần cần làm sáng rõ cái ý của bài nói chuyện về hậu hiện đại.
GIỮA CHỊ EM TA
Chồng em nó chẳng ra gì—
Ngu, ấu trĩ, cả đời bợ đít mẹ—
Tổ tôm xóc đĩa nó thì chơi hoang—
Thua, nó còn đi bia ôm để giải xui!—
Nói ra xấu thiếp, hổ chàng—
Nói phí hơi, ai chẳng biết?—
Nó giận nó phá tan hoang cửa nhà—
Chủ nhà đuổi thì bỏ mẹ!—
Nói đây thôi có chị em nhà—
Các chị có chồng, các chị biết—
Còn năm ba thúng thóc với một vài cân bông—
Và thùng mì gói, hiệu Miliket—
Em bán đi, trả nợ cho chồng—
Còn sót vài tờ, em ăn sầu riêng—
Còn ăn, hết nhịn cho hả lòng chồng con—
Chết thì chết luôn, tao chán lắm rồi!—
Đắng cay ngậm quả bồ hòn—
Ngậm mà nhằm nhò gì? Còn phải nuốt nữa—
Cửa nhà ra thế, chồng con kém người—
Biết trước, thà tao lấy một thằng Đài Loan!—
Nói ra sợ chị em cười—
Mày cười bà, bà bắt liếm lồn!—
Con nhà nho giáo lấy phải người đần ngu—
Thú thật thì đần ngu, nho hay cán bộ thì cũng vậy thôi—
Rồng vàng tắm nước ao tù—
Ta về ta tắm ao ta, chờ cơ hội vượt biên—
Người khôn ở với người ngu nặng mình.
[2005]