Kay Amưh: Nhuk ia, một nghi thức xác định tội phạm của người Chăm xưa

Khi có sự mâu thuẫn hoặc nghi kỵ nhau trong quan hệ sinh hoạt, người Chăm thường hay nhờ bà con chòm xóm láng giềng thân quen tham gia giải quyết, phân trần phải trái, đúng sai. Những người này thường lớn tuổi, có uy tín hoặc các vị tộc trưởng của các tộc họ có liên quan vụ việc. Họ rất ngại đưa nhau ra “làng” để xét xử. Việc kiện tụng nhau ra “toà” là một việc làm rất hạn hữu – tapai bbauk gauk mưta (Vuốt mặt chạm mắt) nhưng khi sự việc đã làm hết mọi lẽ mà nghi can không chịu thừa nhận, thì người Chăm còn có một nghi thức khác để xác định “tội phạm”. Đó là việc tổ chức cho hai bên (tạm gọi là nguyên đơn và bị đơn) cùng nhuk ia – cút nước. Tất nhiên để tiến hành nghi thức này thì phải có sự cho phép của chính quyền và luôn luôn có sự chứng kiến của chính quyền, thân tộc, bà con hai bên và của cả cộng đồng một cách công khai.
Chủ lễ chính của nghi thức nhuk ia là Ong Kadhar và một người phụ là Muk Pajuw.
Lễ vật gồm một cặp gà, năm mâm cơm, trầu cau, rượu trứng và bánh trái. Dụng cụ để thực hiện nghi thức có hai cái lu đựng nước loại lớn mà người Chăm thường gọi là khang.
Địa điểm là một bãi đất rộng gần làng hoặc có khi tổ chức ngay trong sân của một trong hai người kiện tụng nhau. Các cộc gỗ được cho cắm xuống đất, nối nhau bằng sợi dây thừng làm hàng rào. Người đến xem chỉ có thể đứng ngoài vòng sợi dây này. Các quan chức, chính quyền ngồi hàng ghế trên trước mặt hai khang nước, nơi hai người sẽ “thi thố” việc nhuk ia để quan sát và xác định phạm nhân.
Trước khi vào nghi thức chính thức, người ta đến một con sông gần đó vét mười hai cái giếng con tượng trưng cho mười hai con giáp ứng với năm sinh của con người . Ong Kadhar đọc bùa chú và crauk xwan làm phép phục sinh cho mười hai cái giếng.
Mọi lễ vật sau khi đã chuẩn bị xong được dọn lên trên chiếc mâm cao cẳng (xalau glaung). Ong Kadhar ngồi bên mâm lễ làm nghi thức thỉnh mời các Thần Yang: Ppo Inư Nưgar, Ppo Klaung Girai , Ppo Rome, Ppo Pataw Ia (Thủy thần)… về chứng kiến, phán xét công minh vụ việc.
Cúng kính xong, Ong Kadhar cho mời nguyên đơn và bị đơn đến ngồi trước lu nước đã được chuẩn bị sẵn. Lu nước là một dụng cụ được làm bằng đất sét nung chín có miệng rộng thường dùng để đựng nước trong sinh hoạt của bà con Chăm. Để chắc chắn và thuận lợi cho người cút, người ta xẻ một rãnh làm chỗ dựa lu. Lu được dựng nghiêng khoản mười lăm độ so với mặt đất, mặt lu rộng, nước được đổ đầy ngang mặt lu. Sau khi kiểm tra lu nước, Ong Kadhar ataung sunuw gai đánh bùa chú vào hai lu nước. Nội dung có đoạn như sau:

Thei tapak tapaiy Ppo brei trun ia
Thei blơh blơng Ppo o brei nhuk ia
Thei tapak tapaiy bboh mưh bboh pariak
Thei waiy wơng Ppo brei bboh ula bboh adieng…
Ai ngay thẳng, Thần cho nhập nước
Ai gian xảo, Thần đừng cho lặn
Ai ngay thẳng thì thấy vàng thấy bạc
Ai lươn lẹo thì thấy rắn thấy rết…

Sau khi khấn vái xong, Ong Kadhar mời hai bên ra ngồi trước cái lu nước của mình; Ong Kadhar ngồi ở giữa và bắt đầu hành lễ bằng cách đọc lâm râm các câu thần chú trong tư thế nhập thiền, phía sau lưng Ong Kadhar là Muk Pajuw ngồi trên chiếu lễ khấn phụ. Ong Kadhar khấn liên tục cho đến khi “Thần nhập”, mới cùng một lúc dùng hai bàn tay nhận đầu 2 người (nguyên đơn và bị đơn) xuống lu nước.
Người Chăm cho rằng nếu người nào bị oan thì khi ngụp đầu vào lu nước sẽ không còn biết gì cả vì bị các thứ tốt đẹp: vàng bạc châu báu, lụa là, tiền của, người đẹp… ở dưới nước làm cho mê man không muốn ngoi lên nữa; còn ngược lại nếu là tội phạm, thì chỉ cần thò đầu vào lu sẽ thấy toàn rắn rết, hùm beo, ma quỷ… nhe răng, tuốt móng chờ chực sẵn để phanh da xé thịt, cho nên dù rất muốn cút nhưng cũng không tài nào cút vào được. Trong lúc đó hai tay Ong Kadhar cứ đè đầu họ xuống. Người nào không cút được, cứ giẩy nảy ra hai, ba lần thì bị coi là người có tội. quy trình này được làm đi làm lại ít nhất là hai lần. Hai lần mà vẫn y như cũ thì người nào cút sâu, không ngoi lên là thắng, người nào không cút được là thua.
Với cách phán xử này, thực tế đã làm cho bà con Chăm rất tâm phục khẩu phục vì việc xác định tội phạm hoàn toàn vô tư khách quan công minh và “chính xác” ở mức độ gần như “tuyệt đối”. Ai thua, người đó phải bồi thường toàn bộ chi phí cúng lễ, bị mất vật thách kiện và phải chịu thi hành hình phạt của tục lệ (adat) người Chăm.
Đến nay, qua tìm hiểu của chúng tôi với cách xác định tội phạm như thế này thì chưa có một vụ việc nào bị “hàm oan”. Tuy nhiên hình thức này, “vạn bất đắc dĩ” bà con Chăm mới thực hiện vì nó vừa tốn kém về mặt vật chất vừa lãng phí về thời gian, vừa dễ gây mất đoàn kết hàng xóm láng giềng, chưa kể là cái mầm cho sự thù hằn về sau và đặc biệt trong thời đại khoa học ngày nay, yếu tố tâm linh – Thần Yang chưa thật sự làm cho cộng đồng yên tâm! Mặc dù vậy, trong điều kiện xã hội chưa phát triển, các phương tiện, kỹ thuật điều tra xác định tội phạm còn quá thô sơ, lạc hậu – có thể nói là hầu như chưa có gì; nhưng với nghi thức nhuk ia để xác định tội phạm – như là một “cái mẹo” tâm lí đã chứng tỏ sức sáng tạo của dân gian rất độc đáo.
*
Tagalau 10.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *