Jaya Bahasa: KATÊ NÀY CÓ GÌ VUI KHÔNG EM?

Trời thu những cơn mưa đầu thu không se lạnh nhưng đủ để làm ướt áo và tưới mát những thớ đất khô cằn của vùng đất nắng. Katê năm nay, biết bao nhiêu sự kiện lớn trôi qua. Dòng tộc Mabek định cư ở Palei Hamu Tanran – làng Hữu Đức tiễn đưa Klaong về quê mẹ Palei Mabek ở Vụ Bổn để làm lễ nhập Kut. Trong số 39 Klaong được trở về nằm trong lòng đất mẹ, có Klaong của cụ Thiên Sanh Cảnh. Người Chăm còn gọi cụ bằng cái tên thân thương khác là cụ Đề. Bởi vì, cụ từng làm thư ký cho quan huyện thời Pháp. Ai cũng trân trọng về những đóng góp tích cực của cụ cho văn hóa Chăm. Sinh thời cụ là thầy giáo làng, năm 1969 linh mục người Pháp là ông Gérard Moussay thành lập Trung tâm Văn hóa Chàm Phan Rang mời cụ đến cộng tác nghiên cứu, dịch thuật tiếng Chăm. Về sau, cụ còn hợp tác với David Blood và các cộng sự của Viện Ngôn ngữ Mùa hè của Hoa Kỳ tham gia biên soạn sách khoa học thường thức bằng tiếng Chăm và các tài liệu hỗ trợ việc học tiếng Chăm. Bên cạnh đó, cụ còn là một trong những sáng lập viên của Nội san Panrang. Nội san được xem như là tiếng nói của cộng đồng sắc tộc Chàm Ninh Thuận lúc bấy giờ.
Sau năm 1975, cụ không sống ở thành phố Phan Rang nữa mà chuyển hẳn về quê nhà ở làng Hữu Đức. Chính quyền cách mạng mời cụ trở lại công việc nghiên cứu văn hóa Chăm tại Trung tâm Văn hóa Chàm. Tuy nhiên, những công trình nghiên cứu văn hóa Chăm của cụ không được phổ biến nhiều. Các bản thảo nghiên cứu văn hóa ai xin cụ cho hết. Cụ Đề có tài năng thuyết trình hùng biện, lôi cuốn người nghe bởi sự hiểu biết uyên thâm về văn hóa Chăm. Lĩnh vực cụ đam mê là văn chương, lịch pháp và tang ma vốn là những đề tài rất khó lúc bấy giờ. Trong những ngày đầu thống nhất đất nước, các làng Chăm có nhiều bất ổn cụ được chính quyền cách mạng tin tưởng mời làm “đầu khôn của làng” vận động đồng bào ổn định lao động sản xuất, kêu gọi các tay súng địa phương về hợp tác với chính quyền mới.
Tiếc rằng, thời cụ Thiên Sanh Cảnh còn sống chưa có nhiều người quan tâm nghiên cứu văn hóa nên pho sử liệu sống đã về với đất cùng với cụ mãi mãi vào năm 1989. Ngày cụ về Kut 27-09-2916, đúng vào mùa Katê và những cơn mưa tháng 7 Chăm lịch như một tia chớp hy vọng sẽ có thế hệ trẻ Chăm tiếp tục sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Chăm mà cụ từng dấn thân.
Từ bao đời nay, những cái đầu khôn của làng cũng chẳng ai nhớ nữa tại sao cứ đến mùa Katê là người Raglai lại cùng với người Chăm tham gia cúng lễ trên đền tháp. Sự hiện diện của người Raglai trong tháng Katê là một đề tài hấp dẫn thu hút các nhà nghiên cứu và giới truyền thông quan tâm đến. Nhưng, chưa có một công trình, một bài báo nào đi sâu vào mảnh vỡ của lịch sử này. Thông tin chung chung nhất, là “Chăm sa-ai Raglai adei”. Bởi, là con gái út nên được thừa kế di sản của tổ tiên và có nghĩa vụ thờ phượng tổ tiên và thần linh. Câu chuyện về mối quan hệ giữa Chăm và Raglai chỉ có vậy. Ấy vậy mà, trên đền tháp Po Ramé người Raglai ở Palei La-a xã Phước Hà, huyện Thuận Nam chẳng xuống núi phụng sự cúng lễ nữa. Người Chăm cũng chưa có động thái nào để hàn gắn lại mối quan hệ lịch sử bị rạn nứt hơn hai thập niên nay.
Katê này có gì vui không em ?
Uả. Katê sao không vui. Lần đầu tiên, đi lên tháp Po Klaong Garay vào ngày cúng lễ Katê trong lòng bao nhiêu cảm xúc khôn xiết. Nếu không có phục vụ đoàn của Phó Chủ tịch nước đến thăm viếng tháp Chăm vào mùa người dân cúng lễ Katê có lẽ tôi cũng chưa biết bao giờ mới đặt chân đến đó nữa. Sau khi, các đoàn khách thưởng thức tiết mục văn nghệ xong và rút thì nhiệm vụ tôi cũng hết, trả lại không gian thiêng cho bà cúng kính. Thế là, tôi tự lặng lẽ xuống tháp. Chứng kiến cảnh đông đảo bà con đi lễ trong bộ trang phục truyền thống thật đẹp, gặp những gương mặt thân quen trong nụ cười niềm nở.
Tôi chạy thẳng đến cơ quan, người bạn Khmer thời sinh viên đang đợi tôi ở đó. Dẫn bạn tham quan qua các hiện vật văn hóa Chăm. Rồi, đứa bạn đón nó đi ăn Katê ở làng. Như thường lệ, cứ đến Katê cơ quan tổ chức cúng khấn cầu ông bà, tổ tiên và các bậc tiền bối phù hộ sức khỏe và tinh thần làm việc hăng say. Thầy cúng được mời đến là ca sĩ Thập Ariya. Anh vẫn phong độ và nhiệt thành với công việc mang nghệ thuật Chăm đến với công chúng và làm phước phụng sự người đời. Chúng tôi hay ghẹo anh là On Gru mỗi khi gặp anh và trò chuyện.
Trước ngày lên tháp có hẹn bạn Êđê gặp nhau ở Phan Rang uống café. Làm bạn với nhau từ nhỏ, đến nay mới đi uống café với nó một lần. Và, một lần mời nó đến nhà ăn Katê. Nó tính tình dễ làm quen, gặp phải nó trong trang phục thiếu nữ Chăm. Thế là, các anh phóng viên túm nó để ghi hình phỏng vấn. Nó bảo, sẽ rủ thêm đồng nghiệp Êđê nữa đến nhà tôi chơi luôn. Tôi welcome! Ai ngờ lại đúng người quen của tôi thời đi thực tế ở Đaklak. Gặp lại tôi, bạn khen tôi hồi đó ốm lắm mà. Trong bàn nhậu Katê nào là tiếng Êđê, Chăm, Kinh ai thích nói ngôn ngữ nào tùy thích. Bạn tôi là tài giỏi nhất nó sài cùng lúc 3 món ngôn ngữ luôn.
Cứ ngỡ rằng, tôi sẽ gặp lại hình ảnh người Raglai đi ngất ngưỡng gùi y trang về rừng. Khoảng 2 giờ chiều tôi ung dung cầm chiếc Camera chạy đến ngôi đền Kalan Po Ina Nagar nhưng chẳng còn một bóng dáng ai ở đó. Mọi người cúng lễ xong đã ra về hết từ lâu. Bây giờ người Raglai xuống làng Chăm bằng xe máy cày. Nên, đúng giờ họ đã lên xe về nhà. Tôi bị hố vì cứ nghĩ 3-4 giờ chiều đoàn người Raglai mới về. Thế là, chẳng gặp được các bạn Raglai trong mùa Katê. Tôi chỉ được xem các bạn biểu diễn Mả la và Rakle qua làn sóng truyền hình tiếng dân tộc VTV5-Bản sắc văn hóa Chăm-Raglai.
Ngày thứ 3 Katê, tôi đến palei Caklaing chơi, anh bạn tôi nói Katê bây giờ loạn cả rồi. Làng nào thích ăn ngày nào cũng được, cứ nhắm vào ngày cuối tuần là tiện lợi nhất. Tôi hỏi bạn loạn là như thế nào ? Bạn giải thích: Trước đây Po Adhia là người đưa ra lịch quyết định làng nào được phép cúng cơm vào ngày nào theo trình tự. Ngày cúng cơm đó chính là ngày Katê của làng. Tôi nghe cũng thấy có lý lẽ. Bởi khi cúng cơm thì mới có đồ để Yaong và tiệc tùng. Nếu chấp nhận lý thuyết ngày cúng cơm của làng là ngày Katê của làng thì palei Palao – làng Hiếu Thiện là làng ăn Katê sau cùng. Nhiều người còn suy diễn palao là tiễn đưa tháng Katê luôn.
Dân làng tôi than phiền, Katê ngày càng chán và tệ lậu. Ngoài múa tập thể ở sân bóng chẳng có tổ chức gì. Nào là không thể thao, không văn nghệ. Đoàn nghệ thuật dân gian Chăm lo phục vụ Lễ hội nho và vang Ninh Thuận. Nên không có đến phục vụ như mọi năm được. Văn nghệ địa phương sẽ biểu diễn phục vụ cho bà con và khách làng. Nhưng, cuối cùng cũng chẳng biểu diễn được luôn. Hôm gặp anh Hán Dương Phú ở tháp Po Klaong Garay. Anh cho biết: Lý do không làm văn nghệ là do không câu được điện. Vài ngày sau, văn nghệ làng mới trình diễn, bà con cũng háo hức đến xem. Vì, một năm họ mới được nghe lời ca, tiếng nhạc và điệu múa Chăm. Hưởng thụ giá trị văn hóa như cơn mưa giữa mùa hạn. Có lẽ, khách đến làng chơi Katê đã đi hết. Và, họ mất cơ hội được xem văn nghệ làng.
Tháng Katê dân làng palei Hamu Tanran được một chính khách từ Trung ương đến thăm. Đó là: ông Nguyễn Thiện Nhân-Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đến thăm cán bộ và nhân dân 2 xã Phước Hữu và Phước Thái vào buổi tối ngày 07-10-2016. Sau khi, nghe lãnh đạo địa phương báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội. Ông Nguyễn Thiện Nhân mời những đại biểu đến tham dự phát biểu. Nhân cơ hội của buổi tiếp xúc với lãnh đạo Trung ương người dân đã tranh thủ đưa ra các kiến nghị bức xúc của địa phương. Khi đã có 6 ý kiến phát biểu, ông Nhân nói: người Chăm theo chế độ mẫu hệ nên ưu tiên cho phụ nữ phát biểu ý kiến cuối cùng trước khi kết thúc phần trao đổi. Các đề xuất của người dân tập trung vào các vấn đề như sau:
1. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số địa bàn vẫn còn xảy ra.
2. Nạn thất nghiệp của sinh viên dân tộc Chăm không tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp.
3. Chính sách vay vốn ngân hàng: Cần có chính sách ưu đãi vay vốn để người dân đầu tư sản xuất, ưu đãi vốn vay cho sinh viên là người dân tộc thiểu số.
4. Xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống thủy lợi để chống hạn hán, điện thắp sáng cho tuyến đường liên xã.
5. Chính sách giáo dục: Cần ưu tiên cho con em người Chăm được học Trường Dự bị Đại học, lãnh đạo các Trường Dân tộc Nội trú cần ưu tiên đề cử người Chăm. Ban biên soạn sách chữ Chăm (BBSSCC) đã đóng góp rất tích cực trong việc dạy và học tiếng Chăm. Việc xóa bỏ BBSSCC để thành lập Phòng Giáo dục Dân tộc như hiện nay không được nhân dân Chăm ủng hộ. Do đó, cần khôi phục lại hoạt động của BBSSCC.
6. Tình trạng mất an ninh trật tự, trộm cắp hoành hành khiến cho người dân không yên tâm trong cuộc sống.
7. Cán bộ cao cấp của người Chăm về hưu nhiều chưa có lực lượng kế cận. Đặc biệt, là các cấp lãnh đạo, cấp tỉnh và cấp huyện. Vì vậy, cần tạo nguồn cán bộ cấp cao là người dân tộc Chăm.
Thời điểm ông Nguyễn Thiện Nhân đến thăm bà con Chăm, trời mưa không thôi tuôn rơi. Hy vọng rằng, những đề trình của người Chăm sẽ được các cấp, các ngành chức năng lắng nghe và thực hiện. Và, nếu làm được những thỉnh nguyện trên sẽ là sức mạnh, động lực cho tinh thần đoàn kết của bà con Chăm cùng cả nước xây dựng Nông thôn mới ngày càng khởi sắc cùng sự phát triển của đất nước./.
Phụ lục:
http://m.daidoanket.vn/thoi-su-chinh-tri/doan-ket-doi-moi-mo-ra-co-hoi-phat-trien-voi-dong-bao-cham/126390
http://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/dong-chi-nguyen-thien-nhan-lang-nghe-tam-tu-nguyen-vong-dong-bao-dan-toc-cham-411030.html

One thought on “Jaya Bahasa: KATÊ NÀY CÓ GÌ VUI KHÔNG EM?

  1. Thích nhất là điều thứ 7. Nếu người Chăm có nhiều vai trò quan trọng trong xã hội thì họ có điều kiện giúp đỡ cộng đồng phát triển.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *