MẶC ÁO ĂN CƠM

Câu chuyện Thiền (D.T. Suzuki (1971), Thiền luận [bộ thượng], Trúc Thiên dịch, An Tiêm, Sài Gòn, tr. 30):
“Ngày kia, có ông đạo hỏi thiền sư Mục Châu, một cao tăng ở hậu bán thế kỷ IX:
– Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?
Sư đáp: Mặc áo ăn cơm. Thầy kia trả lời không hiểu.
Sư đáp: Không hiểu thì mặc áo ăn cơm”.
Ông đạo đặt câu hỏi về cái đời thường nhất: “mặc áo ăn cơm” với Thiền sư vốn được coi là đại biểu của “siêu hình”: một câu hỏi lạ thường. Và Mục Châu ngay tức khắc giải-vấn đề bằng chặt đứt vấn đề với chữ THÌ cực tuyệt, lạ thường không kém.
Xin tạm cho chữ “thì” này vào ngoặc ở đây.

Cuộc sống con người ở đâu và thời nào cũng xoay quanh chuyện “cơm ăn áo mặc”. Thể chế chính trị cao thấp có khác nhau, chung quy vẫn là nỗ lực giải quyết nhu yếu căn bản kia của quần chúng. Thành bại nằm ở đó cả.
Tuy nhiên vẫn có điều gì khác ngoài nó: con người theo đuổi suy tưởng, mộng tưởng, lí tưởng, đam mê, ước mơ vượt thoát, vân vân; qua đó, “cơm ăn áo mặc” thành trở ngại, và thừa.
Từ đó câu hỏi “làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?” được đặt ra, bức xúc không kém. Kẻ “outsider” sẵn sàng chết vì/ cho câu hỏi kia. Chết, với ý hướng vượt thoát khỏi thế giới “con” để vươn lên đạt đến chiều kích “con người”.
[E. Conze (Buddhism, Its Essence and Development (1959), Dover Publications, Inc., Mineola, New York) lí giải nhà Phật: Trong lúc xã hội hiện nay có xu hướng coi những kẻ ưa trầm tư như kí sinh trùng. Phật giáo nghĩ ngược lại, chính họ mới là kẻ có thể biện minh cho sự hiện hữu của con người trên mặt đất này].

Từ thuở “tìm học” và mãi tận bây giờ, tôi hay đặt câu hỏi ngớ ngẩn ấy. Khi đang đọc sách, đang viết hay thậm chí đang mơ mộng thì bị mẹ/ vợ gọi “ăn cơm”, hoặc kêu nhà có khách, và tôi đã phải “mặc áo”.
“Suốt ngày mặc áo ăn cơm, làm sao khỏi mặc áo ăn cơm?”

Tôi muôn đời hai bộ áo, khi bộ này dơ thì thay bộ kia, ngoài ra không gì khác. Thời Trung học, anh Đạm [dù lớn hơn tôi ba tuổi, nhưng anh em chung lớp từ năm cuối Tiểu học] điệu hơn, luôn được mẹ ưu tiên cho may tiệm, tôi – áo chợ [aw darak]. Dễ quá thành quen, cho đến hết cấp Ba tôi vẫn áo chợ mà mặc. Sau này lấy vợ, tôi để cho bà xã toàn quyền ra chợ trời với câu: “cei dễ lắm” là xong.
Ăn – tôi càng dễ hơn nữa. Bữa sáng ở nhà quê của tôi cục cơm nguội với nước mắm nhỉ là số một; còn thành phố, món ưa nhất của tôi là bánh mì không. Nỗi dễ này kéo khả năng nấu nướng của Hani đi xuống lúc nào không hay.
Ở quê, ngoài “Hội nghị chiếu dài” với tiếp vài bạn thân, tôi hiếm đãi khách. Khi làm dân Sài Gòn, thuở còn “đại gia” [kéo dài 10 năm], khách văn hay người quen từ quê vào, sau trà và cà phê, tôi đãi họ ở quán. Sau năm 2007, tôi dứt.
Tôi không lạ về kẻ kén ăn hay thích ăn ngon; nhưng ngạc nhiên không ít về kẻ hấp dẫn đến nôn nao trước bữa tiệc ngon, càng ngạc nhiên hơn về người có đam mê làm món ăn ngon phục vụ người khác.

Chuyện vui.
Lần lai rai với bạn thơ Trần Tiến Dũng, quán dọn món chim sẻ chiên dòn lên, nhắp một miếng, D kêu cô phục vụ lại: – Thịt cất tủ lạnh lâu ngày phải hôn? Cô bé ậm ừ. – Đắng hết chịu nổi, đổi lại đi. Tinh là vậy, nếu không có bạn thơ, tôi đã xơi sạch món đắng kia rồi còn gì.
Lần khác, năm 1994, mừng Văn học Cham khái luận ra đời, tôi mời hai bạn Cham tới nhà. Gà nhảy ổ từ quê gửi vào, tôi giao cho cô bé Ô-sin dặn làm hai món: luộc và nấu cháo. Ba chúng tôi ngồi chiếu trà Bắc tán dóc. Món dọn lên, anh bạn kêu: – Hỏng rồi, luộc thế thì chết rồi, uổng quá đi. Rồi suốt cuộc, anh không quên kêu than cho nỗi uổng kia.
Mươi năm trước đó, hội thảo ở Ban Biên soạn sách chữ Chăm – Phan Rang, có ông anh được mời như là khách, thấy con bò tơ “hay” quá, đang dự hội nghị anh mãi áy náy về nỗi sợ nhà bếp làm hư bữa tiệc. Thế là anh bỏ hội nghị đi xuống, để cuối cùng anh trở thành người đạo diễn ẩm thực cho hội thảo lúc nào không hay.
Đời lắm sự thế, mới vui!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *