1. ĐÓ VẪN LÀ BÀN CHÂN VIỆT… (thơ Inrasara)
Bước chân Âu Cơ lên non
Bước chân Long Quân xuống biển
Bước chân Tây Sơn thần tốc
Bước chân mang dép cao su vượt Trường Sơn
Và…
“Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn”.
“Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn”, là câu cuối cùng trong bài thơ “một bàn chưn” của Nguyễn Hoàng Nam.
Bài thơ viết vào tháng 9-1999. Đọc nó lần đầu, tôi như bị điện giật: “Đây là bài thơ thiên tài”, – tôi kêu lên. 10 năm sau, 2009, viết tập phê bình Thơ Việt, Từ Hiện đại đến Hậu hiện đại, từ Việt Nam tôi nói ý này với NHN, anh trả lời: mình rất sợ chữ “thiên tài”, nên thôi.
Tôi biết đó là bài thơ lạ, độc đáo, với câu cuối cùng hay đến xuất thần, nhưng không thể biết nó hay ở chỗ nào. Nó cứ ám ảnh tôi. Lần thứ hai viết bài phê bình “Hồ sơ Biên bản so sánh. Bài 6: BÀN CHÂN VIỆT: Bài thơ lớn – bài thơ nhỏ” đăng Vanviet.net, 19-10-2015, như nhiều nhà phê bình Việt Nam khác, tôi chỉ làm phê bình nói mò.
Hôm nay tôi mới vỡ ra. Một bài thơ hay cần dài thời gian đến với ta, là thế. Nó cần khoảng chân trời chờ đợi (horizon of expectations). Và cần hơn nữa là: người đọc biết chờ đợi.
Đúng 17 năm sau “một bàn chưn” có mặt, vào tháng 9-2016, hình ảnh công an đá nhà báo xuất hiện trên thông tin liên mạng toàn cầu, như là một định mệnh. Nó mở mắt cho tôi nhìn và thấy được sự thể. Tôi có ngay tang chứng lịch sử cho Phê bình Lập biên bản của mình.
Trước sát-na kia, cả vạn người phản ứng, bằng giận dữ, khinh bỉ, và chưởi bới. Một phản ứng đầy CẢM TÍNH như thế, là chuyện thường tình.
Lượng người ít và LÝ TÍNH hơn, phân tích nguyên nhân dẫn đến sự thể, qua đó tố cáo cơ chế xã hội Việt Nam hôm nay.
Tôi ngược lại, tôi nhìn thấy bàn chân sát-na kia mang chở đầy yếu tố SỬ TÍNH (Geschichtlichkeit – dụng ngữ của Heidegger).
Tạm diễn ngôn bài thơ mình như sau [đúng hơn, tất cả là CỦA người khác, tôi chỉ sáng tạo đúng 1 chữ “Và…” với đặt tên bài thơ: “Đó Vẫn Là Bàn Chân Việt”.
– 2 câu đầu: “Bước chân Âu Cơ lên non/ Bước chân Long Quân xuống biển“.
Diễn: Thời tiền sử khởi đầu với: Bước chân “lên”-“xuống” hình thành đất nước chữ S này.
– Câu thứ 3: “Bước chân Tây Sơn thần tốc”
Diễn: Thời phong kiến chấm dứt với: Bước chân Tây Sơn đánh đuổi ngoại xâm.
– Câu thứ 4: “Bước chân mang dép cao su vượt Trường Sơn”
Diễn: Thời đại Hồ Chí Minh kết thúc bằng: Bước chân vượt Trường Sơn giải quyết nội chiến, thống nhất đất nước.
– Câu: “Và…”
Diễn: Thiên niên kỉ mới mở ra: Bàn chân Việt hết việc, không biết làm gì, oải quá, thế nên…
“Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn”.
Mà phải là cái đít… Việt.
*
Phụ lục bài thơ :Bàn Chưn” của Nguyễn Hoàng Nam
một bàn chưn
Bàn chưn ngồi một mình phơi nắng trên bãi biển,
sung sướng trần truồng sau bao nhiêu năm giày vớ.
Gió biển đỡ ruồi, nhưng thỉnh thoảng cát dính vào
chỗ cắt cũng hơi xốn.
Không biết giờ này những bộ phận kia đang làm gì?
Thanh quản ứ ứ liên tục nhạc nhẹ trong thang máy của một
động đĩ hạng sang. Bàn tay cứ chộp lia chộp lịa theo phản xạ.
Tròng mắt lăn long lóc trên vĩa hè, vị trí ngon hơn thượng đế,
mỗi ngày cho điểm hàng ngàn nhãn hiệu váy và xì líp.
Cái lưỡi uốn éo ngọ nguậy, đầy khêu gợi như đuôi thằn lằn,
tranh đấu trước Quốc Hội đòi quyền lợi cho loài đỉa.
Bộ óc nhảy qua vòng lửa trong một gánh xiệc.
Theo thói quen hành chánh, đã có một cuộc họp
trưng cầu ý kiến. Cho có lệ vậy mà. Tất cả đều nhất trí
xử tử trái tim và bao tử, rồi giải tán đường ai nấy đi.
Bàn chưn ngồi phơi nắng trên bãi biển ngẫm đời mình.
Chán nhứt là ụp lên một bàn chưn khác cạ cạ liên hồi
cả tiếng đồng hồ, sướng cái chỗ nào không biết.
Một cục đá bự trong hẽm tối, miểng chai cạnh bờ tường,
bãi cứt chó ẩn trong thảm cỏ công viên, trái mìn đường làng.
Những gót giày đạp lung tung trong những đám đông.
Một cú vuốt ép phê từ ngoài vùng cấm địa, trái banh
xoáy vòng cung qua hàng rào cong vào góc thượng,
thằng gôn chưng hửng chửi thề. Vẫn chưa sướng bằng
bùn đáy sông nhớp nhớp êm êm, luồn qua kẽ từng ngón
chân mềm mềm nhột nhạt. Ơơơơơưưưưưưưưừ ừ ừ ừa…
Giờ này ước gì có một cái đít để đá chơi đỡ buồn.
9-1999