(Nhân Kate, tặng Nguyễn Trinh Thi, Đinh Bá Truyền, và các bạn [có vẻ, hay thật lòng] muốn hiểu về Cham, đọc giải trí lành mạnh).
Ở thế giới nhỏ bé Cham, vài Cham khi túng thế hoặc đuối lí hay kêu: “Người Cham nói”, “người Cham tôi nghĩ thế”, hay to hơn: “triết lí Cham quan niệm thế”…
Đó là lối nói “nhân danh”, “thay mặt” [mà các nhà chính trị ưa dùng], tiếc là nhân danh… sai. Biết nêu câu hỏi với kẻ phát ngôn, rằng đó là: Người Cham nào, nói ở đâu, và nói ra sao, bạn sẽ đặt họ đứng vào thế chông chênh dễ đổ ngay.
Trích Minh Triết Cham: Diễn ngôn bất kì vấn đề nào về Cham đều cần trụ trên kiềng 3 chân: nguồn sử liệu – truyện kể – và hồ sơ hiện tại. Tôi đưa ví dụ, ngay Po Riyak ở Vĩnh Trường [nơi Dự án Nhà máy ĐHN 1 đặt trụ sở], ai cũng biết đó là của Cham, nhưng không một ai thò ra được dù 1 chân kiềng, để chứng minh nó đích thị là của Cham [“Câu chuyện Po Riyak” của tôi đăng tc Nghiên cứu & Phát triển 2-2016, và Tagalau 20 là nỗ lực bày ra chân kiềng đó].
Hôm nay, tôi thử đưa ra 3 chân kiềng kiểu khác, để phản bác “người Cham nói” qua phân tích: Dân gian nói – Chuyên gia nói – Văn bản nói.
1. Dân gian nói…
Người dân gian có vẻ đáng tin nhất cũng sai. Thử nêu 4 ví dụ:
– Năm 1993, thầy Thắng đưa tôi đến gặp một vị chức sắc ở Phan Rí. Vị này đọc một đoạn thơ, cho đó là thơ của nhà thơ vô danh viết từ thời Po Rome. Thơ khá hay, nhưng thơ Cham ở thế kỉ XVII mà lại gieo vần theo kiểu lục bát Việt!
Sau đó, chúng tôi đến gặp cụ già 93 tuổi, còn khá minh mẫn. Cụ kể 3 truyện cổ, kêu là của Cham trong khi chúng là truyện cổ Pháp. Không lạ, bởi cụ sinh ra và lớn lên ở thời Pháp thuộc. [2 vụ này tôi đã kể trong “Hành trình đi tìm văn học Cham”, 1998].
– Năm 1994, ông anh bạn [có nghiên cứu] ghé nhà tôi ở Tân Bình, hỏi: “Trạm có biết tục ngữ “Ia tamuh di cơk, harơk tamuh di ralong, nhjơm bilong tamuh di patuw” không? Tôi nói, có, nhưng khúc cuối là ai đó chen vào sau này thôi. Dĩ nhiên anh không chịu. Câu trên, ai có căn bản về văn học dân gian đều biết đó là sáng tạo mới.
– 20 năm sau, trong buổi hội thảo bỏ túi, anh bạn [có viết văn] nêu ý kiến: “Chuyện cây Krek với vụ lót bánh tráng dưới chiếu giả đau xương là do người Việt áp đặt cho Cham thôi, chứ Po Rome đâu tệ thế”. Tôi mới hỏi lại: Bạn biết mô-típ huyền thoại kia ở đâu ra không? – Không. – Không biết sao lại nói… [người Việt không có mô-típ kia, thì làm gì họ áp đặt lên Cham, trong khi chính 3 nhà nghiên cứu Cham đã kể nó trong văn bản!].
2. Giới chuyên gia nói…
Dân gian là vậy, dù người phát ngôn có vẻ đáng tin nhất [có khi nói rất to] nhưng vẫn cứ sai. Vậy, khi chưa biết gì cả, khi còn trinh trắng – ta nên tin ai?
– Người có thẩm quyền, tức chuyên gia.
Có thể kể, về lịch sử, Po Dharma là một tiếng nói thẩm quyền, Sakaya về phong tục tập quán, hay Inrasara về Văn học Cham [ồ, thêm món Minh triết Cham nữa].
Dẫu sao ngay cả tiếng nói thẩm quyền này, bạn cũng nên tin 70%, hay cùng lắm là 85% thôi. Bởi biết đâu, qua cách chọn và sắp xếp chi tiết, với diễn ngôn của mình, họ [vô tình hay cố ý] đánh lừa bạn.
3. Văn bản nói…
Dù văn bản là cái đáng tin nhất, vẫn chưa chắc. Lấy 2 ví dụ từ sử Việt [bởi dễ đối sánh].
– Đại Việt Sử Ký Toàn Thư: Tháng 5-1307, Chế Mân mất, tháng 10-1307: Triều đình Đại Việt cử Trần Khắc Chung vào Champa dụng mưu cướp Huyền Trân để tránh bị hỏa thiêu theo chồng.
Phản bác: Tục Cham người mất thuở ấy sau 7 ngày là thiêu [theo Lê Thành Khôi, hiện nay có thể dưới 1 tháng], vậy nếu bị buộc lên giàn hỏa, thì châu thân Huyền Trân đã ra tro từ 5 tháng trước rồi, đâu còn để cho Khắc Chung cướp!
– Sử chép, năm 1044, nhà Lý bắt 5 ngàn tù binh Cham ra Bắc, năm 1069: 5 vạn. 5 vạn thời đó đâu có ít, và với đường sá khi ấy, càng không dễ. NỔ thôi.
Văn bản thế đó, ghi trong chính sử đường đường chớ không đùa, vậy mà cứ trật lất.
KẾT.
Vậy đó, dù bạn đã sắm đủ 3 chân kiềng, không chắc bạn đã đứng vững, nói chi là chưa. Bạn thành kẻ suy diễn vu vơ, nói cho vui cuộc thôi. Vậy phải làm gì?
Cần: Thu thập nhiều nguồn, tinh thần phản biện, thao tác phân tích và cuối cùng: trực giác bén nhạy với vấn đề.