TAGALAU 20, NÓI CHUYỆN CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG

[khách hàng = cộng tác viên, độc giả, và…]

Nói chuyện kinh doanh trước. Kinh doanh, [xin tự khen xíu] tôi rất giỏi chăm sóc khách hàng.
Trước khi mở tiệm Tạp hóa ở quê [35 tuổi], tôi còn chưa sành thuốc lá, cà phê, bia bọt… Đứng tiệm, tôi rành đủ – chủ yếu để ngồi với khách. Tôi chiều khách đến nỗi có hôm 10g tối, phục vụ 3 khách nhậu, tôi đã phải đạp xe lên Phú Quý mua cục đá cho họ tiếp tục công cuộc.
Ở Thương xá TAX, ngày nào tôi đứng quày là ngày đó thu nhập cao: tôi biết “thượng đế” luôn luôn đúng, trước cả câu đó trở thành đầu môi của dân buôn bán. Tôi áp dụng “triết lí” kinh doanh của mình: “Không được nói dối” không sai phân tấc. Thế nên, dù không đon đả hay vồn vã, khách rất khoái tôi. Khoái, mua hàng nhiều, và mua có giá.

Chuyện Tagalau
Xin nêu sự thể, mà không bình luận.
1. Làm Tagalau, tôi có thuận lợi mà nhiều người không có:
– Đất: Tôi có nhà khá rộng ở Sài Gòn và cả ở quê, tương đối trung tâm tiện giao dịch: chứa, bán. Ngoài ra còn phải tính đến cơ sở Ban biên soạn, cả gia đình bạn bè để nhờ vả nữa.
– Phương tiện: Cty tôi thường xuyên giao dịch Sài Gòn-Phan Rang, sách ra lò là chuyển về ngay quê. Cạnh đó, khi làm Tagalau, túi tôi cũng rủng rỉnh tiền [riêng], nên linh hoạt được.
– Người: Khi ấy tôi có vài nhân viên trẻ, để nhờ. Cạnh nhà tôi lại có trọ: nhiều sinh viên Cham ở, càng tiện hơn. Có sách, họ đến Bưu điện gửi tất cả ngay hôm đó.
– Cá nhân tôi quyết tất, nên nhanh và gọn. Sự quen biết của tôi với nhiều thành phần xã hội cũng là thuận lợi khác.

2. Cụ thể
– Sách: luôn đến kịp thời và đầy đủ các nơi nó cần đến: cộng tác viên, mạnh thường quân, đại lí, hiệu sách. Riêng tác giả ngoài Cham, chính tay tôi gửi, để biết chắc sách đến nơi, và nhất là – để ấm áp. Cạnh đó, tác giả có mặt ở số trước luôn được nhận 2 số Tagalau tiếp theo: vừa để họ có thông tin vừa nhắc khéo “bác chớ quên gửi bài cộng tác nhé” [các bạn trẻ cần nhớ chi tiết này].
– Nhuận bút: không ai đòi hỏi cả, nên tùy nghi, và tùy thu nhập của Tagalau. Có kì nhuận bút chỉ là quà cho người có tuổi và các cháu học sinh mùa lễ hội; chỉ có 2 kì được trả đầy đủ, ở đó có không ít tác giả “talak” lại cho Tagalau.
– Bài vở, khi nguy cơ thiếu hụt ở mục nào đó, cần có thư hay phone nhắc tác giả đặc trị mục đó gửi bài. Ví dụ ở Tagalau 20, thơ tiếng Cham chỉ xuất hiện có mỗi Inrasara, là hơi bị cô đơn [“Em sợ lắm, giá băng tràn mọi nẻo/ Trời đầy sương lạnh lẽo suốt xương da” – Xuân Diệu]. Lẽ ra BBT cần phone đòi bài ở Jaya Hamu Tanran, Jaya Thuksiam, Kiều Dung… để được ấm áp.
– Bán, luôn có ý hưởng đẩy mạnh, để Tagalau trở thành hàng hóa, chứ không chỉ là quà tặng.

KẾT.
Tinh thần làm việc như thế, với tôi, dẫu cố thế nào cũng không thể chu toàn, vẫn có sơ sót đây đó.
Riêng các bạn thế hệ Tagalau mới: vừa sống phân tán, vừa không hội nhiều “điều kiện” như tôi thời ấy, có vài TRỤC TRẶC là không thể tránh. Nói ra để hiểu, là vậy.
[Nhắc: Tagalau 20 đã ra lò mười ngày qua, hôm nay viết bài này, ngài Inrasara vẫn chưa có nó để lấy ảnh đưa lên để quảng bá kiểu Sara, là một “thiếu sót cần khắc phục”… trước tiên”].

Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *