Tôi được người đời kêu bằng vài danh vị khác nhau, nhưng có lẽ chữ tôi thích nhất do thi sĩ Phan Huyền Thư ban tặng: “học sĩ”. Nhiên! Bởi tôi học lắm chuyện, bộn môn và học miết.
1. Mấy thứ tôi học dang dở, thất bại có:
Nhạc và họa tôi được học ở lớp Đệ Thất, rất căn bản. Yêu nhạc, theo đuổi nó, từng sắm guitar đếm hết đầu ngón tay, đến tuổi 30, tôi mới từ giã: ngón tay tôi ngắn, chơi guitar không thể lên được. Còn họa dù rất mê, từng vài bận sắm cọ, nhưng rồi bỏ hẳn, khi từ thành về quê vào năm 24 tuổi.
Tôi chơi nhiều môn thể thao, ngoại trừ bóng rổ là chưa thử; trong đó khá nhất là bóng đá. Nhưng do kém ý thức chiến thuật [do không ai dạy], nên từ từ xa nó dần. Vả lại chơi bóng mất thời gian, trong khi tôi mê sách hơn.
Võ thuật cũng thế, tôi học nhiều loại, được thầy dạy có mà mua sách về tự học cũng có. Học võ để biết thôi, chứ về Yoga tôi mới cố công.
2. Tôi luôn học những thứ không được dạy trong chương trình.
Thời gian ở ĐH Sư phạm Anh văn, tôi học triết là chính; còn ở Trung học, tôi học làm thơ với chữ Cham – là ba thứ không có trong chương trình.
Chữ Cham, tôi luyện rất ghê. Sách Cham chỉ có chép tay; mỗi vùng, mỗi làng thậm chí mỗi gru viết kiểu và cách mỗi khác. Tôi lang thang các palei Cham tìm đến các ông già cao chữ, và học. Thế nên tôi thông thạo mọi mẹo “giấu chữ” của Cham. Dĩ nhiên tôi chỉ chữ rành chữ Cham từ thế kỉ XVII đổ lại.
3. Làm thơ cũng phải học
Nhiều nhà thơ quan niệm làm thơ không cần phải học, là lầm lớn. Biết làm thơ, là bạn đã học rồi mà không biết: học từ thơ bạn đọc, từ âm vang của chữ bạn nghe và thích. Đó là học một cách vô thức. Tại sao không học đầy ý thức? Như vậy không tốt hơn sao?
Làm thơ, tôi học từ tác giả tôi cho là xuất sắc nhất: Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Phạm Thiên Thư… rồi Chế Lan Viên, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Quang Thiều… cho đến tận Đinh Linh, Nhóm Mở Miệng, Lê Vĩnh Tài. Dĩ nhiên không thể thiếu ca dao Việt và trường ca Cham.
Học làm thơ, và học lí thuyết về thơ. Để có thể phê bình thơ.
4. Mãi in tập thơ thứ ba: Hành Hương Em năm 1999, tôi mới ý thức về… làm thơ. Ý thức qua đọc lí thuyết và phê bình thơ. Chứ trước đó, cũng như đa phần dân “sáng tạo” An Nam, tôi thậm ghét phê bình. Học phê bình thơ, tôi học ở nhà phê bình đương thời tôi cho là giỏi nhất: Nguyễn Hưng Quốc. Tôi học cả cách lập luận lẫn lối văn của anh, đến nỗi nhiễm anh lúc nào không hay. Sau này tôi phải vận nội công mới cắt bỏ ảnh hưởng.
Làm được, là do tôi học từ nhiều nhà khác [nội, và nhất là ngoại] ngon lành không kém.
5. Học, chớ có ỷ y vào cái học của mình. Tôi trắc nghiệm kiến thức của mình bằng cách cho cánh trẻ kiểm tra.
Viết xong một tiểu luận hay bài phê bình, tôi cần tìm người trẻ đọc, để đưa nhận xét. Các bạn trẻ như Lê Vĩnh Tài, Lý Đợi… và mấy đứa con tôi: Jaka, Jakha… tôi rất tin họ. Tôi biết họ có lối nghĩ khác tôi, và tôi cần điều đó. Tóm, tôi đã học từ họ nhiều món độc.
6. Ngoại ngữ, bạn chớ học lan man. Tôi đã lan man như vậy, để nhận lấy hậu quả rất đau. Để đến tuổi này còn phải tập kĩ năng nghe đủ giọng điệu, mỗi ngày.
Hãy luyện tiếng Anh cho thật ngon lành đi, luyện ngay từ nhỏ. Bởi, tất cả các nghiên cứu quan trọng, những phát kiến mới nhất nằm ở đó. Đại bộ phận dịch phẩm văn chương thế giới đều xuất hiện qua bản tiếng Anh. Và rất rất nhiều thứ khác…
Không chần chừ thêm giây phút nào nữa, học ngay bây giờ đi.
7. Hãy đọc khi bạn còn trẻ.
Lớn lên, bao nhiêu chuyện đời thường vây quanh cần giải quyết, bạn hiếm có thời gian đọc hết một cuốn sách cho ra đọc. Tôi may mắn không vấp phải sai lầm này, nên đã ngốn được cả đống sách ở thời tuổi trẻ. Đọc đến lú lẩn. Tuổi tam thập, tôi đã phải chiến đấu để rời bỏ sách. Còn lúc này, tôi đọc sách để làm việc thôi.
8. Gì cũng phải học.
Khi bạn muốn làm việc gì bất kì, bạn phải học (study = nghiên cứu).
Vừa qua nhân bàn về Formosa, có bạn FB viết ám chỉ tôi, rằng: “Khi nhà thơ bàn về kinh tế”. Tôi không ngạc nhiên. Bởi thế giới VN không hiếm nhân vật đại chủ quan, khi không biết về một đối tượng mà dám bình về, lại bình có ý mỉa mai đối tượng đó.
Anh bạn này không biết rằng, tri thức tôi về kinh tế còn khá hơn về triết học, sau đó mới tới thi ca và văn hóa Cham. Lí thuyết là vậy.
Chứ thực tế, trước khi là nhà thơ, tôi: 2 năm kế toán trưởng HTXNN cấp Làng, 4 năm kế toán cơ quan Nhà nước cấp Tỉnh, 1 năm vào miền Tây buôn chuyến sau đó 2 năm mở quán Tạp hóa ở quê cấp Xã, 6 năm điều hành Cty có văn phòng tại Thương xá TAX trung tâm Sài Gòn tiếp xúc hàng trăm đối tác cấp “Quốc tế”. Mà không dám bàn về kinh tế, mới lạ.
9. Học, có thể thành công hay thất bại, còn tùy thời; chứ không học, bạn đút túi nỗi thất bại là khó tránh.
Cần học và thử nhiều thứ, để khám phá khả năng/ thiếu khả năng của mình.
Luôn cập nhật cái mới, nếu không bạn sẽ rớt lại. Bạn nhai lại kiến thức cũ mãi thôi.
Nhiều người không chịu học, nhưng nói to. Không biết, hay biết lơ mơ nhưng ưa nói to.
Như nhà phê bình tôi có nhắc tới một lần, không biết mà nói mò, mù nên nghĩ kẻ khác cũng mù như mình, nên hô to. Hay như anh bạn tôi, biết lởm khởm lại thích nói to. Dĩ nhiên thế nào cũng bói ra được khối kẻ khâm phục. Bởi như Boileau nói:
“Kẻ ngốc luôn được thán phục bởi một kẻ ngốc hơn”.
Trong khi ở đó, chỉ cần vài câu hỏi thông minh đặt ra, nhà kia ú ớ là cái chắc.