Lễ hội Katê là một trong những công lễ lớn và quan trọng của người Chăm ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Lễ hội Katê được tổ chức hằng năm vào đầu tháng 7 theo lịch của người Chăm (khoảng cuối tháng 9 và đầu tháng 10 Dương lịch) có sự tham gia đông đảo của dân làng tham gia hành lễ. Tính chất đặc biệt của lễ hội Katê là sự xuất hiện của tộc người Raglai cùng với người Chăm thực hành cúng lễ và trình diễn nghệ thuật. Lễ hội Katê diễn ra ở trên đền tháp, ở làng và các gia đình. Nhằm mục đích tưởng niệm các vị nam thần, anh hùng của dân tộc được thần linh hoá và tổ tiên. Đồng thời, đây là dịp thắt chặt thêm tình cảm anh em Chăm và Raglai ngày càng gắn kết sâu đậm để cho mối quan hệ Chăm và Raglai mãi mãi trường tồn cùng với lễ hội Katê truyền thống.
Thành ngữ của người Chăm có câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei”. Nghĩa là người Chăm là người chị cả còn người Raglai con gái út trong gia đình. Theo quy định của luật tục, người con gái út trong gia đình có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc và thờ phượng cha mẹ khi về già. Cho nên, từ xa xưa người Raglai được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phượng ông bà, tổ tiên và thần linh.
Khi đến gần ngày tổ chức lễ hội Katê, các thành viên trong tổ Ban phong tục của làng sẽ cử người lên vùng miền núi xã Phước Hà thông báo với bà con người Raglai biết về ngày giờ cùng nhau hành hương đi cúng lễ ở trên đền tháp.
Trong không khí của mùa lễ hội Katê, các gia đình của người Raglai cũng trở nên nhộn nhịp hơn. Họ tạm dừng lại các công việc trên cánh đồng, tạm gác lại công việc đi rừng tìm kiếm mưu sinh. Đặc biệt, là gia tộc đang giữ y trang và các đồ dùng cúng lễ trên đền tháp. Người Raglai tụ họp dân làng lại, tổ chức lễ cúng để rước y trang xuống núi bàn giao cho người Chăm cúng lễ Katê.
Trước đây, khi đường xá đi lại còn khó khăn người Raglai phải đi bộ gùi chiết y trang băng qua đường rừng hàng chục km mới đến làng Chăm. Mùa lễ hội Katê, lại là tháng cao điểm của mùa mưa ở Ninh Thuận. Nhưng, người Raglai vẫn đều đặn tham dự lễ hội Katê ở làng Chăm.
Đoàn người Raglai mỗi lần xuống núi ngoài mang chiếc gùi đựng chiết y trang để mặc cho tượng thần bao giờ họ cũng dẫn theo một đội Mả la và Rakle để tấu lên những bản nhạc dâng cho thần linh.
Khi đoàn cúng lễ Katê của người Raglai vừa đến đầu làng. Người Chăm hân hoan vui mừng chuẩn bị cờ, lộng, trống, kèn và cử đại diện các chức sắc, bô lão, nhân sĩ và thanh niên nam nữ trong bộ quần áo truyền thống đi tiếp đón.
Đại diện cho chức sắc, ông Kadhar, bà Pajau và Po Adhia là những vị lãnh đạo tinh thần thuộc hàng giáo phẩm cao nhất của người Chăm cùng với người dân trong làng thực hiện nghi thức tiếp nhận y trang và chào đón đoàn người Raglai một cách lông trọng như chào đón người thân đi xa nhà lâu ngày mới trở về.
Theo những cụ già kể lại, ngày xưa việc cúng lễ Katê trên đền tháp là do người Raglai đảm trách, người Chăm chỉ đóng vai trò phụ giúp, tham gia hỗ trợ những đồ dùng cần thiết. Mỗi lần đến ngày Katê là người Raglai mang các lễ vật như con dê, con heo, con gà, gạo nếp để nấu bánh tét, gùi theo trái chuối, trái bí và trầu cau để chế biến thành các món ăn dâng lên cho các vị thần linh. Đặc biệt, trên đền tháp Po Klaong Garay người Raglai ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái còn leo lên đỉnh tháp dọn dẹp những cây bụi mọc ung tùm do những con chim ăn nhả hạt để lại. Để có không gian chuẩn bị các lễ vật cúng tế, người Raglai khi đến tham dự lễ hội Katê thường mang theo những bó tranh để lợp mái nhà tạm ở trước ngôi tháp chính điện.
Có lẽ rằng, không khí ngày hội Katê diễn ra ở làng Hữu Đức- Palei Hamu Tanran là nhộn nhịp và vui vẻ nhất thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến du hội rất đông. Trước ngày lên tháp, người dân làng Hữu Đức tổ chức đón rước y trang từ đồng bào Raglai ở thôn Giá, xã Phước Hà. Hàng trăm thanh niên nam nữ trong bộ trang phục truyền thống mở tung những cánh quạt như cánh bướm xoè cánh hân hoan chào đón đoàn người Raglai.
Trong đêm đầu tiên ở làng Chăm, người Raglai mang những sản vật địa phương như con gà, trái bí, trái đu đủ, trái bầu và lá trầu làm quà biếu cho người Chăm. Họ cùng nhau dùng bữa cơm thân mật, chan hoà tình cảm ấm áp. Và, trong đêm hội ngộ tình anh em Chăm và Raglai. Họ tặng cho nhau những bản nhạc, âm thanh vang vọng từ núi rừng bởi tiếng Mả la và tiếng kèn bầu Rakle. Trời càng về khuya, men rượu càng thắm tiếng Mả la cứ thánh thót vang vang như hơi thở của dĩ vãng được quay về với hiện tại. Sự pha trộn kết hợp giữa tiếng Mả la và đàn Rakle cứ vuốt lên cung bậc cao trào như tình cảm dạt dào giữa người Chăm và người Raglai.
Từ tờ mờ sáng, tiếng gà đã gáy âm thanh của núi rừng mới chìm lắng xuống dần dần để bắt đầu một ngày mới người Chăm và người Raglai cùng lên đền tháp để cúng lễ.
Hiện nay, Ninh Thuận có 3 địa điểm tổ chức lễ hội Katê hàng năm là đền Pô Ina Nagar ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, đến tháp Pô Rame ở thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước và đền tháp Pô Klaong Garay toạ lạc ở phường Đô Vinh, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Riêng đền tháp Hậu Sanh-Palei Thuer người Raglai ở thôn La-A, xã Phước Hà không xuống núi cúng lễ nữa. Chẳng ai biết lý do vì sao ? Nét văn hoá độc đáo của lễ hội Katê là diễn ra trên các đền tháp có sự tham gia cúng lễ của người Chăm và người Raglai. Lễ hội Katê đồng thời diễn cùng ngày và cùng giờ với các bước tiến hành nghi lễ như nhau bao gồm: lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y trang cho tượng thần, lễ dâng vật tế cho thần linh và lễ hát thánh ca.
Theo lời những cụ già Chăm kể lại, năm nào có người Raglai đến cúng lễ là năm đó mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Sau khi, đã dâng lễ vật cho thần linh, ông Kadhar sẽ hát những bài tráng ca kể về tiểu sử và công trạng của các vị thần linh. Khi hát đến bài tráng ca Pô Cei Tathun thì đội Mả la nhạc lễ của người Raglai bước vào đền tháp đánh hoà tấu những bản trường ca hào hùng hoà cùng với tiếng kèn Rakle làm cho không khí của ngày lễ Katê càng tăng thêm tính thiêng liêng. Bà Pajau-một phụ nữ có năng lực giao cảm với thần linh lên đồng múa mừng và phán sự hài lòng của thần linh trong ngày lễ Katê khi có sự hiện diện đông đảo người Chăm và người Raglai.
Mùa Katê là mùa hành hương của người Chăm lên tháp. Họ mang theo trái cây, bánh ngọt, rượu, trứng và trầu cau đi cúng lễ. Những gia đình khá giả hơn thì làm một cặp gà, một con dê để dâng cúng cho thần linh để cầu mong một năm mới sức khoẻ, công việc làm ăn phát đạt phát tài. Bên cạnh đó, những người phụ nữ Chăm làm nghề dệt vải thổ cẩm truyền thống, họ chọn ra những tấm vải thổ cẩm, những tấm Aban (tấm dần) dệt đẹp nhất đem cúng cho đền tháp.
Sau buổi cúng lễ Katê, người Raglai sẽ thu xếp lại y trang đựng trong Ciét và gùi về làng bảo quản. Những tấm dần cúng cho đền tháp được tặng cho người Raglai mang về. Người Chăm cũng gói những cái bánh tét và chế biến nhiều thực phẩm khác tặng cho người Raglai gùi về.
Không còn ai nhớ rõ mối quan hệ giữa người Chăm và người Raglai có từ bao giờ ? Và cũng không ai biết được phong tục cúng lễ Katê giữa người Chăm và người Raglai trên đền tháp được bắt nguồn từ đâu? Nhưng, cứ đến mùa Katê thì người Raglai và người Chăm lại gặp gỡ nhau trong không khí ngày hội thiêng liêng của dân tộc thể hiện mối quan hệ lâu đời trong lịch sử phát triển của hai tộc người.
Buổi chiều về, mặt trời lặn xuống núi là lúc người Raglai và người Chăm tạm chia tay nhau để trở về ngôi làng của mình. Từ không gian đền tháp lễ hội Katê lan toả xuống các làng Chăm đến từng gia đình. Mọi người ai ai cũng náo nức chuẩn bị đón ông bà, tổ tiên về sum họp trong một ngày đầy ý nghĩa trong năm. Họ cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp trong cuộc sống và cầu mong ông bà, tổ tiên luôn luôn phù hộ cho cháu được bình an.
Mùa lễ hội Katê không chỉ là mùa cúng lễ và hưởng thụ những giá trị văn hoá truyền thống mà còn là mùa hội của ngày đoàn kết tình cảm thiêng liêng giữa người Chăm và người Raglai. Qua đó, thấy được những giá trị bản sắc văn hoá của người Chăm và Raglai vẫn bền vững trong tiến trình lịch sử phát triển tộc người. Họ là những đoá hoa ngát hương trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam./.
Tại sao thôn La – A không xuống núi? Tôi nhớ năm 1999, khi tôi đang giữ rẫy nhà ông nội tôi, con đường mòn mà người Raglai xống núi thường đi qua và dừng chân uống nước ở đó. Họ kể cho tôi nghe những chuyện ở làng Hamutanran, bởi vì các vị làm Ban công tác đón tiếp họ quá ư là lơ mơ, cho họ ít tiền, của cải và không tiễn họ nhiệt tình, rất tiếc cuốn sổ của tôi bị thất lạc. Năm 1999, tôi đang học trung học cơ sở, có ý thức về đồng bào Chăm và Raglai, từng lời nói của họ tôi ghi chép để sau này còn biết nguyên do như thế nào? Cảm ơn bài viết của tác giả đã cung cấp cho độc giả biết về mối quan hệ Raglai và Chăm. Trong bài có cụm từ “ung tùm” phải xem lại?. Thân ái.
Một năm người Raglai hạ sơn một lần. Thanh niên Raglai về làng Chăm không có bạn bè nên họ cũng không biết đi đâu chơi. Có lẽ vậy, mà họ không hứng thú xuống núi chăng !