Tự nhận “dốt về tự do”, Nguyễn Hữu Trọng đã học, dịch và viết về tự do, để ít ra có thể biết ít nhiều về tự do, thở chút hơi thở tự do.
Trong đó có tự do chọn lựa.
Bắt chước Sartre, anh thêm: Không chọn lựa cũng là một cách chọn lựa. Đại bộ phận nhân loại không chọn lựa, đó lại là định mệnh của con người mang tính siêu hình.
Do lười biếng tư duy, ta từ chối tự do;
do hèn nhát, ta “chạy trốn tự do”;
do ngu xuẩn, mà tự do – như tặng vật cao vời nhất được ban cho con người – ta cho không cho kẻ khác sử dụng.
Cho cha mẹ, như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”;
cho một giáo chủ, một giáo phái, từ đó ta mù quáng tin theo đức tin tôn giáo nào đó;
cho một đảng chính trị, để ta không cần phải suy tư nữa, bởi đảng đã nghĩ cho ta hết trọi rồi;
cho một thần tượng ca nhạc, một nhà tư tưởng xuất chúng; vân vân…
Ta được ban cho quyền làm người, nhưng ta từ chối làm người, và ta tự ném nó đi. Không vấn đề gì cả!
Nếu sự “không chọn lựa” kia không gây hại cho người khác. Nếu…
ta không [hùa theo mà] sỉ nhục kẻ không tôn trọng vĩ nhân, thần tượng của ta;
ta không [mù quáng tin theo để] cho nổ bom giết hại bao sinh linh vô tội;
ta không [ngu xuẩn nghe theo để] kêu mọi hội đoàn nào khác đều sai lầm, phản động, chỉ riêng đảng ta muôn năm quang vinh.
Không hiểu tự do, ta ném đi tự do đã đành;
hiểu nửa vời tự do [như kiểu “từ Mở cửa, nhà văn VN đã hoàn toàn tự do”], ta thành kẻ đồng lõa tệ hại;
còn đã biết tự do, nhưng ta cố ý vi phạm tinh thần tự do, dùng quyền lực áp đặt sự phi tự do lên sinh phận khác, đích thị là tệ hại và phản động trăm lần.