Tôi với Nguyễn Văn Dân quan hệ tốt. Sở dĩ nêu vụ này ra, bởi không ít nhà văn từ quan hệ mang tính cá nhân hay lây qua chuyện văn học. Ghét, thì vạch tìm ra cái sai, cái dở của đối thủ để mà phê phán, nhạo nhiếc.
Dẫu vậy, quan hệ tốt vẫn có thể xảy ra trục trặc chuyên môn.
Trong bài “Lý luận với phê bình văn học hôm nay” trên báo Văn nghệ, ngày 9-7-2016, Nguyễn Văn Dân viết:
“[Văn Giá] thường nói đến 3 loại phê bình chính: Phê bình hàn lâm, phê bình nghệ sĩ và phê bình báo chí. Trong khi đó cũng có người chỉ công nhận hai loại phê bình phổ biến: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ…” [và anh ghi chú: Inrasara, “Hành trình phê bình Lập biên bản”, Inrasara.com, 4-3-2016].
Qua đó, anh lí giải phần của mình.
Phần anh [và cả phần Văn Giá] xin miễn bàn, mà chỉ bàn về đoạn văn liên can tới tôi:
Viết về tôi như thế, dễ khiến độc giả nghĩ Inrasara chỉ “công nhận” hai loại phê bình phổ biến là “phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ”. Nhưng có phải vậy không?
1. Trong bài “Hành trình phê bình Lập biên bản”, tôi viết rất rõ:
“Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình phổ biến hơn cả, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ… Phê bình Lập Biên Bản ra đời bổ khuyết cho thiếu sót đó”.
Tôi NÊU 2 loại phê bình phổ biến ở Việt Nam (2 cụm từ này do người ta “đặt cho cái tên”, chứ không phải tôi); nêu ra, để BÌNH LUẬN. Qua bình luận, để nói nguyên do vì sao Phê bình Lập Biên Bản ra đời.
2. Riêng “phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau”, tôi cũng viết rõ trong bài “Rốt cục, phê bình văn học làm gì?” (Vanviet.info):
“Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương. Nó đa dạng ở đối tượng phê bình. Có thể phê bình về một tác phẩm hay một tác giả, một trào lưu hay thời đoạn văn chương, cũng có thể nhấn vào việc đọc, viết hay vào chính phê bình. Phê bình đa dạng ở hình thức. Hình thức có thể là phê bình báo chí, phê bình học thuật, phê bình thực hành và phê bình lí thuyết. Phê bình đương đại còn thể hiện qua sự đa dạng ở góc nhìn, để đánh giá hay/ dở của tác phẩm, các diễn dịch văn bản khác nhau hay sự phát hiện cái đẹp, cái mới của tác phẩm (Xem thêm: Nguyễn Hưng Quốc, Mấy vấn đề phê bình và lí thuyết văn học, Văn Mới, California, 2007)”.
Tắt một lời: Tôi không liên can gì đến “Inrasara chỉ công nhận hai loại phê bình phổ biến: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ” cả!
3. Sẵn đây xin nhắc qua chuyện cũ.
Nhà thơ Phạm Đình Ân, trong bài “Tác giả phê bình và sản phẩm phê bình” đăng trên Văn nghệ trẻ số 1&2, 2010, Phongdiep.net ngày 21-1-2010 đăng lại, ở mục “Phân loại phê bình” có nhắc đến bài viết của tôi nguyên văn như sau:
“Cũng mới đây, nhà thơ Inrasara lại có thêm cách phân loại như sau: Phê bình độn giai thoại, Phê bình và tán, Phê bình chung chung, Phê bình hũ nút, Phê bình núp bóng, Phê bình bè phái, Phê bình quan phương, Phê bình hàng hai…”.
Cách phân loại này quả là rất “nghệ sĩ”! Đây có lẽ là phân loại theo kiểu, cách, thủ pháp chứ không phải là theo loại hình (Inrasara nhấn mạnh). Như vậy, có lẽ cách chia phê bình thành ba loại hình: báo chí, hàn lâm và nghệ sĩ là thỏa đáng hơn cả”.
Có lẽ do không đọc kĩ bài tôi viết, nên Phạm Đình Ân vội đưa ra nhận định như thế.
Ở đây xin miễn bàn về cách phân loại (ví dụ, tôi có thể đặt câu hỏi rằng thế nào là “phê bình nghệ sĩ”?) mà chỉ nhấn vào khía cạnh của vấn đề [phê bình] tôi bàn đến trong bài báo. “Điểm danh căn bệnh phê bình hôm nay” đăng trên vài tờ báo, sau đó được đưa lên website Hội Nhà văn Việt Nam, 24-10-2008, tôi hoàn toàn chưa đề cập đến loại hình, chức năng hay “kiểu, cách, thủ pháp” phê bình gì gì cả, mà chỉ nêu căn bệnh. Tiếp nhận các phát hiện của người đi trước đồng thời qua sự quan sát hiện tình sinh hoạt văn học Việt Nam hiện tại, tôi nêu “căn bệnh” của phê bình hôm nay với vài dẫn chứng minh họa sơ bộ, như tiêu đề bài báo chỉ rõ. Tôi chưa hề “phân loại hình” mà chỉ “điểm danh căn bệnh”, chuyện hoàn toàn khác. Khác cả về mục đích lẫn thao tác.
Thế kỉ qua, phê bình văn học trên thế giới đã tiến những bước dài, phát triển đa dạng với nhiều trào lưu lớn ảnh hưởng đến sáng tác và thưởng ngoạn văn chương.
Chuyện phân loại đối tượng, hình thức, chức năng… phê bình đã được các lí thuyết gia thượng thặng làm từ lâu rồi. Bây giờ nếu tham vọng làm lí thuyết gia phê bình, có ba hướng đề ra: Thứ nhất, hoặc ta làm cuộc cách mạng lật đổ nếu ta tự tin tài năng lớn; thứ hai, hoặc ta đứng trên vai họ để phát triển sâu, rộng hơn; cuối cùng một cách khiêm cung, ta chỉ làm bổn phận tiếp nhận và vận dụng. Còn nếu mãi hôm nay ta còn mò mẫm trong vùng mơ hồ để tìm cách phân loại, thì thậm vô ích.
(trích: Inrasara, “Minh định một ngộ nhận về phê bình văn học”, Inrasara.com, 3-8-2012)