Trần Can: Văn 18 – Hiểu và yêu…

Tháp Chàm, nói mãi chẳng bao giờ hết, bao giờ người ta còn mê say vẻ đẹp kì vĩ của Tháp, còn thắc mắc không thôi về những bí ẩn vĩnh hằng của Tháp, còn chạnh lòng với những hoang phế Tháp, thì Tháp Chàm còn mãi…

Tôi mê say Tháp Chàm , nói vui theo một nhà văn Pháp : ” Muốn hiểu để yêu thì phải yêu để hiểu ” và tôi đã cố gắng để hiểu và yêu dân tộc Chăm, một dân tộc cũng kì vĩ và bí ẩn như những ngọn Tháp, băng qua lịch sử bằng những cuộc dâu bể tang thương mà vẫn giữ trong mình những truyền thống văn hoá riêng biệt lạ lùng.

… đừng chê người thợ gốm Chăm không biết dùng bàn xoay, và cũng đừng chê họ không biết dùng lò nung. Hãy để một bình gốm Chăm bên cạnh những bình gốm đẹp đẽ khác, được chế tác bằng công nghệ hiện đại, bạn sẽ thấy thật kì lạ là duy nhất chỉ gốm Chăm có hồn. Tôi đã nhìn thấy bình gốm Chăm như thế, đứng giữa những bình gốm đủ màu sắc óng chuốt rực rỡ của các cao thủ gốm như Bình Dương, Phù Lãng, gốm Hàn Quốc, gốm Nhật, gốm Tàu, nhưng gốm Chăm vẫn không hề lẫn với bất cứ loại gốm nào khác. Nó mang hồn Chăm. Tâm hồn ấy đẹp thô mộc và giản dị đến bất ngờ. Như đất, như cát, như cách đi vòng quanh nặn bình, như cách nung thật đơn giản ngoài trời chẳng cần phải xây lò. Vậy mà gốm Chăm thật đẹp, bình dị và lạ mắt với những vết màu loang lổ không bao giờ giống nhau. Chỉ có một dân tộc lạ lùng và mộc mạc như Chăm mới có thể làm ra loại gốm ấy. Thứ gốm mang theo cả tâm hồn dân tộc, và tâm hồn ấy, thô mộc và đẹp tinh tuyền biết nhường nào…

…đời sống vốn đầy rẫy những ngộ nhận, nếu không hiểu, ngộ nhận sẽ chất chồng thêm mãi. Tôi yêu thơ Inrasara là vì vậy, anh đã mở cánh cửa tâm hồn dân tộc mình để chúng ta chiêm ngưỡng. Anh phơi bày sự thể như nó vốn là, đang là. Dẫu sự thể ấy đau đớn, tủi nhục, thiệt thòi. Tôi đọc Sara nhiều, quen với từng mảnh tự sự của anh được tỏ bày dưới nhiều hình thức. Tôi yêu từng thân phận Chăm – dẫu vô danh như Hàm Bộ cũng làm tôi cảm kích, những giấc mơ đã chết từ rất sớm, dẫu bé con ( Hàm Bộ- giấc mơ triển hạn – thơ Sara ) và còn biết bao thân phận toát lên đủ sự cay đắng của kiếp người nhỏ bé trong thời khốn khó cũ.

…tôi luôn coi những người Champa xưa là tiền nhân, họ đã để lại biết bao công trình giá trị to lớn mà chúng ta chưa đánh giá đúng và chưa hiểu hết.
Chúng ta đã không thể hiểu bí mật của Tháp Chàm, bí ẩn của gạch Chăm- là những bí mật vĩnh hằng thuộc về quá khứ – nhưng vẫn còn nhiều thứ khác. Nền văn học Chăm cũng cần được khai phá, qua đó, chúng ta mới có thể hiểu trọn vẹn tính cách và tâm hồn Chăm. Một tính cách và tâm hồn dẫu đầy buồn thương nhưng cũng đầy tài hoa và nghệ sĩ.

Đã đến lúc chúng ta cần phải hiểu, hiểu và yêu thương Chăm, một dân tộc bé nhỏ đã chịu nhiều thiệt thòi cơ cực nhưng luôn biết tự hào nuôi dưỡng những giá trị truyền thống văn hoá riêng biệt của mình để góp phần hình thành vào giá trị văn hoá chung của nước Việt hôm nay…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *