[hay Phê Bình Nói Mò]
Mùa Hè 1996, ở Trại Sáng tác Đải Lải, Lò Ngân Sủn viết về Tháp Nắng, có đoạn:
“Tôi muốn biết thơ anh có cái gì thật bản sắc, thật độc đáo mang đậm phong vẻ, cốt cách Chăm của anh hay không nhưng hơi khó. Vì thơ anh là thơ hiện đại, lại rất gần với thơ Việt từ giọng điệu, ngôn từ, cách thể hiện” (Lò Ngân Sủn, “Đọc Tháp Nắng của Inrasara”, đăng tạp chí Văn, số 70, 8-1997).
20 năm sau, Nguyễn Hòa lặp lại y hệt, ở Vanvn.net(1). Tôi kêu đó là phê bình nói mò, thứ phê bình xác suất trúng đạt 3% là tối đa.
Vụ này vừa ngó qua ngỡ chân lí, chân lí, chân chân lí, nhưng nếu chịu đẩy tư duy lên xíu mới thấy nó hỏng to.
Ngay ở Trại đó, tôi [lần đầu ra Bắc, khi ấy còn vô danh] đặt 4 câu hỏi với nhà thơ dân tộc Dáy đang nổi tiếng:
1. Anh muốn thơ Dân tộc thiểu số phải thế nào? Hình ảnh gần gũi, cụ thể? Lối nói đơn giản, mộc mạc? Thậm chí thơ bằng thứ tiếng Việt ngô nghê, ngọng nghịu sao?
2. Anh đã biết văn học Cham thế nào chưa, mà kêu thơ Sara không có bản sắc Cham?
Tin sơ sơ cho anh biết nhé: Cham có chữ bản địa sớm nhất ĐNÁ, văn học viết phát triển sớm. Cham biết tư duy trừu tượng, tư duy siêu hình, tư duy tư biện (Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai)… Tác giả Cham cổ điển đã biết chơi kĩ thuật đồng hiện, dòng ý thức (Ariya Bini Cam), lối kể chuyện hiện đại (Ariya Cam Bini tuyệt không có “chàng rằng”, “nàng rằng”), so sánh đa tầng… Thơ Sara có “xài lại” mấy thứ đó, mà kêu thiếu cốt cách Cham ư?
3. Dấn thêm một bước, khi đã nhìn ra bản sắc văn học Cham (Sara là người đầu tiên và duy nhất viết bộ Văn Học Cham, khái luận – văn tuyển), lẽ nào tôi cứ bám vào nó mà sáng tạo? Xin hỏi anh: Tại sao kẻ sáng tạo không dám cắt đứt nó, để làm cái mới?
4. Cuối cùng, các kĩ thuật hiện đại của thơ Việt hôm nay đâu phải độc quyền của người Kinh? Nó là KHO TRỜI CHUNG của nhân loại, sao nhà thơ dân tộc thiểu số không thể dùng tới?
Dĩ nhiên, nhà thơ dân tộc Dáy đương kim Phó Chủ tịch Hội VHNT DTTS Việt Nam khi ấy không có đáp án!
*
(1) Nguyễn Hòa lặp lại ý kiến của Lò Ngân Sủn từ 20 năm trước:
“Trong văn học cũng vậy, nếu các tác giả như Y Phương, Pờ Sào Mìn, Mã A Lềnh,… kế tục xuất sắc sự nghiệp của Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn,… thì ngày nay, đọc tác phẩm của một số cây bút trẻ, ngoài họ và tên hay đôi dòng tiểu sử giúp nhận biết xuất thân dân tộc thiểu số, lại thấy cách cảm, cách nghĩ, lối diễn đạt, cách thức xây dựng hình ảnh,… trong thơ của họ có điều gì đó gần gũi với cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt, cách xây dựng hình ảnh, giọng điệu… trong thơ của tác giả người Kinh! (Nguyễn Hòa, “Nghiên cứu hậu thực dân ở Việt Nam: một nhu cầu thực tế hay một giả vấn đề”, Vanvn.net, 6-8-2016)