Nhiều người lơ mơ hiểu thế, nhưng thế nào rồi cũng bị nhầm lẫn.
Chuyện chính trị xã hội thì không nói, người ta cố ý để có cớ phê phán. Nhầm lẫn này còn xảy đến với cả cánh làm văn học.
Tiểu luận “Phê bình văn học: hội chứng rên rỉ và đổ thừa” in trong Thơ Việt, Hành Trình Chuyển Hướng Say, 2014 (có nhân, vật chứng hẳn hoi, ở đây xin tạm ẩn địa chỉ).
Nhà thơ này viết:
“Lâu nay, tôi thường có thói quen đọc các bài “phê bình” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng. Nếu thấy các dẫn chứng không thuyết phục thì không đọc nữa. Tôi tin không có “bột” thì dù có tán hươu, tán vượn thế nào, cũng không thể “gột” nên “hồ” được”.
Chân lí “có bột mới gột nên hồ” khiến người đọc dễ nghe lọt tai, và nghĩ đoạn văn trên là… chí lí. Nhưng có vậy đâu. Tôi bình như sau:
1. Đó là cái chí lí của độc giả sách giáo khoa cấp Trung học Phổ thông. Viết giáo khoa thư, nhà phê bình thường trích bình những đoạn thơ hay, đẹp theo quy chuẩn đã được thừa nhận rộng rãi. Ở đó, “bình” là chính. Trong khi phê bình ngoài trần gian muôn màu thì khác, hoàn toàn khác.
2. Tại đây, thứ nhất, có khi nhà phê bình chỉ lôi các câu/ đoạn thơ dở để phê, không mục đích nào khác là bảo vệ luận điểm của mình. Thứ hai, họ có thể dẫn ra các đoạn thơ [họ cho là] hay để luận. Chính điểm này đáng quan tâm hơn cả, vì đoạn trích mà theo quán tính ta cho là “không có bột” nhưng với cách nhìn khác, họ đã “gột nên hồ”, mới đáng giá. Đọc bài phê bình là đọc luận điểm độc đáo cùng lập luận thuyết phục kia của nhà phê bình; các trích đoạn có mặt là cần thiết, nhưng nó chỉ đóng vai phụ.
Lưu trì quán tính lâu đời hay “thói quen đọc các bài “phê bình điểm sách” thơ bằng cách đọc dăm bảy câu thơ dẫn chứng… không thuyết phục” rồi bỏ qua một bài phê bình, là thói tật xấu. Xấu, và lỗi thời. Lỗi thời, bởi – dấn thêm một bước…
3. Mỗi hệ mĩ học có cái “hay” khác nhau, chúng bổ sung cho nhau hoặc vượt qua nhau. Nếu đoạn thơ trích dẫn thuộc hệ mĩ học hậu hiện đại, mà ta mãi đứng ở lãnh địa hiện đại dòm qua thấy “không có bột” rồi quay lưng bỏ đi, là vô hình trung ta đóng cửa với chính mình trước cái mới, cái xa lạ. Ta tự thôi học rồi còn gì!