Phát biểu tại Hội nghị lý luận, phê bình văn học lần thứ IV: “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016” – Hội Nhà văn Việt Nam, Tam Đảo, 6.2016.
Dự kiến là thế, nhưng do trục trặc rất ư hậu hiện đại, nên tác giả của nó vắng mặt ở diễn đàn lớn [và… loạn] này.
1. Sao gọi là nhà phê bình của thế hệ?
Mỗi thế hệ sáng tác cần có nhà phê bình của mình, một người theo dõi toàn cảnh, ghi nhận và đánh giá các tác phẩm ra đời trong thời đoạn văn học nhất định.
Không phải họ không đọc, và không thể đánh giá tác phẩm của thế hệ đi trước, mà bởi thế hệ nhà văn đó đã có người làm rồi, và có thể đã làm khá tốt rồi. Trong khi đó, các sáng tác mới nhất của thế hệ đượng đại chưa được ghi nhận. Hơn nữa, ở ngày hôm nay bao nhiêu khuôn mặt mới xuất hiện và cho ra đời bao nhiêu tác phẩm mới lạ; đọc tất cả chúng là điều bất khả, ngay cả với người yêu văn học nhất. Thế nên, một nhà phê bình chỉ có thể bao quát một thể loại, thậm chí một trào lưu ở một thời đoạn nhất định. Và không thể khác, nếu hắn muốn làm tốt công việc của mình.
2. Đối tượng phê bình của tôi
Cá nhân tôi, với tư cách một người làm phê bình cũng thế.
Tôi vẫn theo dõi tiến trình văn học Việt Nam hiện đại, nhưng thể loại ưu tiên của tôi là thơ. Thơ, tôi vẫn đọc Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo, cùng các nhà thơ chống Mỹ và thế hệ nhà thơ hậu chiến, song đối tượng phê bình chính của tôi là nhà thơ thời Đổi mới, hậu Đổi mới, và nhất là các sáng tác ngoại biên.
Sáng tác ngoại biên, có thể kể: Tác phẩm của nhà thơ Dân tộc thiểu số, các sáng tác của người Việt hải ngoại, thơ của cây bút chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, các nhà thơ cư trú ở vùng sâu vùng xa ít được biết đến, văn chương mạng, và cả các tên tuổi xuất hiện ngoài luồng.
Quán xuyến và ghi nhận chúng là cần thiết, bởi bên cạnh thơ chính thống, đây là các chi lưu không phải không quan trọng đang làm phong phú dòng sông thơ Việt đương đại.
3. Cần đến Phê bình Lập biên bản, là vậy
Ba hình thức Phê bình Lập biên bản, là:
Biên bản Bàn tròn Văn chương [gồm các biên bản BTVC do tôi chủ trì ở Sài Gòn, Hà Nội, và…], Biên bản Lập chậm [về hội thảo, ra mắt sách,… các nơi] mỗi thứ tôi [và các bạn] đã “lập” trên dưới mươi bài khác nhau.
Phê bình [như là] lập biên bản, là phê bình tác phẩm, [nhóm] tác giả hay trào lưu văn chương đương đại. PBLBB “đi vào trong” và đứng trên cơ sở hệ mĩ học của tác giả để đánh giá chính tác phẩm đó. Ở hình thức thứ ba trong hệ thống này, tôi đã “lâp” xong khoảng trăm tác giả, tác phẩm.
Phê bình văn học có vài hình thức, chức năng, ý hướng khác nhau, nhưng nhìn tổng thể ở Việt Nam hai loại phê bình thường gặp, và được đặt cho cái tên: phê bình hàn lâm và phê bình nghệ sĩ.
Phê bình hàn lâm vẫn truyền thống diễn nôm với một ít lí thuyết được dùng điểm xuyết; ở đó điểm dễ nhận hơn cả là đa phần đối tượng được chọn phê bình bởi tính an toàn của nó. Còn phê bình nghệ sĩ thì tỏ vẻ dũng cảm hơn xíu, tuy nhiên dũng cảm đến đâu cũng cứ dừng lại ở tùy hứng và tùy tiện, do đó vô bằng. Phê bình rời xa văn bản, để tán. Về mấy chuyện ngoài lề, chuyện riêng tư với giai thoại.
Phê bình Lập biên bản ra đời hi vọng cắt đứt mấy nỗi ấy.
Thứ nhất, nó kéo phê bình trở lại với văn bản văn học, do đó nó khoa học hơn; thứ hai nó quyết giải tán tâm phân biệt đối xử, để chấp nhận mọi trào lưu, mọi thể nghiệm và mọi cách thế hoạt động văn học, là một thứ đa nguyên văn học.
4. Tôi đã làm được gì?
Khởi động viết tiểu luận phê bình từ năm 2004, 12 năm qua tôi làm được gì?
Ngoài các tác phẩm đã in, như: Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo, Song thoại với cái mới, Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say và Nhập cuộc về hướng mở, tôi đã ghi nhận được các khuôn mặt thơ thuộc đối tượng mình nhắm tới.
– Thơ Việt thời Đổi mới (12 khuôn mặt)
– Thơ Việt hậu Đổi mới (24 khuôn mặt)
– Thơ Việt, từ Hiện đại đến Hậu hiện đại (18 khuôn mặt)
– Thơ Hậu hiện đại thế hệ mới (20 người)
– Thơ Dân tộc thiểu số Việt Nam đương đại (17 người)
– Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố nữ (20 nhà).
5. Phê bình, tự thức & khai phóng
Nếu “Ba hình thức Phê bình Lập biên bản” như là cách lập biên bản hiện trạng văn học ở nhiều góc cạnh khác nhau, có lợi cho văn học sử; thì ở bước thứ 2, tôi triển khai “Hồ sơ Biên bản so sánh”. Ở đó, thao tác so sánh để bật lên tâm thế và tinh thần sáng tạo khác nhau của các tác giả ở các thế hệ, vùng miền, trào lưu… khác nhau. Cạnh đó, phê bình bước đầu mở ra cho người đọc nhận diện các khai phá mang tính kĩ thuật của nó.
So sánh thơ tù [thời chiến] cùng ý chí kiên định của Tố Hữu với thơ [sau] tù đầy ngơ ngáo của Hoàng Hưng và thơ tù [hòa bình] qua tâm thế giải sân hận của Tô Thùy Yên, mới thấy được tâm trạng của mỗi nhà thơ, mỗi thời đoạn và mỗi hoàn cảnh cùng cách biểu hiện khác biệt của nó.
So sánh thơ trình diễn của một Vi Thùy Linh lãng mạn, một Dương Tường hiện đại với một Lê Anh Hoài hậu hiện đại, mới bật lên sự khác biệt của mỗi hệ mĩ học văn học khác nhau. Mà chính khác biệt ấy làm giàu sang nền văn học dân tộc Việt Nam đương đại.
Cuối cùng, mục đích tối hậu của văn chương là tự do. Do đó, phê bình phải hướng đến tự do. Tự do ở chính bản thân văn học, và cả các hoạt động liên quan đến văn học. Phê bình văn học lúc này chỉ quan tâm tác phẩm văn học mang tính khai phóng: cho văn học, cho tinh thần và cuộc sống con người.