[Múa chèo thuyền trong lễ Rija Nâgar, Photo Jaya Bahasa.]
Xưa kia địa bàn cư trú của người Chăm trải dài từ Bắc Trung bộ đến Biên Hoà, phía Tây giáp với dãy Trường Sơn Tây Nguyên, phía Đông tiếp giáp với biển cả mênh mông. Nằm trên tuyến đường giao thông hằng hải của khu vực Đông Nam Á, người Chăm sớm tiếp xúc với thế giới bên ngoài và làm chủ được vùng biển đông rộng lớn thông qua trao đổi thương mại và giao lưu văn hoá. Các thương thuyền nước ngoài thường ghé vào cảng Champa để mua hương liệu, sản vật địa phương và nước ngọt.
Người Chăm tiếp nhận văn hoá Ấn Độ giáo sâu đậm mà ngày nay, chúng ta vẫn còn thấy hiện hữu những công trình kiến trúc đền tháp ở khắp miền Trung. Người Chăm xây dựng tháp nhằm mục đích thờ phượng các vị thần Bà la môn giáo của Ấn Độ và anh hùng của dân tộc được thần linh hoá qua biểu tượng Linga-Yoni. Đặc điểm của các công trình tôn giáo Chăm có tính thống nhất ở điểm các cửa chính của ngôi tháp chính điện đều có hướng mở ở phía Đông, mà theo quan niệm của người Chăm là hướng của thần linh.
Trong các lễ hội lớn của người Chăm yếu biển trong văn hoá chiếm giữ một vị trí rất quan trọng trong quá trình hành lễ. Mà đại diện tiêu biểu nhất là lễ Paralao Kasah được tổ chức với quy mô lớn có sự tham gia của các chức sắc Basaih, Mâduen, Kadhar, Pajuw, Ka-ing và ông Binâk. Lễ Paralao Kasah diễn ra trong hai ngày tại các cửa biển mang ý nghĩa cầu cho trời đất giao hoà, âm dương hoà hợp làm cho vạn vật sinh sôi, nẩy nở, vụ mùa bội thu mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Mặc dù người Chăm không còn mưu sinh bằng nghề đánh cá biển. Nhưng, trong truyền thuyết, thần thoại còn chứa đựng nhiều kí ức về biển qua hình tượng chiếc thuyền của người Chăm thực hiện sứ mệnh lướt sóng vượt đại dương đến Mã Lai. Đó là những dấu vết về mối quan hệ giữa người Chăm với các quốc đảo ở khu vực Đông Nam Á bằng đường biển. Dấu tích của chiếc thuyền của người Chăm được mô tả trong Damnây Po Tang Ahaok là loại thuyền dài 37 sải, sơn màu chàm, có 6 cánh buồm cột vào 6 cột. Thuyền dùng để chở người, đi đánh cá và vận chuyển hàng hoá, lương thực. Damnây Po Riyak cũng tái hiện lại rất sinh động về cuộc hải trình từ Mã Lai đi đến làng Chăm của nhân vật Po Riyak. Chỉ bằng một chiếc thuyền gỗ và một cây chèo thuyền Po Riyak đã thực hiện chuyến phiêu lưu vượt biển.
Bên cạnh truyền thuyết là tín ngưỡng thờ phượng Po Riyak của người Chăm, Po Riyak theo nghĩa cụ thể trong tiếng Việt là vị thần sóng biển. Hàng năm, người Chăm khắp nơi đến hành hương và cúng kính rất đông. Họ cầu nguyện thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, gia đình và làng xóm không bị tai ương, bệnh tật, công việc làm ăn gặp nhiều may mắn.
Trong lễ tục Rija Praong càng thấy rõ yếu tố biển trong văn hoá Chăm, vào đêm Rija Praong dòng biển kết thúc là nghi lễ hát vãi chài, ông Maduen hoá trang vào vai người đi đánh chài lưới, ông vừa diễn xuất động tác đánh bắt cá vừa hát, kể truyện, ngâm thơ diễn tả về cuộc sống cơ hàn của ngư dân. Nhưng, họ vẫn lạc quan vươn lên trong cuộc sống. Đến ngày cuối cùng của buổi lễ Rija Praong, người ta khiêng hai chiếc thuyền buồm làm bằng gỗ mang ra cửa sông, cửa biển để tiễn đưa đoàn thuyền ra khơi với ý nghĩa tống đưa những thứ ô uế, bệnh tật, nợ nần đi hết. Đồng thời, cầu mong một năm mới gia tộc làm ăn phát đạt, con cái học hành nên người, công việc làm ăn gặp nhiều thuận lợi, gia đình hoà thuận và hạnh phúc.
Yếu tố văn hoá biển hiện diện trong các ẩm thực dâng cúng cho thần linh và bữa cơm thường ngày của người Chăm. Trong một số lễ tục người ta quy định bắt buộc phải có các món ăn được chế biến có nguồn gốc từ biển. Ở lễ Rija Harei, Rija Dadep của tộc họ có các món cá khô, khô cá đuối dành riêng để dâng cho các Patra của tộc họ. Đặc biệt, trong lễ Ngap Yang Puis, Payak do các chức sắc Kadhar, Pajuw hành lễ bắt buộc phải có cá khô nướng, khô cá nhám (Ikan Yuw) dâng cho thần linh và tổ tiên.
Biển không chỉ cung cấp cho người Chăm nguồn hải sản lớn mang lại cuộc sống ấm no, mà biển còn là nguồn cảm ứng sáng tác nghệ thuật trong tâm hồn người Chăm từ bao đời nay. Trong các truyền thuyết, thần thoại lưu truyền trong dân gian đều nhắc đến nguồn gốc của các thần linh người Chăm xuất xứ từ biển khơi.
Trong sáng tác văn chương và âm nhạc yếu tố biển cũng là đề tài và nguồn cảm hứng cho người nghệ sĩ thả hồn mơ mộng. Truyện thơ Ariya Sah Pakei kể về cuộc tình của chàng Sah Pakei với nàng Mâh Rat phiêu lưu qua nhiều vùng đất, chịu đựng nhiều vất vả, khốn khổ. Nhưng rồi, nàng Mâh Rat chẳng níu nổi bước chân của tình nhân. Cuối cùng, Sah Pakei bị chết vì sóng to, biển lớn cuốn trôi mất tích.
Voi xuống bãi biển
Sóng biển vỗ ngập chìm Sah Pakei
Voi xuống bãi biển
Sóng biển vỗ cuộn chìm Sah Pakei
Đặc biệt, các bài hát ông Maduen về Po Tang Ahaok, Po Riyak gợi lên nhiều hình ảnh về biển như cảnh vượt qua sóng gió biển khơi để trở về đất liền. Quá trình lênh đênh trên biển có rất nhiều cảnh đẹp. Những vùng biển xanh, trong sạch thấy từng đàn cá bơi, quan cảnh trên các ốc đảo cùng với đời sống của ngư dân vãn chài. Khi ông Maduen hát đến vị thần Po Tang Ahaok có nội dung mô tả biển cả, chèo thuyền (Hua Gaiy) những hoạt động của ngư dân trên biển thì ông Ka-ing cầm 1 cây mía tưởng trưng cho mái chèo diễn tả cảnh chèo thuyền hối hả, gian truân và chiến thắng trước sóng to, biển lớn.
Với đặc điểm địa lý nằm giữa đồng bằng nhỏ hẹp, một bên là núi và một bên là biển người Chăm đã biết chung sống hài hoà với tự nhiên. Nhân cách hoá sức mạnh của thiên nhiên để thờ phượng và cầu mong được sự che chở, bảo vệ từ người mẹ của tự nhiên. Yếu tố biển là một thành tố trong văn hoá Chăm chiếm một vị trí quan trọng trong các lễ hội và hoạt động kinh tế-xã hội. Thông qua, con đường giao thông đường biển đã mở ra một chân trời bao la để người Chăm tiếp xúc với nhiều nền văn hoá khác nhau. Do đó, trong văn hoá Chăm vừa mang yếu tố văn hoá biển giống như các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vừa mang yếu tố miền núi đặc trưng riêng./.