[Trả lời cho vài bạn phản hồi trên Inrasara.com, và…]
Tôi nghe [và đọc] vài người cho tôi nói xấu Cham trong tiểu thuyết Chân dung Cát. Rằng Inrasara cho “phụ nữ Cham chuyên làm đĩ”, rằng Inrasara viết truyện dâm dục…
Nghe, tôi rất ngạc nhiên. Tôi viết tiểu thuyết chớ có tiểu luận xã hội đâu! Tiểu thuyết là hư cấu. Một nhà văn Mỹ viết một truyện tên “Tôi đã giết Kennedy như thế nào?” đăng trên tuần san rất uy tín. Trong đó ông kể cách ông đã giết chết vị tổng thống tài hoa này bằng kĩ thuật đặc biệt. Không ít độc giả hoảng hốt và ngạc nhiên, bởi mới hôm qua Ken vẫn còn sống nhăn! Ông nói: trời đất, truyện đó đăng trong mục sáng tác mà! Mặc dù Kennedy là tên thật trong môi trường xã hội thật (như tôi dùng tên làng Cham thật trong cộng đồng Cham trong đó không ít chi tiết thật), nhưng đó chỉ là truyện do nhà văn hư cấu để làm nên tác phẩm nghệ thuật.
Thử đưa vài chi tiết ở Márques (nhà văn Columbia) – Inrasara – Phan Bá Thọ (nhà thơ VN):
Márques. Đứa con ra đời có đuôi lợn: không có thực; vị mục sư làng ông có dương vật khổng lồ, làng bán vé cho khách tham quan là điều không hề có.
Inrasara. Chi tiết tốt: nhân vật Cao Xuân Hoang gửi thư cho Bộ trưởng – không có thực.
Chi tiết xấu: chị Hathaw ban phát thoải mái – không có thực.
Chi tiết phản kháng: Cao Xuân Hoang “viết ngang xương vào giấy làm bài môn sử rằng: Đề thi sai, Chiêm Thành không quấy phá, hiếu chiến xâm lấn biên giới Đại Việt, nộp lên giám thị” cũng chưa bao giờ có thực trong xã hội Cham.
Phan Bá Thọ. Hemingway cắm cờ trên nóc hầm đờ cát và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và được Phạm Duy dắt đi hút thuốc phiện & hát ả đào 2 tháng miễn phí, là chuyện hoang tưởng.
Kết luận: chuyện về làng Márques không phải chuyện của làng ông, hay Chân dung Cát không phải là chân dung Cham; và nhà thơ Phan Bá Thọ không kể tiểu sử thật của Hemingway và Phạm Duy. Chúng chỉ là hư cấu của tác phẩm nghệ thuật, chúng đòi hỏi được đọc như một tác phẩm nghệ thuật. Dân Columbia chưa bao giờ tố cáo Márques nói xấu đồng bào mình; thế giới còn trao ông giải Nobel nữa là. Phạm Duy không kiện Phan Bá Thọ vì đã gán cho ông các tật xấu.
Không có chuyện tiểu thuyết tốt, mà chỉ có tiểu thuyết hay hoặc dở thôi. Thời của tiểu thuyết phản ánh hiện thực kiểu Balzac đã bị lịch sử văn học bỏ lại sau lưng rồi. Tiểu thuyết tốt xấu phân minh kiểu hiện thực xã hội chủ nghĩa (nhân vật bên tốt bên xấu rõ ràng, anh hùng và phản động đúng lề đúng phép) đã hết đất đứng. Chúng không là tác phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.
Có bạn trẻ thật lòng nghĩ tôi viết về một nhân vật nữ là đại diện cho phụ nữ Cham. Có thế đâu. Văn chương hiện đại không có nhân vật điển hình như kiểu cũ. Chứ gì riêng bạn hay mỗi Cham, không ít nhà phê bình Việt còn nhầm lẫn như thế. Tôi bày đặt ra nhân vật đó cho cả thế giới chứ không phải dành riêng cho Cham. Cao Xuân Hoang hay Trần Hùng không có trong đời thực, mặc dù người đọc có thể thấy ở nơi này một ít nơi khác một ít. Trong đời thực, tôi luôn từ chối danh vị nhà văn đại biểu dân tộc Cham do báo chí gán cho tôi. Đây là sự thực nữa.