Giải đáp 6. TẠI SAO TAGALAU?

[Trả lời 1 bạn FB, và…]

Một bạn văn vừa cho tôi biết có đọc Status viết đại ý: “Tagalau là chung của Cham, vậy mà có người tuyên bố là của riêng mình”. Sao không gọi đích danh Inrasara, mà cứ mây gió vi vu vậy nhỉ, tội thế chứ!
Dẫu đây là phát ngôn chứng tỏ người viết không hiểu “lịch sử vấn đề” Tagalau, nhất là không hiểu bản chất sự thể tương tự, nhưng nó cũng tạo cho tôi cái cớ để minh giải sự việc.
Về Tagalau, tôi đã trả lời hơn mươi cuộc phỏng vấn cùng ngần ấy bài viết quảng bá “tuyển tập” này trên báo chí, trong đó quan trọng nhất là: “Tagalau, 7 năm nhọc nhằn & kiêu hãnh” đăng Tienve.org, 2007, và nhất là hàng loạt bài “Câu chuyện Tagalau” trên Inrasara.com. Nay, xin tóm tắt, như một cách trả lời chung.
Tagalau1-2-3.02 [Tagalau 1 & 2: Hội VHNT các DTTS đứng tên; đến Tagalau 3, Hội không bảo lãnh nữa, tôi đành phải đứng ra làm chủ biên, Nhà xuất bản mới chấp nhận in. Ngoài ra, họ còn buộc phải thay tên: nên tôi dùng tên khác: KATÊ MỚI, còn Tagalau đã chịu khép nép trong ngoặc rất tội nghiệp]
1. Chuẩn bị cho Tagalau
Năm 1996, dự Trại Sáng tác ở Đại Lải, tôi đề nghị BBT báo Văn nghệ của Hội Nhà văn VN cho tôi làm số đặc biệt về Cham trên Văn nghệ Dân tộc & Miền núi, nơi dịch giả Đăng Bẩy phụ trách chính. OK. Báo ra, Đăng Bẩy ôm ngàn tờ nhảy tàu lửa vào Phan Rang. 800 bản được bán hết vèo ngay buổi sáng Katê trên tháp! Cần ghi nhận công yut Quang Cẩn ở đây.
Katê 97, tôi chuyển chuyên đề về tạp chí Văn nghệ Bình Thuận. Năm 98, tôi tiếp tục bê nguyên mẫu qua tạp chí Văn hóa Dân tộc. Ba kì liên tù tì như thế Tagalau mới ra số đầu tiên để đón Katê đầu thế kỉ XXI. Ba kì khởi động do tôi tổ chức bài vở, tạm kết:
Inrasara [và bút danh khác]: 9 văn xuôi, 10 bài nghiên cứu, 8 bài thơ;
Trà Ma Hani: 6 bài thơ, Nguyễn Văn Tỷ 2 bài nghiên cứu;
Văn xuôi 1 bài có: Quang Cẩn, Phutra Noroya, Jalau Anưk, Son Putra, Thạch Giáng Hạ, Trà Thy Mưlan. Thơ: Trà Vigia 4, Kahat 3, Quảng Ngũ, Bá Minh Trí 2 bài, còn Son Putra, Trầm Ngọc Lan và Đồng Chuông Tử mỗi người 1 bài.

2. Số Tagalau đầu tiên
Người đầu tiên tôi mang dự án Tagalau ra bàn là thầy Tỷ và thầy Bá, khi chúng tôi đang hoàn chỉnh bản thảo Ngữ văn Chăm vào mùa thu 1998 tại Hà Nội. Quý thầy can ngăn. Cham có mỗi Trạm là nhà văn, từ từ thôi, không khéo xôi hỏng bỏng không. Cạnh đó có vị hù: Thôi đi Trạm ơi, Cham mà, không qua nổi hai số đâu. Nhưng sau 3 lần thử nghiệm, tôi biết Cham có người viết, người mua, người đọc – nên quyết.
Đầu 2000, tôi thông báo đại trà, và đợi bài. Một, hai, ba tháng vắng hoe. Không xong rồi. Vài bận tôi nhắc, mọi người hứa, và hẹn. Tháng 6-2000 tôi hú Trà Vigia và Trầm Ngọc Lan (thầy Tỷ bận) vào Sài Gòn ăn ở nhà tôi. Họ lên xe đò, còn xách theo con gà vườn nữa. Sau một tuần, Trà được 2 truyện 10 thơ, Trầm bằng nửa số ấy. Thêm bài của thầy Tỷ, và… Chiều trước khi 2 yut về quê, chúng tôi kéo nhau qua quán cà-phê từ giã. Tên “Tagalau” do Trà đặt. Tagalau số đầu tiên cất tiếng khóc chào đời đúng tuần lễ bà con Cham chuẩn bị lên tháp vui hưởng Katê.

3. Sự cố & giải quyết khủng hoảng
Bài “Mỹ Sơn đường về” ở Tagalau 2 khiến tôi nhiều lần thư giải trình với trên. Còn “Xã hội Cham, thực trạng và giải pháp” ở Tagalau 4 thì tôi phải giải thích với dưới [bà con Cham]; để sau khi đăng “giải trình” này ở Tagalau 5 anh chị em Cham mới cho tôi yên. Nhưng có thể nói, chính Tagalau 8 khiến tôi khốn đốn hơn cả. Tôi một thân một ngựa giải quyết sự cố.
Về chủ biên, 2 kì Tagalau đầu, tôi nhờ nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chủ tịch Hội VNTHDTTS Việt Nam [nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin] đứng tên “chịu trách nhiệm xuất bản”. Mãi Tagalau 3, cả nhà thơ lẫn Hội không “trách nhiệm” nữa, bị đẩy vào thế buộc, tôi phải đứng ra “chủ biên”.
Tại sao là người đẻ ra và nuôi nấng Tagalau, mà tôi trốn tránh thế? Đơn giản: tôi muốn khi chuyện chín muồi sẽ chuyển giao Tagalau cho thế hệ trẻ càng sớm càng tốt – để lao vào sáng tạo đơn độc. Cuối cùng, sau 13 kì, tôi thoát được.
Tagalau03-01[KATÊ MỚI (Tagalau 3) tôi ghi: “Chịu trách nhiệm bản thảo: INRASARA”. Sau khi sách ra khỏi nhà in, Nhà xuất bản kêu thu hồi lại, xé đi, in tờ lẻ và dán “Chủ biên: INRASARA” vào, họ mới cho phát hành. Vết dơ kia là kỉ niệm dấu “dán” đó.]
4. Chuyện tiền nong
Mỗi kì Tagalau, tôi phải bù lỗ 7-8 triệu, tương đương 1 cây vàng thời điểm đó. Chỉ khi Chế Mỹ Lan bao sân Tagalau 7 mới hết lỗ. Số 8 và 9 tôi lại bù tiếp. Từ số 10 trở đi, thu chi Tagalau tạm ổn. Để đến lúc bàn giao cho BBT mới, Tagalau có số dư 17 triệu.
Các Mạnh thường quân chính của Tagalau, là: Cty Thổ cẩm Inrahani, Chế Mỹ Lan, Ysa Cosiem…
Dù không ai đòi hỏi, sau mỗi kì, tôi đều có bảng quyết toán thu chi Tagalau đăng trên Inrasara.com và in ra gửi cho những người có liên quan.

5. Tác giả Tagalau
Tác giả viết nhiều nhất cho Tagalau theo thứ tự số lượng là: Inrasara, Trà Vigia, Nguyễn Văn Tỷ… Đến Tagalau 13, đã có gần 300 tác giả [80% là Cham] có mặt. Với cộng tác viên, tôi ít khi gặp tập thể mà tiếp xúc riêng và đều xem họ “quan trọng” không kém gì tác giả khác. Từ đó họ mới tự tin nhập cuộc.
Làm Tagalau, ngoài buổi ra mắt lần đầu và hôm tổ chức “Kỉ niệm 10 năm Tagalau” ở Chakleng, tôi chưa bao giờ họp. Khi cần, tôi trực tiếp với từng cộng tác viên, hỏi han, lắng nghe và xin bài.

6. Đẻ, nuôi và chủ biên Tagalau – tôi mất/ được gì?
Mất dễ thấy nhất là (bù lỗ) tiền, dù không nhỏ với túi tiền tôi, nhưng chẳng đáng kể.
Được tiếng [chủ biên đặc san duy nhất của DTTS] càng không đáng kể, bởi thành tích tôi có thừa, cộng vào một món chả tăng thêm gờ-ram mỡ.
Cái được lớn nhất, là: tôi có dịp tiếp xúc và hiểu cả ngàn sinh linh Cham [và ngoài Cham] thuộc nhiều lứa tuổi, vùng miền, thành phần, trình độ, tâm tính… khác nhau. Được nữa, tôi “khám phá” ra vài cây bút trẻ, truyền lửa sáng tạo cho họ, làm đất cho cỏ [họ] mọc.
Thế thôi, “cũng đủ lãng quên đời”.

7. Tagalau là CỦA ai?
Một câu hỏi hơi… buồn cười.
Trong vốn từ Cham không có tiếng “của”. Tôi từng đùa nghịch “của” trong vài bài thơ, và dùng ngữ pháp tiếng Cham “phá” cấu trúc tiếng Việt, qua đó gây dị ứng nhỏ nhắn xinh xinh.
Gầy dựng công việc mang tính tập thể nào bất kì [ở đây là Tagalau] luôn có:
1. Người nghĩ ra, lập nên, đứng mũi chịu sào (Inrasara: ý tưởng, sáng lập, chủ biên);
2. Tiếp đến là thành phần cốt cán (Nguyễn Văn Tỷ, Trà Vigia, Phutra Noroya, Jalau Anưk, Tuệ Nguyên, Đồng Chuông Tử, Jaya Hamu Tanran, Phú Đạm, Jaya Thuksiam, Diễm Sơn… là các cây bút chủ lực);
3. Cuối cùng là công chúng rộng lớn (Mạnh thường quân, nhà phân phối, độc giả).
Tổng kết “Hành trình 10 năm Tagalau” tôi viết: Nếu Cham không có người viết, không có độc giả, không có Mạnh thường quân thì tôi không thể làm nên Tagalau.
Tagalau sinh ra và sống với/ vì/ qua các yếu tố đó.

Karun & Thuk siam!

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *