Tính cách nhân vật trong tiểu thuyết Inrasara

Có thể thấy những gương mặt Chăm được ghi lại, đồng hiện trên những trang tiểu thyết của Inrasara phảng phất cái bi – hài, trào lộng – buồn thương. Họ mỗi người một gương mặt, một số phận nhưng dường như đều mang trong mình cái gọi là chứng rối loạn đa nhân cách. Con người trong tiểu thuyết của Inrasara khác với con người thuần nhất, đơn giản về tính cách của những tiểu thuyết dân tộc thiểu số thời kì đầu, thậm chí cả ở những tiểu thuyết của những tên tuổi lớn như Vi Hồng, Cao Duy Sơn. Trong tiểu thuyết của Vi Hồng, con người thường chỉ có một nét tính cách. Họ hoặc là những con người lí tưởng – con người tận thiện… hoặc là những con người xấu xa – con người tận ác với những thủ đoạn, âm mưu thâm độc, nham hiểm và hành vi độc ác, đồi bại… Tiểu thuyết của Cao Duy Sơn cũng vậy, tâm hồn, tính cách đồng bào dân tộc Tày được tác giả khắc họa gần như thuần nhất, thường chỉ ở phía tốt đẹp. Họ là những con người có số phận bất hạnh nhưng cũng là những con người dũng cảm, lạc quan, giàu sức sống dù phải trải qua nhiều éo le, trái ngang trong cuộc đời… Có thể thấy cảm hứng về con người trong sáng tác của Vi Hồng, Cao Duy Sơn là “khẳng định một niềm tin mãnh liệt vào vẻ đẹp nhân cách của con người”. Sự điểm xuyết của những con người xấu xa, tha hóa chỉ là cách nhà văn phê phán, vạch trần cái ác để mọi người nhận diện và loại trừ nó, làm cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn những nhân vật đa tính cách thì hầu như không có.

Chỉ đến Inrasara, con người đa nhân cách, thậm chí rối loạn đa nhân cách ấy, con người luôn mang trong mình những mâu thuẫn, những dằn vặt giữa khát vọng và thực tế, giữa bản năng và lí trí, giữa khả năng và hiện thực ấy mới được hiện lên qua cái nhìn của một nhà nghiên cứu dân tộc học. Trước khi đến với tiểu thuyết, Inrasara đã có một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, tâm hồn dân tộc Chăm rất sâu sắc. Và giờ đây cốt cách, tâm hồn dân tộc ấy được thể hiện qua số phận, cuộc đời những nhân vật đa nhân cách vừa như một kiểu “lập biên bản” tinh thần dân tộc” vừa thể hiện mong muốn mọi người biết đến Chăm, đến con người Chăm ở miền đất còn nhiều khó khăn của đất nước. Đây có lẽ là điểm tạo nên sự khác biệt trong cảm hứng về con người trong tiểu thuyết của Inrasara so với Vi Hồng, Cao Duy Sơn và các cây bút tiểu thuyết dân tộc thiểu số khác.

Nguyễn Thị Thanh Bình, Luận văn Thạc sĩ, 2012

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *