Inrasara: Giải đáp 1. TẠI SAO CỨ PHẢI NÉ TRÁNH NHẠY CẢM?

Trả lời email gửi chung của Chế Linh.
[Nhận định về “Bình luận của thi sĩ Chế Mỹ Lan về “những câu nói” của nhạc sĩ Từ Công Phụng trong đêm Đại nhạc hôi Champa” trên FB Mylan Che ngày 30-1-2016]

Lẽ ra bình luận chính “những câu nói” của nhạc sĩ Từ Công Phụng, tuy thế tôi thích viết về phản ứng của Chế Mỹ Lan về “những câu nói” này hơn. Vì nó cần thiết hơn bao giờ…
Đây là “cảm nhận” chân thật của một nữ sĩ Cham yêu dân tộc và lo lắng cho văn hóa dân tộc. Và về căn bản, tôi hoàn toàn đồng tình với tinh thần bài viết của CML.
Điều đáng ghi nhận đầu tiên là, bên cạnh Kiều Maily(1), hiện nay Chế Mỹ Lan là người nữ dũng cảm lên tiếng về các vấn đề cộng đồng Cham và văn hóa Cham. CML không nói sau lưng, không ám chỉ, mà trực diện và công khai tên tuổi, sự việc để phê phán. Là điều ngay cả các đấng nam nhi cũng hiếm khi làm được.
Bởi là “cảm nhận” nên bài viết hơi lan man; cạnh đó vài bạn FB tham gia còm càng không rành rọt: Bạn thì biểu đồng tình, người thì khuyên nên nhẹ nhàng trong lời lẽ, kẻ thì nguệch ngoạc vài ba chữ ra vẻ bí hiểm không biết để làm gì…
Chuyện nhạy cảm: về sự thật lịch sử Champa, hay chuyện lứa con cháu phê bình thế hệ đi trước đòi hỏi một phân tích thấu đáo để nhận chân sự thể, chứ không qua loa được.

“Cảm nhận” của CML có 4 phần chính:
[1]. CML viết: “Hình như trong TCP chỉ có tế bào yêu đương đôi lứa chứ không có tế bào yêu nước?”, thế nên “TCP chỉ có thể sáng tác được những nhạc tình Việt Nam mà thôi.”
Ở đây, CML vừa LẠC ĐỀ vừa SAI. Bởi nếu đã là “tế bào” thì không thể trách. Một nghệ sĩ có thể sáng tác về một/ nhiều đề tài khác nhau. Tế bào nhạc sĩ TCP là thế, đòi hỏi anh viết ca khúc như: “Tiếng Hát Dân Chàm”, “Hận Đồ Bàn” là không đúng.

[2]. CML thuật: “Người ta hỏi tôi [TCP] con cháu của tôi có biết gì về lịch sử văn hóa Chàm không? Tôi trả lời rằng tôi còn không biết huống hồ con cháu tôi biểt”.
Bản thân một nghệ sĩ sáng tạo không biết về lịch sử văn hóa dân tộc, hay không dạy con cái mình hiểu về nó – là ĐÁNG BUỒN, chứ không đáng trách.

[3]. Trách chăng là THÁI ĐỘ của TCP.
CML viết tiếp: “Tôi trả lời rằng tôi còn không biết huống hồ con cháu tôi biểt” Rồi ông cười giòn tan khoái chí như một người đã bị tẩy não toàn phần”.
Thái độ “cười khoái chí” về một chuyện đáng buồn [của bản thân lẫn con cái không biết LS-VH dân tộc] trước một cộng đồng Cham đang tôn vinh những đứa con dân tộc trong đó có mình. “Cười khoái chí” không đúng chỗ này đã khiến CML “phẫn nộ và lấy làm tội nghiệp ông”. Thi sĩ viết:
Có lẽ đây là điều vô cùng bất hạnh cho cả gia đình nhạc sĩ TCP.
Hiện tượng này không phải chỉ là sự sỉ nhục và bất hạnh cho riêng gia đình TCP mà còn là một sự sỉ nhục chung cho tất cả dân tộc Champa của chúng ta. Đây là một hình ảnh, một con người Chăm “vong bản” đoạn tuyệt với cội nguồn văn hóa dân tộc và đang rất lấy làm hãnh diện về điều ấy thay vì cảm thấy xấu hổ và nhục nhã
.”
Cái cười của TCP bị cho là “cười khoái chí” có thể là cảm nhận riêng của CML, ta tạm bỏ qua không bàn.

[4]. Riêng câu nói: “Tôi không thích nhắc lại lịch sử bởi vì tôi nghĩ nhắc lại lịch sử chỉ khơi lại hận thù”? tôi cho nhạc sĩ Từ Công Phụng SAI TOÀN PHẦN.
– Biết sự thật là nhu cầu có thật của nhân loại. Một dân tộc cần biết nguồn cội của họ; người Cham càng cần biết lịch sử Champa hơn bao giờ; còn người Việt [và 53 dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam] cần biết “tính toàn vẹn của lịch sử Việt Nam”.
– Bản thân tôi đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề này, trên diễn đàn trong nước lẫn thế giới. Bài mới nhất: “Cần nhìn lịch sử Champa một cách toàn vẹn hơn”, RFA, 26-5-2015(2), tôi viết:
Nếu chúng ta giấu đi sự thật lịch sử, đừng nói là sự thật hôm nay, mà là sự thật hôm qua, mà chúng ta giấu đi, thì chỉ thiệt hại cho chúng ta. Chẳng những chúng ta không nhận diện được sự thật toàn vẹn mà chúng ta còn lừa dối thế hệ trẻ”.
– Tôi từng đấu tranh cho lịch sử Champa có mặt, chẳng những trong các tác phẩm nghiên cứu mà còn cả trong sách giáo khoa ở cấp thấp nhất. VN cần dạy LSVH Cham một cách chính thống, để con em Cham không phải tìm đọc các tác phẩm thiếu khuyết, bất cập về lịch sử – văn hóa dân tộc mình. Vài năm qua, các buổi thuyết trình của tôi còn tập trung vào đề tài rộng và sâu hơn: Hải sử Champa và Văn hóa biển Cham.
– Biết sự thật lịch sử là để HÓA GIẢI HẬN THÙ, chứ không phải để “chỉ khơi lại hận thù”. Với Cham, nếu [chính quyền] Việt Nam cứ giấu giếm sự thật lịch sử, họ có quyền nghĩ rằng “người Việt” chưa thực tâm, từ đó gây uất ức thêm.

KẾT LUẬN
– Về CML, tôi thật sự khâm phục thái độ và phản ứng của thi sĩ này. Do quá nhiệt, CML ở vài chỗ đã xa đề, như: “sỉ nhục và bất hạnh cho gia đình nhạc sĩ”, hoặc dùng ngôn từ hơi quá, như: “phát biểu một cách vô tri vô giác”, “bị tẩy não toàn phần”…
– Về TCP, tôi từng viết về anh vào năm 2004 trên Chamyouth: “tôi nghĩ bất kì Cham ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này”(3). Riêng ở đây, tôi cho rằng anh đã “ngây thơ nghệ sĩ”: nghĩ sao nói vậy; tuy nhiên bởi thiếu kinh nghiệm phát ngôn trước công chúng Cham đầy nhạy cảm, nên lời lẽ anh đã khiến người nghe cảm thấy tổn thương và như bị “xúc phạm”.
– SÁNG TÁC của TCP không mang tâm cảm dân tộc, THỰC TẾ anh cũng không biết lịch sử – văn hóa dân tộc, và trong PHÁT NGÔN anh cho “nhắc lại lịch sử là chỉ khơi lại hận thù”. Từ 3 yếu tố đó, MỘT SỐ CHAM DỄ cho anh thiếu tình yêu dân tộc (ở đây tôi không nói “yêu nước” như CML).
Theo tôi, cả hai điều trước không quan trọng. Tại sao?
Thứ nhất, tình yêu [ở đây là tình yêu dân tộc] là không bắt buộc.
Thứ hai, nhạc sĩ không biết LSVH dân tộc vẫn có thể viết tốt, cũng như nhà văn không buộc phải biết triết học; thế nhưng nếu tự trang bị tri thức kia, họ có cơ may ở một tầm cao hơn.
Riêng câu “nhắc lại lịch sử chỉ khơi lại hận thù” đích thị là LỐI NGHĨ PHẢN TIẾN BỘ.

Một phân tích thấu tình đạt lí như thế mới giúp cả hai nhận ra sự thể, mà rút kinh nghiệm.

CODA
CML cho biết vài anh em Cham đề nghị thi sĩ “gỡ bài xuống”. Tôi nói: không. Bởi câu chuyện cho ta một bài học về chuyện nên hay không nên phê bình, và cần phê bình như thế nào?
Trong xã hội dân chủ, trao đổi – phê bình là cần thiết. Người phê bình cần gọi đúng tên sự thể mà không né tránh. Còn đối tượng cần chấp nhận “bị” phê bình, từ đó cộng đồng mới có cơ hội đối thoại, sửa sai(4).

________

(1) Nhà thơ Kiều Maily đã từng lên tiếng về vấn đề “Cham Bà-la-môn lấy sọ người đẽo làm đồng xu”, về phim Tiếng trống Paranưng, Ghur Bini, Điện hạt nhân…
(2) http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nee-a-view-integra-ab-cham-his-05262015072610.html?searchterm:utf8:ustring=inrasara
(3) “Từ Công Phụng giữa lòng Cham”, Chamyouth.com, 2004.
(4) NGUYÊN TẮC TRAO ĐỔI – TRANH LUẬN
1. Tôn trọng, nhưng không vị nể. Vị nể [tuổi tác, danh vị, vai vế…] thì hay dễ dãi bỏ qua điều sai lầm.
2. Quyết liệt, nhưng không nặng lời, hỗn láo. Bởi thiếu quyết liệt dễ dẫn tới thái độ ẻo lả, bạc nhược.
3. Tới cùng – để tránh bỏ vấn đề lửng lơ, ba phải, từ đó chìm xuồng.
4. Tập trung – để không bị lan man, lạc đề. Nhiều người biết mình sai, thường dùng thủ thuật này để đánh lạc hướng dư luận.
5. Chuyên môn và chỉ chuyên môn – để không rơi vào công kích cá nhân, bới móc đời tư. Nhiều kẻ đuối lí rất thích xài món này, với hi vọng giành ưu thế trước đối thủ.
Tranh luận là TRANH ĐÚNG bằng LÝ LUẬN, nên tranh luận thì phải có đúng/ sai.
Vậy, hãy cảnh giác:
Kẻ CƠ HỘI nhảy vào tung hỏa mù để ăn ké.
Kẻ ĐẠO ĐỨC GIẢ muốn xí xóa huề cả làng.
Kẻ XỎ LÁ đâm bị thóc thọc bị gạo.
Cuối cùng, người biết mình sai, hãy: Nhận lỗi, Sửa sai và, Cảm ơn.

_____

FB Mylan Che
30-1-2016
Chế Mỹ Lan
Bình luận những câu nói để đời của nhạc sĩ Từ Công Phụng trong đêm Đại Nhạc Hội Champa

Tất cả chúng ta có nghe rõ những lời phát biểu của Nhạc Sĩ nổi tiếng Từ Công Phụng trong clip này không? Ông đang đứng trên sân khấu trước mặt hàng ngàn đứa con Chăm tha hương đến từ khắp mọi nơi trên đất khách quê người cùng về đây hội ngộ trong ngày trọng đại của dân tộc. Con cháu Champa về đây để giao lưu học hỏi những tinh hoa từ các bậc Cha Chú về văn hóa cội nguồn của mình. Điều thất vọng nhất là chúng ta lại chứng kiến một nhạc sĩ lảo thành Từ Công Phụng phát biểu trong những ngày cuối đời của ông một cách vô tri vô giác như thế này.
Ông phát biểu rằng,“ Người ta hỏi tôi con cháu của tôi có biết gì về lịch sử văn hóa Chàm không? Tôi trả lời rằng tôi còn không biết huống hồ con cháu tôi biểt” Rồi ông cười giòn tan khoái chí như một người đã bị tẩy nảo toàn phần. Tôi không biết điều gì đã khiến ông cười hồn nhiên sau những lời phát biểu vô hồn vô tri ấy. Phải chăng ông đang cười cho sự nhục nhã của mình hay ông đang hãnh diện về sự vong thân chăng? Ông không biết ông phát ngôn như vậy đã làm cho tất cả con cháu Chăm đã rất xấu hổ về ông không? Phận con cháu như tôi rất phẫn nộ và lấy làm tội nghiệp ông bởi không tin rằng câu nói này lại thốt ra từ một người mang danh trí thức và còn là một Nhạc Sĩ lão thành trong tuổi xé chiều còn lại. Nếu như câu nói này phát ra từ một người sanh ra trong một gia đình nghèo khó không có cơ hội được cấp sách đến trường thì còn có thể chấp nhận được, đằng này nó phát ra từ một Nhạc Sĩ, một Nghệ Sĩ rất nổi tiếng như ông thì tôi nghĩ rằng không thể nào chấp nhận được. Có lẽ đây là Một điều vô cùng bất hạnh cho cả gia đình Nhạc Sĩ Từ Công Phụng. Người ta thường nói; “Con hơn cha là nhà có phúc”. Nếu như cha đã vong bản và không biết gì về dân tộc của mình thì con phải tự tìm hiểu về dân tộc của mình chứ. Bây giờ là thời đại mạng lưới toàn cầu mà. Muốn tìm hiểu một điều gì đó không có gì khó. Hiện tượng này không phải chỉ là sự sĩ nhục và bất hạnh cho riêng gia đình Nhạc Sĩ Từ Công Phụng mà còn là một sự sĩ nhục chung cho tất cả dân tộc Champa của chúng ta. Đây là một hình ảnh, một con người Chăm “vong bản” đoạn tuyệt với cội nguồn văn hóa dân tộc và đang rất lấy làm hãnh diện về điều ấy thay vì cảm thấy xấu hổ và nhục nhã.
Không biết nhạc sĩ TCP có nghe câu:
“Quốc gia hưng vong
Thất phu hữu trách”
Một thất phu tầm thườnng họ còn có trách nhiệm đối với vấn đề vong quốc. Những con người thất phu, họ không có một điều gì cả, ấy vậy mà một khi quốc gia hưng vong họ vẫn biết trách bản thân mình. Nhà triết học Samuel Johnson đã nói, “Lòng ái quốc là nơi ẩn náo cuối cùng của một tên xỏ lá.” Dẫu một tên xỏ lá lưu manh chẵng ra hồn gì. Dẫu họ họ thuộc loại người bần cùng của xã hội. Họ chẵng có một cái gì đáng giá cả, nhưng họ vẫn có cái duy nhất đó là tinh “thần ái quốc”. Họ còn biết đau đớn cho dân tộc của mình huống hồ gì một người đã từng tự hào mình là người trí thức lảo thành như ông chẵng lẽ còn thua một tên sỏ lá lưu manh bần cùng hay sao?
Mặc dầu đất nước Champa đã đi vào lịch sử vài trăm năm trước đây nhưng lịch sử và Vương Quốc Champa, dân tộc Champa vẫn còn nằm trong kho tàn tiến trình lịch sử của nhân loại, kể cả nền văn minh văn hóa dân tộc Champa. Giáo sư triết học Lý Chánh Trung trong tác phẩm “Tìm về dân tộc” ông đã xót xa,
“Mặc dù vương quốc Champa đã mất nhưng nó vẫn còn trong những điệu hát Nam Bình Nam Ai, vẫn còn trong niềm nhớ khôn nguôi của toàn dân tộc Chàm còn lại, nó vẫn còn trong những dòng thơ của thi sĩ Chế Lan Viên và vẫn còn trong niềm hối tiếc xâu xa trong lòng người dân Việt.” Lịch sử dân tộc Champa vẫn còn mãi trong niềm nhớ khôn nguôi của mỗi đứa con Chăm. Chắc ông là người ngoại lệ. Ngay cả sử gia Lý Chánh Trung cũng xót xa nuối tiếc khôn nguôi cho cho những gì tổ tiên ông đã gây ra cho dân tộc Champa. Chính sư thương nhớ khôn nguôi của dân tộc mình, hậu duệ Champa ngày nay ai cũng nặng lòng và muốn tìm hiểu để viết lại lịch sử văn hóa văn minh dân tộc Champa. Họ mò mẫn viết những gì xót lại sau khi đã mất. Họ lấy làm hãnh diện và tự hào về dân tộc mình. Bên cạnh đó, tất cả các nhà nghiên cứu Đông, Tây, kiêm, cổ, Pháp, Đức, Mỹ, Việt Nam… đã và đang nỗ lực nghiên cứu lịch sử văn hóa văn minh Champa một thời vang bóng nhằm cống hiến cho nền văn hóa Champa nói riêng và nền văn hóa nhân loại nói chung ngày càng phong phú hơn. Lịch sử văn hóa Champa là một phần trong lịch sử văn hóa của nhân loại. Điển hình như Mỹ Sơn đã là nền văn minh văn hóa thế giới. Vậy thử hỏi tại sao một trí thức Từ Công Phụng phát biểu rằng:
“Tôi không thích nhắc lại lịch sử bởi vì tôi nghĩ nhắc lại lịch sử chỉ khơi lại hận thù”? Tại sao nhắc lịch sử là chỉ để khơi lại hận thù, thưa Ông? Vậy tất cả các nhà nghiên trên thế giới về lịch sử Champa kể cả các nhà nghiên cứu Việt nam đang khơi lại hận thù chăng? Làm người phải nên biết mình là ai và mình từ đâu đến. Đây là điều tối thiểu nhất mỗi người trong chúng ta ai cũng phải biết. Chứ vong thân chẵng biết mình là ai thì qúa ư tộI nghiệp.
Nói về danh từ Nhạc Sĩ hay Thi Sĩ là nói về những người có tâm hồn cảm xúc trước sự đau đớn khổ ái của một dân tộc. Một Châu Kỳ, nhạc sĩ Việt Nam thành danh với kho tàn tác phẩm gồm 200 bài tình ca trước 1975. Những nhạc phẩm của ông đã vượt thời gian và không gian và đi vào lòng hàng triệu khán giả như bài, Giọt lệ đài trang, Con đường xưa em đi, Được tin em lấy chồng. v.v.. Bên cạnh đó ông vẫn không quên sáng tác những nhạc phẩm quê hương như Giữa lòng đất mẹ, Nước Mắt Quê Hương. Không những thế, ông còn xúc động cho dân tộc Champa bằng những câu từ ai oán thê lương, gợi nhớ một non nước Chàm liệt oanh nay chỉ còn lại những tan thương điêu tàn đổ nát. Tác phẩm vượt thời gian của ông đã để lại cho đời là bài “Tiếng Hát Dân Chàm”
Bên cạnh nhạc sĩ Châu Kỳ, Một Xuân Tiên, sáng tác nhiều nhạc tình bất hữu, ông đã xúc động trước cảnh lầu cát đền đài nguy nga tráng lệ của một non nước hiền hòa đã vùi chôn trong tro tàn bụi cát. Chạnh lòng và xúc động trước những nỗi mất mát đau thương ấy ông đã cho ra đời một tác phẩm bất hữu đó là bài “Hận Đồ Bàn.” Không những nhạc sĩ, còn có cả Thi sĩ Chế Lan Viên gửi gấm nổi thương đau xót xa cho một dân tộc Champa oai hùng dã bị xóa tên trên bản đồ thế giới qua tập thơ Điêu Tàn. Vậy đến đây cho phép tôi được hỏi nhạc sĩ Từ Công Phụng rằng nhạc sĩ Xuân Tiên, nhạc sĩ Châu Kỳ, thi sĩ Chế Lan Viên đang khơi dậy sự hận thù chăng? Một nhạc sĩ đúng nghĩa phải biết đau đớn, biết rung động biết thổn thức với những sự khổ đau tan thương của một dân tộc. Những nhạc sĩ này cho dù không mang trong mình dòng máu Chăm nhưng vẫn gào thét nỗi đau dùm cho dân tộc ông đấy ông nhạc sĩ lảo thành ạ! Từ Công Phụng tự hào và hãnh diện về những nhạc tình của ông, nhưng nều so sánh ông và những nhạc sĩ ấy thì sự sáng tác của ông chẵng là gì cả nhưng họ còn sáng tác nhạc quê hương nhạc cho dân tộc mình.
Nếu nhắc về âm nhạc Việt Nam mà không nhắc đến nhạcc sĩ lảo thành Phạm Duy là một điều thiết xót vô cùng. Một Phạm Duy cả ngàn bài hát nhạc tình và đủ thể loại nhạc khác nhau nhưng hãnh diện nhất, xâu xa nhất của ông là bài Tiếng Nước Tôi.
Hãy nghe Pham Duy chia sẽ
“Tôi yêu tiếng nước tôi
Từ khi mới ra đời”
Nhạc sĩ Phạm Duy biết yêu nước, yêu tiếng mẹ từ khi mới ra đời. Còn Nhạc sĩ Từ Công Phụng đã xắp đến lúc gần đất xa trời vẫn không biết gì về dân tộc mình. Ông không hát được lấy một câu bằng tiếng mẹ đẻ chứ đừng nói chi đến sáng tác nhạc bằng tiếng mẹ. Không biết ông còn nhớ cách đây 18 năm, lúc đứng trên sân khấu ở Nam Californina nhân dịp ra mắt tập san Champaka I, ông có hứa rằng, phần cuối đời còn lại ông sẽ tập trung sưu tầm sáng tác nhạc Chăm cho ra đời những tình khúc nhạc Chăm. Lúc đó tôi có đi hát bài Hận Đồ Bàn của nhạc sĩ Xuân Tiên và tôi vẫn còn nhớ như in từng lời hứa của ông. Đến bây giờ ông đã sáng tác được bao nhiêu bài tình ca Chăm rồi ạ! Có thấy xa vời lắm không? Hát tiếng Chăm ông còn chưa chịu hát sao ông dành cả những ngày tháng cuối đời để sáng tác nhạc Chăm? Nhạc sĩ Từ Công Phụng chỉ có thể sáng tác được những nhạc tình Việt Nam mà thôi. Hình như trong TCP chỉ có tế bào yêu đương đôi lứa chứ không có tế bào yêu nước? Những đền xưa tháp đổ phiêu tán khắp nơi vẫn không làm run động trái tim của người nhạc sĩ này. Ông không biết thổn thức cho dân tộc mình thay vì thương vay khóc mướn cho cuộc tình Yoen vớ vẫn.
Một vài điều Ban Tổ Chức cần rút kinh nghiệm rằng đây là ĐNH Champa chứ không phải là đêm liveshow của Nhạc Sĩ Từ Công Phụng dành cho những ca khúc Việt Nam vô bổ không liên quan gì đến văn hóa Chăm. Đai Nhạc Hội Champa phải chỉ nên gồm những bài hát Chăm, phản ảnh đời sống văn hóa xã hội Chăm. Trong đêm ĐNH phải vinh danh những Cố nhạc sĩ, nhạc sĩ đã và đang sáng tác cống hiến cho dân tộc mình chứ không phải tốn nhiều thời gian để giới thiệu một Nhạc Sĩ tuy là người Chăm nhưng chẵng có một chút tâm huyết mồ hôi nước mắt nào cho nền âm nhạc Champa cả. Ông thậm chí chẵng biết mình là ai và chẵng có một chút tự hào về dân tộc mình. Chúng ta có đáng tốn công sức dành những từ hoa mỹ ca ngợi người này không? Một nhạc sĩ chẵng biết gì về dân tộc mình nhưng lại được tôn vinh ca tụng hoa mỹ vô bổ qúa đi mất. Thay vì chúng ta nên tập trung nhiều thời gian giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Cố Nhạc Sĩ Đàng Năng Qụa, Quãng Đại Tửu, nhạc sĩ Châu Văn Kên, Amunhân, Trà Viya, Inư Tuấn, Thanh Pháp, Quasin Từ… Hãy trân trọng sự cống hiến của từng nhạc sĩ làm sao cho sứng đáng với sự hy sinh của họ cho nền âm nhạc Champa. Nhất là cố nhạc sĩ Đàng Năng Qụa. Chúng ta phải bỏ thời gian nhiều hơn nói về cuộc đời và sự nghiệp của ông một cách trân trọng hơn để xứng với sự hy sinh vô bờ bến của ông. Bên cạnh đó là nhạc sĩ Amưnhân, ông đã cống hiến cho đời biết bao nhiều bài hát về Chăm. Nên nhớ công hiến cho nền âm nhạc Champa chứ không phải cho nền âm nhạc Việt nam qúi vị nhé!
Điểm thứ hai cần bàn, Ban Tổ Chức hãy xem lại rằng có nên mướn những Ca Sĩ Yoen đến trong đêm ĐNH Champa không? Tại sao phải bỏ tiền ra để trả cho những ca sĩ nghiệp dư Yoen để hát những ca khúc Việt Nam trong đêm ĐNH mang tên Champa là sao? Tại sao những Ca Sĩ Chăm phải bỏ thời gian và tiền vé máy bay đến và còn ủng hộ tiển để trả cho những Ca Sĩ nghiệp dư Yoen? Qúi vị không thấy nực cười lắm sao? Trong khi Ca Sĩ Chăm đến hát phải tự mua vé máy bay còn đóng tiền để trả cho Yoen nghiệp dư là sao nhĩ! Ban Tổ Chức nghĩ sao về điều này ạ!
Ban Tổ Chức phải cần nên xem lại sự chọn lọc những người xứng đáng để lên phát biểu trong một ngày trọng đại này để con cháu Champa chúng ta còn học hỏi những kiến thức uyên bác về phong tục tập quán, về cội nguồn, về văn hóa tổ tiên của mình để làm hành trang bước vào đời. Hãy nên mời những thân hào nhân sĩ trí thức Chăm am hiểu về văn hóa xã hội Chăm lên phát biểu. Những vị này đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho xã hội. Họ tích lũy nhiều kinh nghiệm bằng cả cuộc đời của mình với bao nhiêu kinh nghiệm qúy báo để chia sẽ cho con cháu học hỏi. Con cháu Champa không học được điều gì từ Phu Nhơn của nhạc sĩ Từ Công Phụng ạ! Biết bao nhiêu nhân hào trí thức Chăm ở dưới nghe bà lên sân khấu nói sàm nhảm nhí về sự riêng tư không cần thiết của bà rât thiếu tôn trọng. Thời gian của đêm ĐNH rất qúi báo đấy thưa qúi vị. Lần sau đừng mở quạt lớn qúa vô tình khơi ngọn gió thổi rác lên sân khấu tội nghiệp con cháu Chăm phải quét dọn . Theo tôi, ĐNH Champa thành công hơn nhiều nếu cắt đi phần nhạc sĩ Từ Công Phụng và ca sĩ nghiệp dư Yoen. ĐNH mang danh Champa phải đúng với ý nghĩa của nó. Sau đêm đại nhạc hội, làm sao cho con cháu Chăm ra về mang theo bên mình những phút giây tuyệt vời. những lời nhắn nhũ bổ ích từ những tiền bối, những lời ca tiếng hò, những hình ảnh đặc sắc văn hóa Chăm. ĐNH phải động lại trong ký ức khán giả một chút gì đó nhớ về sự đau thương mất mát của dân tộc mình và trân qúi nó.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *