Inrasara “ít” tham dự hội hè, tại sao?

Sài Gòn, 19-5-2009
Các bạn trẻ thân mến

Thật lòng, tôi rất cám ơn các bạn và các bác về mỗi dịp lễ là mỗi nhận được thư mời. Chứng tỏ các bạn chưa bao giờ bỏ quên tôi. Tôi cảm thấy ấm lòng vì điều đó. Về phía tôi, mỗi cuộc như thế dù vắng mặt, tôi cũng có vài mòn quà mọn: ít tiền, sách riêng hay sách do tôi chủ biên (kì này tôi tặng cho các bạn 30 cuốn Tuyển thơ Chăm hiện đại).

Tôi hiếm tham dự Rija Nưgar, Katê,… tại Sài Gòn, đúng lắm. 18 năm làm dân thành phố, tôi dự các tổ chức của anh chị em đúng 3 lần. Qua vài đời Chủ tịch Hội hay Trưởng Ban khác nhau. Dù khi tôi còn vô danh tiểu tốt hay lúc đã có chút danh tiếng còm. Điều đó nói lên cá tính, bên cạnh là sinh hoạt nghề nghiệp đặc thù. Ngay cả Jaka có mấy chục tổ chức các loại và các nơi, tôi còn chưa dự lần nào mà!
Tôi tạm gọi đó là cô đơn nhà văn(1).

Tôi mang tật này ngay từ 17 tuổi.
Thuở quê nhà, đám tang đám cưới, nhà mới hay lễ lạc, dù là của bà con hay người thân cận nhất, tôi tham dự rất tùy hứng, chứ không đi vì phép lịch sự phải đi. Cũng khá mất lòng, riêng tôi luôn giành được cái nỗi cô đơn nhà văn hay quyền năng tối thượng của kẻ sáng tạo. Đám bạn và bà con kêu Thằng Trạm mát! Tôi chấp nhận biệt danh này, và sau đó cảm thấy rất khoái nữa.

Tôi dạy tiếng Chăm từ năm 15 tuổi, sau đó còn dạy rất nhiều khóa nữa, nhưng vào làm sinh viên tại Sài Gòn, khi đã có các bạn Đảo, Ngạt, Cẩn,… dạy rồi, tôi xin các bạn miễn cho tôi. Đó là với Chăm.
Tôi còn cô đơn nhà văn với mọi sắc dân khác, với nhiều tổ chức khác.

Sài Gòn, làm nhà văn, cái tôi ngán nhất là hội hè. Khi được đề cử này nọ, tôi nói tôi có thể vào bất kì Hội nào, thậm chí có bầu tôi vào Ban chấp hành cũng không sao, nhưng phải miễn cho tôi mấy vụ họp hành. 3 lần thấy tôi ngồi ghế Chủ tịch đoàn cấp trung ương phát hình trên tivi, một bác kêu “Chăm rất hãnh diện về cháu”, tôi nói: Trời ơi, suốt mấy hôm đó tôi buồn ngủ muốn chết! Tôi dọa Ban tổ chức, kì sau mà còn bầu tôi chủ tịch đoàn nữa, tôi bỏ Hội như chơi.

Tôi chưa bao giờ tiếp mấy ông lớn làm chính trị lần nào trong đời.
Ngay cả với cánh nhà văn, giới nghiên cứu, các vị giáo sư Đại học Việt hay ngoại quốc tiếng tăm, khi thấy cần và có hứng thú, tôi mới tiếp. Còn không, thì tôi a-rờ-de, chẳng chút ngại ngần! Thế kẹt, nếu buộc phải ngồi vào bàn nhậu, tôi tìm mọi cách rời khỏi bàn sớm nhất có thể. Ban đầu họ ngạc nhiên vô cùng, nhưng sau đó, họ quen dần với cô đơn nhà văn của tôi.

Rời bỏ cô đơn nhà văn để tiếp xúc với báo chí, là điều rất mất thì giờ(2). Sự nổi tiếng không ích lợi gì cho nhà văn cả, ngoại trừ tư thế chính trị của ông/ bà ta. Hoặc khi hắn ta có máu chính trị hay có tham vọng chính trị. Tôi không làm chính trị nên từ chối tư thế đó. Trước kia, tôi ảo tưởng mình có thể vận dụng tư thế kia để làm lợi cho xã hội Chăm, nay tôi thấy hoàn toàn không cần thiết. Cộng đồng có vấn đề, tôi lên tiếng. Lên tiếng với tư cách một trí thức độc lập. Lên tiếng để đòi hỏi sự công bằng khả dĩ, như tôi đã từng như vậy về và cho văn chương, mươi năm qua.

Khi bạn là nhà văn, bạn phải sống giữa lòng dân tộc, hiểu và yêu thương dân tộc, lên tiếng cho quyền lợi cộng đồng, nhưng công việc của bạn là đối diện trước trang giấy/ màn hình trắng.

Dài dòng như vậy để giải minh vài thắc mắc về thái độ của Sara. Và nhất là để hiểu biết và cảm thông và yêu thương nhau, tránh các ngộ nhận không đáng có.

Tôi luôn mong các bạn thành công để có nhiều đóng góp.
Thân mến.

_______________
Chú thích

(1) Cô đơn không phải là cô độc hay cô lập mà là, cô đơn. Nhà văn phải là kẻ tương giao nhiều hơn các thành phần khác. Tương giao với con người, với vùng đất và với ý tưởng (sách vở, tư tưởng). Nhất là tương giao với chính bản thân hắn: sự cô đơn. Hắn cần dành rất nhiều thời gian để đối thoại với nỗi vô nghĩa trong tâm hồn hắn.

(2) Một ví dụ:
Đây là ý kiến của một nhà phê bình về bài phỏng vấn của một phóng viên văn học với tôi. Bởi phóng viên đã gởi link bài phỏng vấn đến 30 địa chỉ các nhà phê bình khác ở trong lẫn ngoài nước, nên ý kiến được phản hồi trở lại tất cả địa chỉ trên. Dù nhà phê bình đã nghĩ tốt (và có thể đúng) về Sara, nhưng dẫu sao nó cũng ít nhiều đẩy tôi vào thế kẹt bởi có so sánh hay/ dở giữa Sara và vài vị toàn dân Đại học. Tôi có nói ý này đến bạn văn, anh bảo đã vào trường văn trận bút thì phải chấp nhận thôi. Sau đây là nguyên văn:

“25-4-2009, Cám ơn anh TTK.
Tôi đã nhận đủ và đọc qua 3 bài cũng là 3 kỳ “Bàn tròn trao đổi về Hậu hiện đại” với 4 người tham gia trên báo TQ do anh tổ chức thực hiện. Tôi thấy ý kiến của anh Insara là có nhiều cái mới, độc lập, sáng tạo trong điều kiện riêng của VN. 3 người còn lại tuy cách nói và hướng tiếp cận khác nhau tí chút, nhưng đều có chung một đặc điểm là lệ thuộc quá nhiều vào công trình của J. Lyotard nên không có gì mới cả. Cần lưu ý, công trình của J. Lyotard chỉ là một trong rất nhiều công trình của các nhà nghiên cứu phương tây khi tổng kết về Hậu hiện đại mà thôi… Lệ thuộc nó quá sẽ phiến diện, thậm chí có chỗ ngộ nhận cũng nên!
Kính chào anh và chúc mọi điều tốt lành!”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *