Inrasara: Giải đáp vài câu hỏi xung quanh vấn đề về cộng đồng Cham

Mấy ngày qua, tôi nhận nhiều câu hỏi từ bạn đọc và bà con xa gần liên quan đến sinh hoạt cộng đồng Cham. Tạm chia làm 4 vấn đề sau:

* Nghịch nước – Photo Inrajaya.

1. Về Tagalau

Khi nói về chuyện “về hưu”, không phải tôi làm “động tác giả” như có bạn thư riêng đùa tôi như thế, mà đó là sự thật. Tôi nghĩ ở thời điểm này, ta không nên nói giả với nhau. Bản thân tôi cũng “già” rồi, không cần thiết phải làm bất kì động tác giả nào nữa.

Sau “Thư Tagalau và Thông tin về Tagalau 13” được đưa lên mạng, đã có nhiều tín hiệu vui từ các bạn trẻ. Tin vui đến ngay tức khắc, là điều tốt. Tôi rất cảm kích về tinh thần của các bạn, những người đã kịp thời xốc Tagalau dậy. Mươi ngày qua, Tagalau 13 đang rất khí thế. Hi vọng với đà ấy, ngay trong tuần này, tiền in sẽ được giải quyết.

Về hưu, nhưng tôi không từ bỏ hẳn Tagalau, mà vẫn ngoái lại. Tôi vẫn hỗ trợ các bạn trẻ khi cần thiết, trong điều kiện và khả năng mình. Sắm vai phụ thôi.

2. Về 5.000 Từ vựng Việt – Chăm thông dụng

Sau 5 tháng triển khai, đến lúc này, 5.000 Từ vựng Việt – Chăm thông dụng đã đi được ¾ chặng đường. Tháng 10 sẽ ra được bản thảo thô. Như vậy nếu thuận lợi, mùa Katê này, anh chị em sẽ mở một hội thảo bỏ túi, tại quê nhà. Sau hội thảo góp ý (hoặc bằng hình thức nào đó), bản thảo sẽ được sửa chữa, xin giấy phép để kịp ra mắt vào giữa năm 2013.

Một tin vui khác là BBT 5.000 Từ vựng Việt – Chăm thông dụng đã nhận được sự hỗ trợ về tài chính của một Mạnh Thường Quân yêu tiếng mẹ đẻ và đã từng ưu tư nhiều về sinh phận long đong của nó. Trong sóng gió tình người và bấp bênh của cuộc thế, hành xử đầy thiện chí này đã thắp lên hơi ấm giữa lòng đời – thời gian qua, đã khích lệ tinh thần anh em rất nhiều. BBT sẽ thông tin số tiền và tên vị đó khi công việc tạm hoàn tất.

3. Về Hội luận của bộ phận người Chăm ở hải ngoại

Mới nhất, anh chị em hỏi thái độ của tôi về Hội luận. Tôi biết thông tin về Hội luận qua thư Chế Linh và Thành Đài, nhưng bởi quan tâm của tôi lúc này hướng về vấn đề khác, nên tôi không rõ kế hoạch hay bài viết xung quanh sự kiện này. Xin miễn ý kiến. Bà con nên coi tôi như kẻ ngoài cuộc.

Một trí thức người Kinh thắc mắc:

– tại sao với các vấn đề văn học liên quan trực tiếp đến người Việt, Inrasara không kiêng nể gì cả, anh có đến nửa trăm bài luận chiến đáp lại rất sòng phẳng, mà với người đồng tộc, anh “hiền khô” thế?

Tôi đã trả lời đơn giản là: Tôi phải tôi sợ, mà là ngại.

Thật lòng, tôi nghĩ anh em Cham hôm nay vì nhiều lí do và điều kiện sống khác nhau, chưa sẵn sàng hiểu và cảm thông nhau. Một tác giả viết về thói tật Cham, khi nghĩ tốt thì ta cho là tác giả ấy nêu khuyết tật của dân tộc ra để khắc phục và làm tốt hơn; còn nghĩ xấu, thì ta sẵn sàng đổ cho tác giả tội bôi nhọ dân tộc. Một tác phẩm văn chương, nếu là bằng hữu thì ca ngợi rằng có nhiều tưởng tượng sáng tạo, còn ghét thì suy diễn quy chụp ngoài văn chương, từ đó tố cáo nhau rất phi lí.

Trong xã hội Việt Nam không thiếu vấn nạn này. Tuần qua, một bài thơ của một nhà thơ ở Đồng Nai bị một nhà văn đưa đơn thư tố cáo là xuyên tạc lãnh đạo. Sự việc ì xèo đến trung ương phải xuống giải quyết. Bình tĩnh đọc lại, té ra, không có vấn đề gì to tát ở đó cả, chỉ là suy diễn quy chụp! Trong thế giới văn học, cá nhân tôi cũng đã bị đôi ba lần quy chụp, và tôi đã giải tỏa yên lành hay ít ra, đối tượng đó cũng nín lặng.

Riêng với anh em Cham, từ năm 2007, ở đâu có dấu hiệu tranh cãi, ở đó tôi lánh xa.

4. Về biên tập

Tôi thường xuyên được các bạn văn [trẻ và không còn trẻ] nhờ đọc thơ văn góp ý, thậm chí nhờ “biên tập”, “sửa bài”. Trước, tôi đã vui vẻ làm. Vui vẻ và nhiệt tình quá lắm lúc xảy ra… tai nạn. Vài bạn thơ thương mến sau góp ý chân tình của tôi, đã một đi không trở lại.

Dăm ba ca như vậy, cuối cùng tôi quyết: Chỉ có thể giúp sửa lỗi kiến thức các bài viết, chứ tuyệt không đụng vào văn chương của bất kì ai nữa. Còn khi nhà báo viết về tôi, tôi luôn đòi hỏi họ gửi bài cho tôi đọc trước. Có người vâng, có bạn “không sao đâu, ông anh cứ tin thằng em đi”. Tôi nói, tôi không can thiệp vào nội dung hay nhận định của bạn, mà chỉ giúp bạn xem lỗi kiến thức. Ỷ y, thế nào rồi cũng lòi ra chi tiết sai. Ví dụ “Inrasara đã soạn Từ điển Việt – Chăm (viết chung)”, nhà báo nổi hứng bỏ ngoặc đơn kia, là hỏng. Hỏng lớn: vô hình trung, người đọc nghĩ đó là tài sản riêng của ông Inrasara!

Về việc biên tập Tagalau, bạn Xuân mới đây có thắc mắc, tôi đã giải đáp thỏa đáng: Tôi chỉ sửa lỗi “chính tả, ngữ pháp, kiến thức căn bản” mà không can thiệp vào nội dung và nhận định của tác giả.

Chuyện khác. Có bạn phone hỏi tôi: – Sao Sara hứa không phê phán bất kì Cham nào nữa, mà năm kia anh đã “tiếp tay Chế Mỹ Lan” phê phán Champaka và Po Dharma?

Tôi nói: – Nghĩ “tiếp tay” là lầm to. Tôi biên tập không phải một mà nhiều bài của bạn thơ nữ Cham này – cả thơ lẫn văn, như đã từng biên tập hàng ngàn bài của các bạn văn khác – cả Cham lẫn Việt. Còn ý kiến của họ, tôi tôn trọng tuyệt đối. Tôn trọng cả bài viết trái ngược ý kiến tôi được đăng trên Tagalau là đặc san tôi chủ biên.

Sài Gòn, 28-8-2012

_____

Phụ lục: Vài nhận xét về Inrasara

“Để góp vui chương trình”, xin trích đoạn vài nhận định về Inrasara thời gian qua (mới).

 Đỗ Quyên: Thi pháp Nguyễn Quang Thiều: Nhìn từ dòng-thơ-cần-giải-thích-giá-trị (VanVn.net, 21-6-2012)

… Theo nhịp tăng không thể ngưng của kỷ nguyên toàn cầu hóa và sức sống kiên tâm để sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt, dòng văn học chính thống Việt Nam trong các thập niên gần đây ngày càng tăng sức thuyết phục chính đáng và tự nhiên bởi chính những tác phẩm và tác giả của mình, chứ không bị ảnh hưởng từ những gì ngoài tác phẩm và tác giả. Tại thời điểm này, nhìn từ “khu vực ngoại vi”, ở ba phạm vi văn học, ba vị thế nghề nghiệp, ba xuất xứ vùng miền và nhân thân, văn học Việt “khu vực trung tâm” đang có ba vị đại biểu về tài năng văn chương, ảnh hưởng nghề nghiệp và phong cách văn sĩ: Đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà nghiên cứu – phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà thơ Inrasara.

 

 Phan Đức: Phê bình hay tuyên truyền thơ? (Tienve.org, 5-8-2012)

… Trong số những bài đánh giá thơ Nguyễn Quang Thiều thì bài viết của nhà thơ kiêm phê bình gia Inrasara là thuyết phục nhất vì quan điểm duy lý chừng mực của ông. Tiếc là bài nhận định này ông cho đăng trên blog của mình và trang Tiền Vệ, chứ không đọc trong cuộc hội thảo. Theo Inrasara, sở dĩ thơ Nguyễn Quang Thiều nổi bật lên gần đây là vì “hoàn cảnh lịch sử”. Ông viết: “Chẳng những đề cao mà là tụng ca, tụng ca thành một cao trào bất bình thường đến gây dị nghị”. Hay một đoạn trích dẫn khác “Dẫu sao, dù chê bôi, tụng ca hay dị nghị, đại đa số ít nhiều do hệ quả của ‘hoàn cảnh xã hội’. Rất đặc trưng Việt Nam.” Ông đã nói thẳng ra: “Và không ít nhà phê bình chẳng ngần ngại nhét vào trong tay anh ‘lá cờ đầu’ cách tân thơ Việt. Chính tại đây xảy ra nỗi nhầm lẫn lớn: nhầm lẫn của lịch sử. Thủ phạm vẫn là ‘hoàn cảnh xã hội’“. Nhà thơ Inrasara đã chứng minh nhầm lẫn này tiếp theo sau đó.

Để bác bỏ những luận điệu có tính dự đoán của Đỗ Quyên khi ông này tự tin suy diễn rằng “Thơ Nguyễn Quang Thiều vì con người, vì quê hương, vì trách nhiệm công dân với làng với nước, vì bổn phận làm người trên trái đất”, nhà phê bình Inrasara lập luận “Nguyễn Quang Thiều không thể không né tránh các vấn đề thời sự nổi cộm, cái cộm khả năng va chạm cơ chế mà anh là một bộ phận khôn rời”. Ông mạnh mẽ lên án “Tuyệt đại đa số nhà thơ chính thống Việt Nam đã chạy trốn thời sự nóng bỏng tác động đến toàn xã hội là sự kiện Trường Sa – Hoàng Sa”. Và ông khẳng định “Chỉ khi được phép, họ mới ồ ạt làm thơ yêu nước”.

Trong mục đích vạch ra sự thiếu sót cố ý trong những người tâng bốc Nguyễn Quang Thiều, Inrasara nói thẳng là ngay những nhà thơ miền Nam (sau 1975) cũng đi trước Nguyễn Quang Thiều. Nhà thơ Inrasara không cả nể, mà viết rằng “Hiện tượng thơ Sài Gòn. Nó hoàn toàn khác với thơ cách tân ở miền Bắc. Khác từ tâm thế, thái độ và sinh hoạt, khác đến giọng điệu lẫn thủ pháp nghệ thuật”. Họ có thái độ phản kháng truyền thống, ôn hòa hay mạnh mẽ.

 

Phùng Gia Thế: Điều kiện hậu hiện đại của văn học Việt Nam (Phê bình văn học, 6-8-2012)

… Một điều kiện căn cốt của thực tiễn văn học hậu hiện đại ở Việt Nam chính là khát vọng hội nhập và tinh thần cầu thị đối với cái mới của các nhà văn, trong đó có thái độ ứng xử nghiêm túc với các kinh nghiệm nghệ thuật của văn chương hậu hiện đại thế giới. Ở đây phải nói đến sự chuyển hướng mạnh mẽ các quan niệm văn học của các nhà văn như Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh…, sự ủng hộ công nhiên những thử nghiệm hậu hiện đại và việc vận dụng thực hành sáng tác hậu hiện đại của Inrasara, Lê Anh Hoài, Đặng Thân… Trong bài “Đối thoại về con đường đi vào văn chương hậu hiện đại ở Việt Nam”, nhà thơ Inrasara viết: “Sáng tạo hậu hiện đại Việt Nam [nhất là thơ ca] bị phân biệt đối xử bởi nhà văn nhà thơ thuộc hệ mĩ học cũ (…) Nhưng dù gì thì gì, văn thơ hậu hiện đại đang tồn tại như nó vẫn tồn tại từ hơn mươi năm nay. Vẫn ở ngoại biên như chính định mệnh của nó… Chúng vẫn có cuộc sống của mình (…) Theo tôi, mươi năm qua, chính sự vận động của chủ nghĩa hậu hiện đại đã tạo nên sự sinh động và phong phú của văn chương tiếng Việt đương đại. “Sinh động và phong phú” kia không dừng lại ở một, hai trung tâm mà đang mở rộng ra các vùng miền, các thành phần, các thế hệ. Tôi tin rằng trong một tương lai không xa, văn học Việt sẽ là một nền văn học đa trung tâm”.

Nhà văn Lê Anh Hoài, trong bài “Văn chương hậu hiện đại, nhìn từ góc độ người sáng tác”, viết: “… khi viết tiểu thuyết Chuyện tình mùa tạp kỹ (NXB Đà Nẵng 2007, sắp tái bản phục hồi lại tên ban đầu là Tìh êu) thì tôi đã định hình về chủ nghĩa hậu hiện đại, tôi thấy tinh thần của nó hợp với tôi. Nhận xét là quyền của nhà phê bình, nhưng cũng có thể xuất phát từ tâm thế người viết nên cuốn tiểu thuyết này được một số nhà phê bình, nổi bật và tập trung là Inrasara nhận định rằng tác phẩm mang tâm thức và sử dụng thủ pháp hậu hiện đại. Tôi thấy nhận định đó khả chấp. Những cái tôi viết sau đây, có thể cũng sẽ có “hàm lượng” hậu hiện đại cao. Nhưng tôi xin nhắc lại, nó đi ra từ tâm thức chính tôi, chứ không phải tôi đang tuyên truyền cho một chủ nghĩa”. Trong bài “Hậu hiện đại đã và đang được Việt hóa”, Lê Anh Hoài cho rằng tinh thần hậu hiện đại là cái cần thiết cho văn học, “bởi tính hoài nghi đầy nhân văn của nó, bởi sự giải thiêng, bởi sự quan tâm đến cái riêng, cái dị biệt”.

 

 

4 thoughts on “Inrasara: Giải đáp vài câu hỏi xung quanh vấn đề về cộng đồng Cham

  1. Pingback: Tin thứ Tư, 29-08-2012 « BA SÀM

  2. Pingback: Tin thứ Tư, 29-08-2012 | Dahanhkhach's Blog

  3. Theo như cách nhà văn Inrasara kể, thế giới này vẫn còn rất nhiều người tốt. Xã hội Chăm vẫn còn rất nhiều tâm hồn đẹp biết hy sinh. Nhà văn hãy tin tưởng mà làm việc. Chúc anh có nhiều cảm hứng sáng tạo.

  4. Pingback: Anhbasam Điểm Tin thứ Tư, 29-08-2012 | bahaidao2

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *