15. Tại sao không ngợi ca?
Bà Trời cho ta mỗi ngày mới để sống, để tạ ơn và ngợi ca. Tại sao ta không tận hưởng? Thử xem tôi đã tạ ơn và ngợi ca thế nào… (các ngợi ca này đều được minh chứng và phân tích khá thấu đáo trong bài viết).
1. Ở THẾ HỆ TRƯỚC
Phạm Công Thiện là thiên tài. Thiên tài không ở trí tuệ anh, không ở các sáng tác của anh, càng không phải thiên tài ở tư tưởng anh, mà chính là ở sức hút kinh hoàng của hơi thở ngôn ngữ Phạm Công Thiện.
Đàng Năng Quạ đã hoàn thành chức phận của một nghệ sĩ sáng tạo đúng nghĩa. Cám ơn người nhạc sĩ đã ban tặng cho chúng ta Bhum Adei bất tử giữa lòng Cham.
Dohamide và Dorohiêm. Dù tác phẩm được viết như là bút kí, nhưng không phải vì vậy mà nó đánh mất sự nghiêm xác khoa học. Từ “Dân tộc Chàm lược sử” đến “Bangsa Champa” là cuộc hành trình dài dặc. Tôi đánh giá rất cao hành [công] trình này.
Po Dharma ngoài luận án Tiến sĩ về Tư liệu Hoàng gia Champa còn có tác phẩm Panduranga và nhiều bài viết giá trị. Cả hai công trình về Akayet mới in, đều “rất công phu, nghiêm túc” và “giá trị”.
Chế Linh. Trong dòng chảy của nền ca nhạc Việt Nam hiện đại, tiếng hát Chế Linh là bất tử. Đây đích thực là đứa con của Đất!
Từ Công Phụng. Tôi nghĩ bất kì Cham ở bất kì đâu cũng có thể hãnh diện về đứa con đất nắng này! Cám ơn người nghệ sĩ tài hoa, đã đến và, đã làm đẹp cuộc đời.
Tô Thùy Yên. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.
Nguyễn Duy thì khác, anh đang ở tuổi đứng bóng mặt trời của sáng tạo. Nhìn hiện thực cuộc sống hôm nay – như con người nhập cuộc. Đây là nhà thơ ý thức phản tỉnh self consciousness sớm và sâu nhất, chắc chắc thế.
2. CÙNG THẾ HỆ
Đàng Năng Thọ đưa cho tôi mấy tập phác thảo các tác phẩm sắp tới. Tôi la lên: thiên tài! Bạn hãy ném bỏ tất cả để lao vào hoàn thành các phác thảo này đi, bạn sẽ là thiên tài.
Tôi nữa, tôi cũng hãnh diện về bạn mình.
Nguyễn Quang Thiều khai quật và tìm thấy những báu vật bị bỏ quên hay còn ẩn giấu nơi quê nhà anh, ở các tầng sâu thẳm, sâu thẳm hơn nữa. Anh nhìn thấy những gì người khác không nhìn thấy hoặc, nhìn thấy khác người khác.
Chỉ có Nguyễn Hoàng Nam mới làm được chuyện đó. Và làm từ khá sớm. Trước và độc đáo hơn rất nhiều nhà thơ hậu hiện đại… Chối từ liếm hạt tro quá khứ, Nguyễn Hoàng Nam đã làm được gì cho thơ? Nhiều, khá nhiều.
Đinh Linh. Hiếm nhà thơ Việt nào ý thức về mỗi từ sử dụng một cách thường trực như thế, cảnh giác với mỗi từ đầy chăm chú như thế. Cảnh giác như thể ta đang làm việc với vài con rắn độc đang bò trong phòng. Càng hiếm hơn nữa nhà thơ xử sự vô phân biệt với ngôn từ như thế.
Mai Văn Phấn. Sự vận động vươn vượt không ngưng nghỉ của nhà thơ này là rất đáng trân trọng.
3. VÀ THẾ HỆ SAU
Lý Đợi là nhà thập cẩm độc nhất [vô nhị] của trò chơi chữ nghĩa hôm nay
Lê Vĩnh Tài. Không sự cố, khía cạnh nào của thơ và sinh hoạt thơ đương đại thoát khỏi cái nhìn soi mói của Lê Vĩnh Tài, cái nhìn được thể hiện bằng thứ ngôn từ đời thường, linh hoạt, sắc bén và giễu cợt đồng thời.
Jalau Anưk. Khuôn mặt mới mang hơi thở mới vào thơ tiếng Việt. Ngôn ngữ đời thường cùng cách thể hiện hiện đại phơi lộ tâm tình thế hệ Cham sinh sau 1975: khỏe khoắn, dân tộc mà “không thiếu thế giới”.
Tuệ Nguyên có giọng thơ riêng biệt, không thể lẫn… giữa bao hỗn mang và thất thố, ta vẫn nghe được tiếng hát yêu thương đầy cảm thông cất lên. Tiếng hát đẹp đến ngậm ngùi.
Lê Anh Hoài. “Nhu cầu” tạo được hiệu quả nghệ thuật khác lạ, thú vị. Trước đó, Lê Anh Hoài với “Tôi là cột điện” đã đạt đến đỉnh của trình diễn.
Và rất nhiều con người khác, tính cách khác, công trình khác nữa…