SARA.TỔNG KẾT 03: GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG

Khủng hoảng đời, người và chữ – tôi 3 bận bị rất gay.
Tạm sơ kết 3 kinh nghiệm, biết đâu nó giúp ích gì đó cho bạn.

Kinh nghiệm 1. Vượt qua khủng hoảng kinh doanh
Thành lập Cơ sở thổ cẩm Cham ở Chakleng đầu năm 1992, Hani và tôi đã cậy nhờ rất nhiều ở khoản tiêu thụ của Cửa hàng M tại TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi dệt vải thô, mang vào Sài Gòn cho họ chế tác và bán. Đến tháng 8-1992 tôi vào Đại học Tổng hợp làm việc, Hani vẫn ở quê tiếp tục điều hành cơ sở.
Suôn sẻ suốt hai năm như vậy…
Đến giữa năm 1993, Cửa hàng đặt hàng lớn. Hani vẫn đáp ứng kịp thời cho họ, nhưng phiền nỗi, họ nhận chưa tới một nửa lượng hàng, còn lại bị loại bỏ do chất lượng kém. Kém – đúng quá! Bởi đây là hàng dệt tay, mỏng dày to nhỏ khó mà đều một mái. Một tám một mười là tốt quá rồi. Hani năn nỉ tới đâu nhân viên cửa hàng cũng chỉ cảm thông được 10%. Đống còn lại mang đi đâu? – Không đâu cả!
Mươi cây vàng vốn lúc đó với chúng tôi là cả gia sản, họ còn dọa Hani là sẽ về Chakleng tìm nhà cung ứng khác nữa, mới ớn! Nguy cơ sập tiệm sờ sờ trước mắt.
Thế là tôi vào cuộc. Tôi viết cho M bức thư 2 trang A4 với tư cách một trí thức, chứ không như người chịu thua thiệt. Thư phân tích về kĩ thuật thổ cẩm, còn bày họ sử dụng hàng “sai” quy cách để làm ra các món nhỏ nữa; cạnh đó, tôi phân tích tâm tính Cham để cảnh giác họ về lối làm ăn của bà con Cham nhà quê. Họ vẫn một hai không chịu.
Tôi quyết: bỏ M, và tự lập. Hani tái mặt; mãi tôi thuyết nghe bùi tai, bà xã mới ậm ừ.
Rốt cùng, chúng tôi tận dụng hàng thải kia để chế tác balô, áo gilê; miếng nhỏ hơn thì làm ra: ví, túi xách… Hani thuê góc nhỏ Thương xá TAX, bán lẻ. Từ đó chúng tôi thắng to. Công ty TNHH Dệt may Thổ cẩm Inrahani khởi động từ chuyển hướng liều lĩnh mang tính quyết định đó.

Kinh nghiệm 2. Trắc trở từ cộng đồng Cham
Trích Hàng mã kí ức (tiểu thuyết, 2011)
“Rời Ban Biên soạn sách chữ Cham được sáu năm, Trưởng ban khi ấy là Nguyễn Văn Tỷ có thư giới thiệu tôi cùng Nguyễn Ngọc Đảo vào Sài Gòn “soạn” Từ điển. Đại học Tổng hợp chỉ hợp đồng đúng một tháng, với trách vụ là xem lại lần cuối phiếu từ vựng “cắt dán” từ Từ điển Chàm – Việt – Pháp của Moussay.
Thư do Thành Phần mang đến. Lúc đó tôi đang thủ quán cà phê và tạp hóa nhà quê, làm ăn ra phết. Báo cho bà xã biết sự vụ, Hani ừ không do dự. Ngay tháng sau, tôi nhảy xe đò vào thành phố. Đó là ngày 20 tháng 8 năm 1992. Chủ trì công trình là Nguyễn Văn Lịch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam – Đông Nam Á thuộc ĐH Tổng hợp TPHCM. Tôi đề nghị: Từ điển phải được biên soạn trong năm năm, TT cần mời 3, 4 thành viên tham gia mới đảm bảo chất lượng. Tôi trình bày đề cương, tài liệu tham khảo, văn bản thô gồm các bản chép tay Cham cổ và số từ vựng tôi thu lượm được. Cạnh đó, TT cần mở các cuộc hội thảo nhỏ để thu thập ý kiến trí thức Cham. Cò kè bớt một thêm hai, mọi người mới nhất trí: Thời hạn biên soạn và hoàn tất trong vòng ba năm. Bổ sung Lương Đức Thắng, Phú Văn Hẳn vào vai phụ. Thành Phần rút lui.

Đang ngon trớn, sau Tết 1994, không hiểu tác động từ đâu, TT nảy ý đình chỉ công cuộc. Thì nghe đồn trình độ tiếng Cham của Cham chỉ đến lớp Ba, không thể soạn nổi Từ điển. Dịch Aymonier, là đủ!
[Nguyễn Văn Lịch đồng ý nữa chứ! Tôi đã tím tái trái tim, bởi không ai có vẻ ủng tôi cả. Một con ngựa đau cả tàu bỏ chạy. Tôi nghe mình cô đơn biết bao. Tôi mất ngủ nguyên cả đêm hôm đó, là lần đầu tiên trong đời tôi bị. Cuối cùng, tôi bật dậy khi mặt trời mọc, và vươn thở…].
Được thôi, tôi vốn nông dân thì tôi trở lại đời chân chất dân nông, chả sao cả. Nhưng trước khi qui hồi cố hương nắm đuôi cày, các bác nên ban đặc ân cho em nói lời cuối! Tôi đề nghị cuộc họp ngắn. Bùi Khánh Thế (chủ biên), Nguyễn Văn Lịch, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đức Thắng. Tôi tập đặt câu:
Bởi vì chưa nắm vững tiếng Cham cho nên vài thành viên bị ý kiến ngoài lề lung lạc”.
Rốt cùng, sau mười lăm phút đồng hồ nghe tôi thuyết, phiên họp quyết: tới luôn bác tài!

Lại tiếp tục có áp lực từ ngoài, Từ điển không thể ra lò nếu nó chưa qua giơ tay biểu quyết của “Hồi đồng Cả sư và trí thức Cham”. Sập bẫy rồi! Đích thị là điều tôi muốn. Ngay tức thì ba mươi bản photocopy bản thảo được gởi về Panrang, Kraung, Parik… Tháng sau, hơn trăm đại biểu về dự Hội nghị Góp ý Từ điển tại Trường Nội trú Dân tộc tỉnh Ninh Thuận ở thị xã Phan Rang. Câu hỏi bay đến tới tấp vào buổi sáng khiến hội trường như muốn vỡ tung. Thằng Trạm kì này ngoẻo rồi, – có tin hành lang như vậy. Thầy Thế cả lo, không lo mới lạ. Nhưng rồi tất cả được tôi giải minh mở gút mọi thắc mắc chỉ sau một tiếng đồng hồ, chiều hôm đó.
Năm sau, bộ Từ điển mới cất tiếng khóc chào đời. Vui vẻ.”

Kinh nghiệm 3. Khủng hoảng từ nỗi chữ
[hay Gập ghềnh Tagalau 3]
Bài “Mĩ Sơn đường về” đăng Tagalau 2 đã gây cho cá nhân tôi và Tagalau bao nỗi. Dự hội nghị Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mở rộng cuối năm 2001 ở Hà Nội, nhà văn Đỗ Kim Cuông gặp tôi, chào:
– Ông viết gì mà thiên hạ kêu thế?
– Năm nay Sara có in gì đâu!
– Cái in chung các tác giả Cham ông đó…
– À, nó là bên nhà bác Chấn anh à, – tôi thoái thác.
Sau đó, thư đi tin lại, điện thoại tới lui Hà Nội – Sài Gòn… với bao nhiêu câu chuyện phía sau thế nào ấy, để Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc Thiểu số Việt Nam cắt khoản bảo hộ cho Tagalau. Trong cộng đồng Cham, tiếng đồn Tagalau bị thu hồi râm ran đến nỗi có người phải đợi tối mới giăng mùng đọc.
Glơng anak linhaiy likuk jang o hu – Nhìn trước ngó sau chẳng thấy ai người.
Tôi sực nhớ cái cô đơn của ông Glơng Anak khi xưa trên bãi cát bồi giữa biển khơi cô đơn. Khi “bóng tối mang khuôn mặt đồng lõa”, Tagalau nguy cơ dẹp tiệm tới nơi. Bản thảo bị ngâm hết nhà xuất bản này đến nhà xuất bản khác. Ngâm từ Tết 2002 ngâm qua Rija Nưgar cho đến Katê, sang Tết năm sau. Tôi miệt mài hỏi thăm sức khỏe, rồi nó cứ bị nay lần mai lữa. Không ai hiểu tại sao. Tôi chạy qua nhạc sĩ Tantu cầu cứu:
– Chắc phải lội ra Hà Nội quá, anh ơi. Tôi sẽ cầm theo bản thảo Tagalau 3 với thẻ Hội Nhà văn Việt Nam gặp riêng Hữu Thỉnh, đặt lên bàn ông chủ tịch lá bài “hoặc anh in Tagaglau, hoặc tôi trả lại anh cái thẻ”.
Cũng anh hùng chớ bộ! Có lẽ bản mặt tôi lúc đó méo chả kém khỉ bóc phải cứt gà, mắc cười hết biết, nên anh nhạc sĩ này mới chộp ngay cơ hội mà lên lớp:
– Hehe… lần đầu tiên trong đời ông anh được thưởng thức sắc mặt thảm thương của thằng em. Nhưng huỡn đã. Này nhé, Cham mà bỏ túi thẻ nhà văn đã khó, có được vị thế như thằng em bây giờ càng khó bội phần. Anh thấy Trạm thừa trình độ “mát” để giải bài toán này mà…
Công án âm âm u u vậy mà đã làm tôi đốn ngộ.

Katê 2003 đang cận kề. Không thể để bà con mỏi cổ đợi lâu hơn nữa, tôi tìm đầu nậu… chạy. Nhà xuất bản đòi “tuyển tập” có tên khai sinh mới, Tagalau chỉ chịu phận núp bóng thôi, tôi ừ. Cả hàng chữ con giun ở bìa 1 cũng cho nghỉ chơi, tôi chịu luôn.
Như thể ăn trừ bữa, tôi quyết tăng trang, in màu cả 4 bìa, và… làm phép tính. Cầm giấy phép trong tay, khoái quá, tôi quên bẵng luôn cơ sự “đầu tiên” ấy. Trong khi giá thành nhảy vọt lên gấp đôi, kể cả phí cho đầu nậu. Tôi đã nghỉ bên Cty Inrahani, với lại tôi không muốn ngửa tay xin bà xã.
Tiền đâu? May, thầy Lưu Quang Sang có mặt và ứng cứu. Ông kêu gọi, và bà con một tay một chân góp vào. Tiền EURO, USD, Việt Nam đồng… đủ cả. Trọn gói hơn mười triệu. Định mệnh vẫn chưa thôi chơi khăm Tagalau: Tháp tùng Hani ra Đà Nẵng về, tất cả rủ nhau cùng samsonite hàng hiệu với bao nhiêu tư liệu quý bay theo tay tài xế taxi tham lam. Tôi cười mếu. Lại phải một thân một ngựa, chạy. Tôi đánh bài liều. Lần đầu tiên [và cuối cùng] trong đời, tôi vay tiền.
Tagalau 3 chào đời nhọc nhằn như định mệnh chìm nổi của nó.

Vẫn chưa xong. Sách xuất lò mừng hết cỡ vội vội vàng vàng chuyển ra Phan Rang, thì anh đầu nậu giữa trưa nắng hớt hải chạy qua nhà tôi ở quận 1 kêu: “Thu lại, thu lại hết, anh ơi”. Phải có chủ biên, mà chủ biên phải là Inrasara! Thế là chở về, nhập kho, xé và dán… mới thành ra Katê mới (Tagalau 3) – Chủ biên: Inrasara. Hú vía! Tôi vỡ cười một tiếng rõ to rồi phóng xe qua quán A Sồi tự thưởng một chầu bia hơi cô độc.
Đối thoại ngắn với một bạn thân ở Sài Gòn:
– Mầy chớ tưởng mình ngon, Tagalau chẳng có gì là ghê gớm lắm đâu.
– Không có gì ghê gớm còn đỡ, mình thấy nó chả là gì cả.
– Chả gì cả à? Mầy nghĩ thế thật à?
– Ừ… thì mình có nghĩ hay nói giả bao giờ đâu!
– Tao không hiểu quái mầy! Chả là gì sao mầy bỏ công sức hay tiền bạc ra làm?
– Đấy, mâu thuẫn và phi lí vậy đó. Cứ sống trọn vẹn với sự phi lí ấy đi, thì sẽ hiểu!

Kinh nghiệm 4. Thêm 1 khủng hoảng nữa, gay cấn đến 99% khả năng đánh gục tôi. Ở đây tôi vượt qua được là do… may mắn.

2 thoughts on “SARA.TỔNG KẾT 03: GIẢI QUYẾT KHỦNG HOẢNG

  1. Kinh nghiệm 04 như thế nào anh Sara? có kể cho nghe không?
    Em là đọc giả của anh từ rất lâu rồi. Web cham thì thích đọc inra chấm com thôi. Ở anh văn phong đỉnh đạc, điểm tĩnh, giải quyết vấn đề cũng điềm tĩnh nhẹ nhàng, khéo léo. Đọc ở anh thì cho lớp đàn em này học hỏi được nhiều và trưởng thành hơn.
    Em đã bỏ Chàm đi và bỏ tất cả liên quang đến Chàm một thời gian vì buồn, giận người Chàm. Nhưng hôm nay quay lại, đọc lại một lèo các bài của anh. Em là thằng Chàm đen nhưng rất ít chơi với Chàm.
    Nghịch cảnh vậy đó. Mặc dù Chàm thì cũng có này có kia, cũng có nhiều người đáng trân quý.

    Chúc anh nhiều sức khỏe để inrasara.com mãi sống.

Leave a Reply to Sara Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *