[hay 3 chân kiềng giữ Panrang trụ vững]
Nội san Panrang – tiếng nói Cộng đồng Sắc tộc Ninh Thuận. [photo Kiều Maily]
Chủ biên: Thiên Sanh Cảnh
Thư kí: Huyền Hoa – Đàng Cải
Ban Ấn loát: Nại Thành Viết
Và không thể thiếu cây bút tài tử tài hoa: Jalau – Trượng Văn Lầu
Chắc chắn đây là ba cột trụ giữ cho Nội san Panrang – tiếng nói Cộng đồng Sắc tộc Ninh Thuận trụ vững suốt non 3 năm qua 8 kì liên tục (số 8 chưa phát hành), và chỉ đình bản khi Ninh Thuận giải phóng. Thiếu bộ ba này, học giả Thiên Sanh Cảnh khó mà chèo chống Panrang qua cơn sóng gió.
Panrang in khổ tạp chí, trên dưới 60 trang, in roneo, mỗi kì không quá 180 bản. “Panrang chỉ biếu, và chỉ biếu những người biết đọc, biết tìm hiểu, và biết sự hi sinh bất vụ lợi của nhóm bạn cộng tác yêu văn nghệ, yêu quê hương và một lòng phục vụ đồng bào Sắc tộc” (Thiên Sanh Cảnh trả lời bạn đọc, Panrang 5, tr. 53). Số đầu tiên ra mắt vào mùa Katê 1972, 40 năm nhìn lại cả 8 số Panrang, thành tựu không có gì là lớn, nhưng với khởi động như thế ở bước đầu, phải dám ghi nhận: đó là một kì công.
1. Nại Thành Viết
Tên khai sinh: Nại Thành Viết. Bút hiệu cho các sáng tác là Đàng Thị Mộng Mơ, nhưng người đọc chú ý nhiều hơn đến các khảo cứu của ông, như: “Đám ma Chàm”, “Hôn nhơn của người Chàm”… Có thể nói, các bài viết kĩ càng trên đặt nền móng cho nhiều bài khảo cứu của các nhà nghiên cứu Cham sau này.
Ông làm việc ở Bệnh viện Phan Rang và có nhà ở thị xã nên tiện cho việc quan hệ giao lưu với tác giả cùng người đọc.
Ở thời điểm ấy, ông được cho là nhân vật khó gần. Cả sau này khi chủ biên đặc san Tagalau, tính qua Hữu Đức gặp ông trao đổi để mời ông cộng tác, tôi cũng chưa lần nào tiếp cận ông. Nghỉ hưu ông về quê vợ vui hưởng tuổi già, cơ hội gặp mặt của chúng tôi càng vời vợi. Dẫu sao, ông cũng đóng góp được một bài thơ tiếng Cham cho Tagalau 5.
Vậy đó, cùng “nghiên cứu”, cùng làm thơ mà chưa được hàn huyên, phải nói đó là thiếu sót lớn của kẻ hậu sinh vậy.
2. Đàng Cải
Họ và tên khai sinh: Đàng Cải, bút hiệu: Huyền Hoa.
Sinh năm: ngày 4-4-1941 tại palei Hamu Tanran Hữu Đức – Phước Hữu – Ninh Phước – tỉnh Ninh Thuận. Tốt nghiệp cán sự y Trường Cán sự Y tế thành Phố Huế.
Từ năm 1972 đến năm 1977, làm việc chuyên môn tại Bệnh viện tỉnh Ninh Thuận.
Anh Đàng Cải với tôi thân mật hơn, qua yut Jaya Hamu Tanran Lưu Văn Đảo, nên tôi biết anh từ thuở Trung học. Đảo em út trong nhà, hay dẫn tôi qua nhà yut những cuối tuần xuất trại. Tôi ăn cơm nhà anh riết thành quen, như người trong nhà. Tiếng là khó tính, nhưng với tôi, anh rất ư là thoải mái. Sau này chúng tôi càng dễ đến với nhau hơn qua mấy kì anh tham gia Tagalau. Dẫu vậy, vài năm tôi mới một lần ghé anh, để nghe anh… nói. Luôn sôi nổi và nhiệt tình. Giữ được lửa ở tuổi anh quả là hiếm.
Anh tâm sự: “Thuở chúng tôi làm Panrang, làm với tinh thần đam mê là chính, ai lo việc nấy, khi bận thì hỗ trợ nhau mọi thứ cần, chứ không phân công cụ thể. Cham lúc đó còn nghèo, giúp nhau vài ngàn là tốt, có người cho tập giấy, lọ mực in cũng quý. Tỉnh trưởng Trần Văn Tự hỗ trợ 20 ngàn đồng in bìa nội san cũng được ghi rõ ràng ở phần “cảm tạ”. Ngay máy đánh chữ cũng tận dụng máy ở bệnh viện Phan Rang…
Đặc san Tagalau ra đời là điều đáng quý. Tiếc là bà con Cham mình chưa biết quý sách tặng. Nhận xét sơ sơ về Tagalau: Về mục sáng tác tôi thấy còn nhiều lối viết bắt chước nhau. Tagalau cần đi sâu hơn vào nghiên cứu văn hóa dân tộc, để tuổi trẻ quan tâm nhiều đến xã hội hơn, mà bớt đi chăm lo cho bản thân, ngoài ra thế hệ mới cần có đam mê trí thức với sách báo.”
3. Trượng Văn Lầu
Họ và tên khai sinh: Trượng Văn Lầu; bút hiệu: Jalau.
Sinh năm 1951 tại palei Hamu Tanran Hữu Đức – Phước Hữu – Ninh Phước – tỉnh Ninh Thuận. Là giáo viên, sau đó bỏ nghề. Mất tại quê nhà năm 2004.
Jalau có tập thơ in: Xuôi tay mắt nhắm mơ người, nhưng nay không ai còn giữ nó, ngay cả con cháu anh. Tài tử là vậy. Tài tử cả khi tôi mời anh viết cho Tagalau, anh từ chối với phát biếu rất ư tự trọng: “Thế hệ anh đã qua rồi, xin nhường diễn đàn cho các lứa đến sau. Anh chỉ mong sao chú nó và cộng sự chân cứng đá mềm…”.
Đâu là điều tâm đắc nhất của ông về Cham và văn hóa Cham?
Ông bảo: “Đàn bà Chăm đừng trách móc tại sao những người đàn ông của họ lúc nào cũng có thật nhiều bạn bè, lúc nào cũng sẵn sàng tụ hợp nhau lại, “trà dư tựu hậu” gần như trong mọi hoàn cảnh? Hãy hãnh diện về điều đó vì với văn hóa Chăm, với truyền thống mẫu hệ Chăm thì đàn bà sẽ không có hoặc rất ít khi có bạn bè hoặc khách khứa từ bên ngoài (ngoài những người cùng Kut). Một trong những sứ mệnh cao cả của người đàn ông Chăm là kết nối. Không tin, hãy nhìn sang những ngôi nhà của những người đàn bà không may mắn góa bụa hoặc ế chồng. Dẫu biết là có lúc tốn kém, phiền hà vợ con đấy nhưng biết làm sao khi đó lại chính là sứ mệnh của mình”.
Vạn sự khởi đầu nan, châm ngôn xưa lần nữa cần được nhắc lại.
Nội san Panrang là một khởi đầu. Với ba trụ cột: Nại Thành Viết, Đàng Cải & Jalau đỡ đần học giả Thiên Sanh Cảnh vượt qua sóng gió thời cuộc, chữ nghĩa và nỗi người.
Hôm nay, không thể không nói to lên lời CẢM ƠN những con người tiên phong ấy.
_________
Phụ lục
Thơ Đàng Thị Mộng Mơ
HADIIP PATHANG
Mai mưng hamu hu adei hu ai
Mưnhum ia bithruk ai khing biai
Hamu atah padei baik takai
Tơk ia, kauh njuh brei ai rabha
Alak tapai ghơh hai
Sang ganik paga xit min tian bwei lo
Dom bbơng mưnhum dom lwai
Klak adei liphwai anưk dauk lipa
Nau sa jalan bbơng ikan sa danaw
Hadiip pathang dom nau trak njwơl hu gơp
Ngap bb ơng bidrơh urang
Hadiip pơng pathang mưng ka hu ginup
Thơ Huyền Hoa
VỊNH THÁP BÀ
Một ngọn bơ vơ trên đỉnh núi
Ân tình rêu phủ bụi trân fgian
Tiên nương bở ngỡ thương người tục
Cắn máu cho tim lạc phím đàn
LỜI PO NAGAR
Tổ tiên ta là Chăm
Ông bà ta người Chăm
Cha mẹ ta là Chăm
Thế ta là người Chăm
Ta sanh nơi làng Chăm
Chung quanh đều người Chăm
Bao người Chăm cũng vậy
Người Chăm ai cũng thấy
Mình là giống người Chăm
Đâu có vì túi tham
Mà làm cho mất gốc
Ngoại nhân đừng đầu độc
Vật chất chớ phỉnh phờ
Làm hoen ố nhớp nhơ
Những ai còn mải miết
Nuôi dưỡng khối lòng tham
Để dục vọng nhỏ nhen
Làm mờ tâm quáng trí
Đem thân, tâm chịu lụy
Với “ngoại khách” nương nhờ
Kiếp sống chỉ mong chờ
Hòng buôn dân bán đất
Phải chăng thế là mất
Bản sắc của người Chăm
Văn hóa của tổ tiên
Chôn chìm nơi hắc ám
Ô! Thế là một đám
Sẽ tiêu diệt xác hồn
Nhân dân chẳng suy tôn
Hỡi ai người giống Chăm
Phải nhớ lấy đôi lời
Ta là giống người Chăm
Tổ tiên ta nòi Chăm
Ông bà là người Chăm
Cha mẹ ta người Chăm.
THẤT NGÔN CỔ PHONG TIỄN NĂM KRA DAL
tặng Sử Văn Ngọc
Năm đi, năm đi hề năm đi
Nhầm tính xem ta được những gì
Mười hai bận trăng tròn trăng khuyết
Mấy chục đêm nằm trông ánh nguyệt.
Chậu bụt mùa thu nở chưa hết
Đông đã lại về theo mưa tuôn
Giờ những hồn hoa nằm nơi nào
Chỉ thấy cỏ lên đầy nước ao.
Động đất, sóng thần, biển mịt mù
Thây người chết giạt trôi nơi nao
Lòng ta đã như: thôi đừng nhắc
Mà vẫn không quên được chút nào.
Cuối năm gió chướng thổi như cắt
Chạnh lòng thương bạn mãi lao đao
Một năm được mấy lần gặp mặt
Nói hoài không hết chuyện tào lao.
Mờ mờ gió thổi từ phương Bắc
Phương Nam giá lạnh – bạn chở vào
Gió ơi dẫu hát đầy hơi “sắc”
Không đưa ta đi một lần sao!!
Người nói Đông, kẻ bảo người Tây
Thánh nhân ra đời đâu chưa thấy
Đêm đêm trông sao trên bầu trời
Hiền nhân đời nay còn được mấy.
Ariya hề, Ariya hề lếu láo hề
Ariya thực đời nay không ai nghe
Đời chuộng hư danh cùng ảo vọng
Rên rỉ – ta đâu dư thời giờ.
Người nay – ta như chim sợ cung
Đành theo người xưa chơi mông lung
Tấm lòng thiên cổ mình ta giữ
Đàn ơi, đàn ơi, ta nghe chung.
Cuối năm, cuối năm đem nến đèn
Lạy tạ người xưa trong hơi men
Xong rồi đem Glơng Anak ra ngâm
Ariya ơi, Ariya ta khổ tâm.
Bên hiên, đàn chim bay về hết
Chim ơi hãy gom giọng chờ tết
Đem tấc lòng son tặng chúa xuân
Rồi hãy cùng ta mà múa nốt.
Năm đi, năm đi hề năm đi
Thôi biết cùng năm nói những gì
Mong sao cho thời gian mau qua
Mong sao thế giới đừng tiêu ma.
Quân tử, tiểu nhân không cát bụi.
Hòa bình – chinh chiến hết kêu la
Ta ôm tập Ariya, theo Chú Cuội
Về ngủ say dưới bóng trăng già.
Tiễn năm chiều nay ta đóng cửa
Rượu uống ngủ say – dậy uống nữa
Đời người mộng thực nối theo nhau
Chịu trân thân gầy như lá úa.
Mộng lừa người, hay người dối mộng
Ô hô dù sao ta vẫn sống…
Vẫn mở lòng ra chờ năm sau
Dù biết nghìn năm đều như nhau.
____________
* Kra Dal: năm con Khỉ; Glơng Anak: tên thi phẩm cổ điển Chăm.
Thơ Jalau
KHI VỀ THĂM LẠI HẬU SANH
Khi về thăm lại Hậu Sanh
Ðường xưa xác lá phơi quanh lối buồn
Mẹ già mái tóc điểm sương
Cha già vai áo gầy hơn thuở nào
Nay đồng cạn mai rừng sâu
Chia đời manh áo rách bâu lưng sờn
Khi về lòng chợt nghe thương
Mái tranh vách lá khói vương thôn chiều
Dâu xưa giàn mướp vẹo xiêu
Ủ tình mẹ với ít nhiều xót đau
Gợi hồn mẹ những ca dao
Ðêm đêm vang vọng ngọt ngào lời ru
Khi về lòng tựa trăng lu
Vàng soi mệnh bạc âm u mái đời.
NỖI LÒNG
Ta lạc bước giữa thị thành đô hội
Lòng nghe lòng bỡ ngỡ bởi vì đâu
Phố xá đua chen những cảnh áo màu
Xe cộ lượn dập dìu như giăng mắc
Ta lạc lõng giữa muôn ngàn màu sắc
Cùng âm thanh hỗn loạn của phố phường
Ta nghe lòng hằn tâm sự đau thương
Và cúi mặt nghe dung nhan héo úa
Ta chợt sợ những sắc màu cám dỗ
Cùng xa hoa phú quý của thị thành
Vì chân tình người thay đổi quá nhanh
Ta e ngại sớm một chiều phai nhạt
Ðể ta sống với cảnh đời đen bạc
Với núi đồi cùng làng mạc hoang vu
Cho đêm sầu ta nghe tiếng ai ru
Buồn não nuột âm vang từ hoang lạnh
Ta không muốn làm thân người cầu cạnh
Xóa tan đi một dĩ vãng đau buồn
Máu trong ta dòng máu vẫn rỉ tuôn
Mà danh vọng không lấp vùi chứng tích.
HẠT SƯƠNG CỦA TÔI
Dù em như thể hạt sương
Còn tôi chiếc lá bên đường lẻ loi
Cúi xin ân sủng của trời
Hãy cho giọt nắng ngủ vùi trăm năm
Hồn tôi, rộng một chỗ nằm
Em ngoan xếp cánh tình ngăn buồn phiền
Nhỡ mai nắng xế qua hiên
Nhớ đôi vạt áo lụa hiền em xưa
Lạnh đời tôi, những bóng mưa
Chiều ru giấc muộn ngủ hờ vai em
Thoảng nghe hương tóc ềm đềm
Là trăm dây dại quấn mềm thân tôi
Cúi xin em, một chỗ ngồi
Trong con tim đựng chiếc nôi nồng nàn.