URANG CHAM 8. ĐÀNG NĂNG THỌ

DangNangTho-0-NgThiThu [photo Nguyễn Thị Thu]
Đàng Năng Thọ sinh năm 1954 tại palei Bàu Trúc, làng gốm nổi tiếng của Cham ở Ninh Thuận. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM năm 1992. Hiện đang sống ẩn cư tại palei Pabblap An Nhơn, Xuân Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận, sau khi ra tuyển tập:
Tranh tượng Đàng Năng Thọ, do Hội Mỹ thuật & TT Nghiên cứu Văn hóa Chăm Ninh Thuận xuất bản năm 2013.
Trước, anh vẽ sơn dầu là chính, sau chuyển hẳn sang làm tượng đất nung. Và có thể nói, chính ở mảng này, anh đã bộc lộ toàn vẹn nhất tài năng bẩm sinh của mình.

Viết về người bạn là điều khó khăn. Càng khó khăn hơn nữa khi đó là Thọ. Chê không đành, mà khen thì thiên hạ dễ cho là cánh hẩu tán nhau. Chẳng có ai tin cả!
Tôi chơi với anh khi chung lớp ngay từ lớp Đệ Thất trường Pô-Klong. Sau 75 anh làm việc trong Đoàn văn nghệ Thuận Hải, giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Huyện Ninh Phước, rồi giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa Chăm từ hơn nửa năm nay.
Tôi đùa Thọ: anh có mạng làm to!
Thọ mê vẽ từ rất sớm. Từ khi biết anh, anh đã say sưa, nghĩa là anh đã tập tành với cây cọ trước đó lâu hơn lúc chúng tôi quen biết nhau. Trong lúc lớp Anh văn có Hứa Phăng (Trầm Ngọc Lan) là siêu sao văn thơ, thì lớp Pháp văn chúng tôi có Đàng Năng Thọ là họa sĩ để làm đối trọng trong các cuộc thi báo tường. Từ đó điểm hai lớp mới so kè 9/10, không thì cánh Anh văn ăn đứt!
Khi có đợt báo tường, Thọ say sưa với cây cọ màu nước! Còn thì, các môn khác anh rất lơ đễnh, nên điểm cứ bị kém. Trời ạ, ví học ở Mỹ, anh đã là một học sinh xuất sắc rồi. Và vẽ thì, luôn luôn là ảnh tháp Chàm. Đủ dạng, đủ cỡ, đủ kiểu.

Nhớ: vào thời kì trường kì ăn cơm độn – 1978, hai anh em chúng tôi rủ nhau làm cuộc hành trình dài qua các palei Cham, bằng cuốc bộ. Tôi – sưu tầm văn học dân gian. Thọ vốn hiền từ, ít nói. Anh im lặng nghe tôi với các cụ thao thao về văn chương chữ nghĩa. Có lẽ anh mơ màng về cái đẹp Cham đang lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống cơ cực nhưng cũng vô cùng đẹp này.
Tôi ít khi “dơng di sang”, cứ ghé gia đình anh em bạn hữu trong đó có nhà anh ở đậu và ăn nhờ. Tình thực, các bức họa của Thọ thời đoạn này không thuyết phục được óc thưởng ngoạn của tôi. Tôi hay phê anh: nét này còn dính mùi Modigliani, khối nọ là con đẻ của Picasso, màu kia có anh em bà con với Van Gogh. Hãy xem bức tranh Về Làng in ở bìa 4 Tagalau1 cũng đủ biết. Vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng từ các bậc thầy. Rồi, bất chợt anh đưa cho tôi xem bức tranh vẽ tháp mới nhất. Tôi gần như bị choáng.
Sau này, khi có Tuyển tập Cham, tôi đưa ngay bức tranh đó lên bìa Tagalau1. Sự cân đối của bố cục, đối chọi của màu đã tạo ấn tượng mạnh cho người xem. Nhưng quan trọng hơn: Thọ đã đưa sắc lửa (một bạn họa sĩ người Kinh của Sara gọi đó là lửa Cham!) trong đường nét Haumkar Cham vào được tác phẩm của mình, gân guốc và bay bổng. Từ ngôi tháp màu “xanh lửa” bước xuống là một cô gái Cham gần như toàn trắng nổi lên giữa màu đỏ rực. Tôi cho đó là một sáng tạo rất Đàng Năng Thọ. Mà chỉ Đàng Năng Thọ – họa sĩ Cham đất Hamu Crauk mới làm nổi!

Ẩn mình trong bóng tối rồi cũng có ngày vươn ra khoảng sáng. Ts Phan Đăng Nhật tình cờ thấy một tài năng đang chịu khuất lấp oan uổng giữa bề bộn và cơ cực dòng đời (bao nhiêu tài năng Cham còn bị như thế hôm nay, ai biết được?). Ông đã có hành xử tốt đẹp: giúp Thọ triển lãm tại Hà Nội vào năm 1995.
Triển lãm thành công đến bất ngờ. Có lẽ do thao tác ngoại giao từ vị ân nhân trên. Hơn 30 bài báo đưa tin. Đàng Năng Thọ có lẽ rất khoái, đưa khoe tôi tất cả. Thoáng buồn, tôi nói với bạn thân: đấy là người ta đưa tin, tin các quan lớn ghé thăm phòng triển lãm, chứ không là bài viết về chính tác phẩm của yut. Sang nhà Thọ, bức ảnh anh chụp chung với ông lớn được phóng to và treo trang trọng. Tôi khá thất vọng. Tôi nói lên suy nghĩ thật của mình:
– Đấy là chuyện nhỏ, chỉ là phong trào thôi bồ ạ. Bồ cũng đừng tin lắm ở nhà báo, trong khi một họa sĩ thành công thực sự khi anh/chị ta chinh phục được người trong giới. Khi người trong giới khâm phục anh, anh mới tồn tại, tồn tại đúng nghĩa một nghệ sĩ.
Biết nói thế làm bạn buồn lòng, nhưng chịu.

Tôi hỏi Thọ có gì mới không? Anh đưa cho tôi mấy tập phác thảo các tác phẩm sắp tới. Tôi la lên:
– Thiên tài! Bạn hãy ném bỏ tất cả để lao vào hoàn thành các phác thảo này đi, bạn sẽ là thiên tài.
Sau này, không biết có phải do nghe tôi hay không, anh đã chuyển hẳn sang làm tượng đất nung. Và anh đã có những tác phẩm để đời. Một trong tác phẩm ấy: “Luân Hồi” đã được chọn làm biểu tượng trong cuộc triển lãm giao lưu tại Ấn Độ năm 1998. Là một hãnh diện chung cho cả dân tộc Cham, tôi phone cho anh vậy.
Sau đó, anh gặt hái được khá nhiều huy chương trong các cuộc triển lãm khu vực, bằng nghệ thuật này. Họa sĩ Đàng Năng Thọ cứ thế, vững bước đi tới.
Tôi nữa, tôi cũng hãnh diện về bạn mình.

Dư luận về Đàng Năng Thọ
Trần Kỳ Phương:
“Hầu hết những nhân vật trong tranh Đàng Năng Thọ miêu tả về người Chăm hết sức tự nhiên. Bởi từng cử chỉ, từng dáng điệu rất riêng ấy đã ăn vào trong huyết thống của tác giả, khi diễn đạt anh không cần phải cường điệu chút nào cả”.
Nhà thơ Vương Tâm:
“Tôi có cảm giác qua những bức tượng, anh đã truyền được ngọn lửa Chăm nóng bỏng như ánh mặt trời rực rỡ trên những sa mạc cát ở Ninh Thuận, quê hương anh”.
Nhà báo Trần Trung Sáng:
“Theo nhà thơ Inrasara, Đàng Năng Thọ là một tài năng xuất chúng của người Chăm. Khi những hình khối bất ngờ hiện lên như những tia chớp lóe sáng, anh ghi lại và nhào đất. Với hai bàn tay như linh cảm mách bảo, anh đã tạo dựng lại những gì ẩn chứa từ thân phận người qua kiếp trầm luân đậm chất Silva huyền ảo. Đó là sự hủy diệt và tái sinh.”
Nguyễn Thị Thu:
“Xem tác phẩm Đàng Năng Thọ không chỉ cho ta chiêm nghiệm vẻ đẹp của nghệ thuật ở đường nét, màu sắc, hình khối mà còn có thể cho ta chiêm nghiệm cả diện mạo nền văn hóa dân gian Chăm được thể hiện qua tư duy, tâm hồn, tình cảm người nghệ sĩ là một người con dân tộc Chăm với một tình yêu con người, cuộc sống văn hóa dân tộc một cách da diết, thẳm sâu. Văn hóa dân gian là cội nguồn, là chất liệu xuyên suốt trong tác phẩm Đàng Năng Thọ khiến tác phẩm anh không những mang sắc thái riêng mà còn làm cho nó đặc sắc, thể hiện mạnh mẽ bản sắc văn hóa dân tộc mình.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *