[Giải minh 2 hiện tượng: Ja Warpalei & vụ ID của Thành Đài và Phụ lục: chuyện của tôi]
Thời gian gần đây, không dưng cộng đồng mạng Cham nổi lên hai hiện tượng lạ, đó là: vụ Thành Đài làm ID cho Cham bên cạnh tên tuổi Ja Warpalei qua các bài viết xông xáo của nhân vật này. Mang hai vụ việc ra so đọ, chắc chắn Ja Warpalei nổi tiếng hơn. Nói “hơn”, khi nổi tiếng được định cho cái nghĩa đối tượng được dư luận bàn nhiều hơn.
Tôi có thử nhờ Google tra tìm, thấy Wikipedia kê các nhân vật nổi tiếng trong Cham, theo thứ tự gồm: Chế Bồng Nga, Chế Linh, Inrasara , Đàng Năng Thọ, Po Dharma.
Tại sao hai hiện tượng kia nổi tiếng? Nay ta thử bàn về chuyện lạ này.
Thực tập 1. Về nhân vật Thành Đài
Không ít bà con đặt câu hỏi:
– là nhân vật chính trị, sao anh xuất hiện thường trực trên FB với những ảnh chụp tại các địa điểm quan trọng đầy mơ hồ mà tính khả tín của chúng không được kiểm chứng? Xuất hiện thế để làm gì, không biết!
– tính khả tín không được kiểm chứng này càng gây hồ nghi hơn, khi bao nhiêu là dự án anh đưa ra suốt thập niên qua đều mơ hồ [tôi dùng từ mơ hồ, chứ không dám nói “dự án ma”], mơ hồ và không minh bạch từ kế hoạch, lộ trình thực hiện cho đến kết quả. Tại sao?
– là chủ tịch của một tổ chức Champa tầm thế giới, sao tiếng nói của anh chưa công khai trên diễn đàn và báo chí chính thức cho bà con được thấy, ở Việt Nam, ở Campuchia chứ chưa nói trên các báo quốc tế lớn như: BBC, VOA, RFA, RFI…
– bà con còn hỏi, anh đã có bài đối thoại nghiêm túc nào với nhân vật quốc tế [Việt Nam hay ngoại quốc, và nhân vật đó có chịu đối thoại lại nghiêm túc với anh] về các lĩnh vực và vấn đề liên quan đến Cham ở đâu chưa?
Các câu hỏi có vẻ hơi ráo riết là từ bà con, tôi chỉ làm nhiệm vụ ghi lại. Riêng vụ ID của anh, có bạn trẻ nào khả năng “thực tập phản biện” không, xin cho bà con biết?
Thực tập 2. Về các bài viết của Ja Warpalei
Phải công nhận vài tháng qua các bài viết của JW gây xôn xao dư luận Cham, chớ chả đùa. Mới về đến Thang Tông Jaka ở Chakleng dưỡng thương qua ngày đầu thôi, mà trong 5 người/ nhóm bạn đến thăm thì hết 3 biết và bàn về JW, dù tôi không đề cập. Chú em ruột của tôi mới làm quen computer vài tháng nay cũng biết JW nữa, thế mới tài.
– Em thấy người ta bàn quá, nên vào đọc thử…
– Vậy em có đọc “Ôi, Champaka!” chưa? – Dạ chưa.
– Cũng chưa đọc “Ngụy biện trong tranh luận” à? – Dạ em không biết bài đó.
Hai vụ “phản biện” còn chưa, nói chi đến đọc cái cao đẹp về văn hóa dân tộc mình là Minh triết Cham, Urang Cham…
Vậy đó, tâm lí quần chúng ưa ùa đến xem cãi vả nhau. Quần chúng hiện nay thừa giờ và sẵn lap top, iPhone… càng nhiều cơ hội xem mấy vụ cãi vả. Trong xã hội Việt Nam, không ít kẻ cơ hội phê chế độ và người của chế độ để câu view, like; cơ chế hôm nay có cả khối điều tệ hại đáng phê, nên ai phê cho nhiều cho nặng vào là nổi liền liền, bất cần chất lượng ra sao. Còn ở cộng đồng Cham, cứ phê những người có máu mặt nơi “ao nhà” là tiếng nổi lên ngay. Tôi hỏi:
– Sao chú nó không dành thời giờ đọc cái gì có ích hơn, mà cứ ghé mắt dòm vào mấy thứ bá vơ đó?
– Thấy người ta nói, em vào xem thử đó mà…
– Nào coi nhé, đứng ra phê người khác mà không dám kí tên thật, là người gì nhỉ, nếu không phải hèn; vậy những gì nhân vật đó nói có đáng tin không? Không đáng tin, tại sao lại phải bỏ công đọc, bàn? Còn anh hùng JW kêu lí do không kí tên thật vì sợ Cộng sản ám hại, ta thử coi, quanh đi quẩn lại JW rủa anh em trong nhà chơi chớ có chống chế độ đâu mô mà kêu sợ Cộng sản! Mà chống CS trên FB cả khối người trong nước chống, CS có làm gì đâu, JW sợ bóng sợ gió rồi!!
Thế là chú em ruột im.
Lạ nữa, là vài người có tên tuổi lại đi tranh luận với JW! Trong khi, chỉ cần đặt vài câu hỏi đơn giản thôi là JW biến ngay. Vậy, ai trong Cham có thể đặt câu hỏi, và biết đặt câu hỏi?
Vậy đó, học biết phản biện một thông tin, một luồng dư luận là rất quan trọng.
Chuyện Sara
Liên quan đến chuyện phe phái, cả Việt lẫn Cham, cả giới trí thức lẫn người ít học đều bị tinh thần này tác động, nhất là trong thời buổi âm âm u u này.
Một lần phê bình cánh chính thống chèn ép văn học vỉa hè, tôi bị một nhà thơ ngoại biên phê: “Ông Sara có phải dân vỉa hè đâu mà lên tiếng bênh vực văn chương vỉa hè”? Đó là suy nghĩ bị hạn định bởi tinh thần phe phái. Chuyện này tôi đã kể trên Tienve.org (2010), miễn lặp lại.
Thực tập 3. Sara lên tiếng về Ghur Bini, vì ông ta là bạn Nguyễn Văn Tỷ?
Thầy Tỷ kể [nếu sai tôi xin rút lại] một tác giả trên CPK cho là thế, chứ cái ông Sara làm gì mà biết lo cho Cham! Đó là lối nghĩ bị quy định bởi tinh thần phe phái.
Tôi là bạn thầy Tỷ, thì phải rồi. Vậy chớ năm 1982, tôi viết thỉnh nguyện thư yêu cầu về Trường Pô-Klong, về Trung tâm Văn hóa Chàm, thì ở đó ai là bà con của tôi nhỉ?
Rồi hơn mươi năm qua, tôi lên tiếng về vụ Kiều Minh Vũ [Thành Tín], tranh chấp đất đai Văn Lâm, chuyện Dự án Điện Hạt nhân, vụ Kut Boh Dana, hay mới nhất vụ Trường Dân tộc nội trú Ninh Phước cùng mênh mông vụ việc liên quan đến văn hóa và chữ nghĩa Cham, vậy ai là bạn của cái ông Sara?
Phê phán tôi như thế ít khi ảnh hưởng đến tôi, bởi tôi nghĩ tác giả kia đang phê phán ông Inrasara nào đó chứ không phải tôi. Thiết nghĩ phê phán ấy có thể lung lạc người cả tin, nguy cơ làm vẩn đục không khí chung, nên mới có “Thực tập phản biện 3”.
Thực tập 4. Về bài “Ngụy biện trong tranh luận”
Tháng trước, anh bạn học lâu ngày vừa gặp mặt, đã la lên: – Sara viết gì mà thầy Jay khen dữ lắm. – Mình viết nhiều mà, đâu biết bài nào là bài nào… – Cái bài gì về chuyện ngụy biện đó… – À, nhớ rồi…
Về bài viết trên,
– Wa Praong “phía bên kia” thì cho cei Sara viết theo tinh thần phe phái,
– còn một ông anh ở “phía bên này” lại cho Sara thể hiện đúng “chất Chăm” – nghĩa là “padaup” để tỏ ra mình công bằng [vì phê cả người thuộc phe mình];
– ngược lại, thầy Jay người ngoài cuộc thì khen… tuyệt.
Ôi, nếu có Cham nào có “chất Chăm” như Sara thì tôi đâu còn cô đơn! Nghĩa là cũng có đồng chí dám đứng bên lề (outsider), hay ở đường biên để thoát ra số đông mà nhận định một vấn đề, một sự thể. Thật sự, tôi chưa có ai làm bạn đồng hành cả!
Trong khi tôi thấy đại đa số anh chị em Cham,
– với vấn đề ngoài Cham [như trong cơ quan nhà nước, hay lĩnh vực không liên quan đến Cham]: hoặc không biết, nếu biết thì thường dựa hơi nói theo.
– với chuyện liên quan đến Cham: hoặc im lặng tránh né, hoặc quyết liệt nói càn.
– với nhau: ruột thịt nghe theo nhau, người phe nhóm nói theo nhau, bênh vực nhau mà ít khi bình tĩnh nhận định công bằng [xin xem thêm: Inrasara, “Tinh thần triết học và vấn đề xã hội Cham”, đăng Tagalau 10].
Thực tập 5. Lí giải tư tưởng nền tảng cho tinh thần phản biện của tôi
Cho rằng tôi đặc “chất Chăm” như ông anh ở trên nghĩ, là sai to.
Mọi quan điểm, mọi hành xử hay bình luận của tôi đều xuất phát từ tâm điểm Tư tưởng giải trung tâm hậu hiện đại.
Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, sự kiện văn chương chữ nghĩa hay chuyện đời thường, vụ việc thế giới, Việt Nam hay chuyện Cham… tôi đều nhận định trên nền tảng triết lí đó. Rất nhất quán, với mục đích rõ rệt là để đòi hỏi tính dân chủ và sự công bằng.
Dù là người của Hội Nhà văn Việt Nam, tôi vẫn phê bình [và phê bình rất nhiều] hoạt động của Hội Nhà văn. Ở trong Hội đồng thơ, tôi là người duy nhất phản bác [bằng lời nói và hành động] ủy viên Hội đồng gửi tập thơ dự giải (như là cách vừa đá bóng vừa thổi còi). Còn khi vào Ban Chấp hành Hội VHNT DTTS Việt Nam, tôi tuyệt không đưa tác phẩm dự giải, là trường hợp rất cá biệt. Về vụ Nhã Thuyên, tôi phê bình cả nhà văn Nhã Thuyên [phía ngoại vi] lẫn GS-TS Phan Trọng Thưởng [phía chính thống], để đòi hỏi sự công bằng cho sinh hoạt học thuật.
Tất tần tật… So với mấy vụ to cồ đó, chuyện nơi cộng đồng Cham, và nhất là vụ phê bình cả phe CPK lẫn phe “ta” vừa qua với tôi, là chuyện nhỏ.
Ai không hiểu Tư tưởng giải trung tâm hậu hiện đại ở tôi, thì sẽ không bao giờ hiểu bất kì sinh hoạt chữ nghĩa nào của tôi. Do đó, mọi giải thích đều chỉ giải quyết cái ngọn hay bề mặt của vấn đề.
Kết
Đại học Việt Nam không dạy triết học, càng không trang bị cho sinh viên tinh thần phản biện đúng nghĩa. Ra đời, ta đụng bao nhiêu chuyện, thông tin mâu thuẫn. Học và thực tập phản biện là vô cùng cần thiết.
Trong thế giới hiện đại, cần học biết suy tư độc lập, một suy tư thoát khỏi mọi căm thù cá nhân, mọi vướng mắc quyền lợi phe nhóm, mọi tư tưởng tôn giáo hay ý thức hệ chính trị, mọi cổ hủ của truyền thống hay sai lầm của nền giáo dục ta từng tiếp nhận… để có thể nhận định trên nền tảng tư duy chín chắn, tâm hồn rộng mở và lương tri trong sáng. Chỉ khi nào đạt được tầm như thế, chúng ta mới có thể nói đến phản biện xã hội; còn không thì chỉ là những phát biểu hàm hồ, hời hợt và tai hại. Còn nếu không thể làm được như thế, tốt hơn cả là ta cứ ăn theo đường ngay nói theo lẽ lành – Bbơng twei tapak, hwak twei haniim, là đủ tư cách làm người lương thiện rồi.
Chakleng, 27-11-2015