URANG CHAM 6. LƯU QUÝ TÂN

SAMSUNG DIGITAL CAMERA

SAMSUNG DIGITAL CAMERA

(ảnh và thơ do Bá Minh Truyền, cháu nội của ông Lưu Quý Tân cung cấp).
Lưu Quý Tân sinh năm Con Thỏ, 1927 tại palei Hamu Tanran Hữu Đức, Ninh Thuận.
Từ 1948-1950: Học sinh khoá 2 Trường École des Cadres Chams tại Phan Rang.
Năm 1956, ông thi đỗ vào khoá học Tham sự (Ban Cao Nguyên) Học viện Hành chính Quốc gia, và tốt nghiệp 2 năm sau đó.
Một thời là Chuyên viên Chàm tại Viện Khảo cổ Sài Gòn. Sau đó giữ chức vụ Thanh tra Tiểu học tại Ninh Thuận, và Trưởng Ty Phát triển Sắc tộc tỉnh Bình Thuận. Ông mất ngày 2-1-1970 tại đây bởi tai nạn chiến tranh.
Kể rằng ông Lưu là con người khá tếu, cái tếu đậm chất Hamu Tanran. Thuở còn học trò, anh bạn chung cư xá vừa từ quê vào thấy sân tập xà đơn ngon quá vội nhảy lên diễn. Diễn đâu vài hiệp thì bị té giập khiến một cánh tay sưng ù; giờ cơm ông Lưu đùa: tập có mỗi buổi mà bắp thịt nở nang thế thì ai mà chả ham. Nữa, lần vào Phan Rí chọc gái, đám nam thanh nữ tú túm tụ hát xay lúa; biết đi theo anh chàng Lưu còn có ông anh họ, bên nữ hát:
Ai nau adei jang nau
Hamu saung kabaw caik wơk ka thei
Anh đi em cũng đi
Trâu với ruộng để lại cho ai?

Chàng Lưu hát đáp:
Ai nau adei jang nau
Khar nhưk crauh au twei pauh danih…
Anh đi em cũng đi…

Lối đối đáp nhanh nhạy của Lưu khiến đám trai Panrang cười muốn vỡ bụng. Cánh nữ Parik không hiểu khách lạ cười gì, hết ngó mấy anh lại quay sang nhìn nhau. Mãi có một anh giải thích: đó là lối đánh vần chữ Akhar thrah đó, quý cô à “Anh đi mà em cũng đi”, đi là để tìm làm cái ấy, chúng mới la: đồ quỷ sứ…

Một con người tài hoa mất khi mới qua tuổi tứ thập, đã tạo sự khủng hoảng nhỏ trong cộng đồng Cham. Khi đó tôi mới lớp Đệ Thất trường Trung Học An Phước cũng bị cái chết của ông gây xúc động mạnh.
Tôi lần giở lại các đoạn dịch Việt ngữ của ông thi phẩm cố Ariya Glơng Anak đăng ở đặc san Ước Vọng số 1 của Trường:
Sách Glăng Năk cổ nhân viết rõ
Giống người Chàm nay ở bốn vùng
Phan Rang, Phan Rí, Lòng Sông
Phố Hài đều cũng một lòng mà ra
Chiêm Thành mạt quốc gia điêu mất
Nước suy vong mảnh đất không còn
Trải qua trang sử vàng son…

Ở thời đó, khi mà nhiều người Cham vẫn còn tập tành nói tiếng Việt, mà Jaya Panrang đã dịch một thi phẩm cổ khó hiểu với uyển ngữ như thế, phải cộng nhận là tài hoa hiếm có. Còn dịch câu “Kiem pathei khing ka raung, kacwơc tabiak jiơng darah” thành” Sắt thắp cứng nhai đâu có dễ/ Quyết lòng nhai răng bể, máu tuôn” thì phải công nhận cực kì!
Lần theo dấu vết nhân vật này, tôi tìm đọc các bài báo của ông đăng trên tạp chí ông thường cộng tác như Phổ thông, Thời nay, Khảo cổ tạp san, Văn hóa nguyệt san… với bút danh Jaya Panrang. Tôi vẫn còn nhớ như in bài ca dao Cham do ông sưu tầm và dịch có cấu trúc tương tự lục bát Việt. Ví như:
Jwai jiong di jơk lo đei
Jiong di kamei jơk siam binai
Jwai jiong di jơk lo tra
Jiong di dara jơk siam binai
Đừng ham kẻ Chợ quá nhiều
Cô gái kẻ Chợ lắm điều…

Ngày nay, chắc chắn không ít người nghĩ chúng không có gì đáng bàn, nhưng ở thời điểm khởi đầu của cộng đồng Cham hội nhập Việt Nam, điều không thể chối cãi: Jaya Panrang là con người tiên phong mở ra trào lưu sưu tầm, dịch thuật và cả sáng tác bằng tiếng Việt cho các thế hệ tiếp nối.

Không dừng lại ở đó, công lao lớn nhưng ít ai biết ở Lưu Quý Tân, ngoài viết tập Tự học tiếng Cham đầu tiên (chưa in – Inrasara.com đã đưa tin), còn là đóng góp của ông vào việc “cải biến” chữ truyền thống Akhar thrah. Từ giữa thế kỉ XX trở về trước, cặp chữ cái G-L trong Akhar thrah rất khó phân biệt, thế nên mới sinh tục ngữ Jal di G pwơc L, jal di L pwơc G: Nghĩa là khi đọc một từ có chữ cái G mà không hiểu hay thấy từ đó vô nghĩa, thì ta đọc sang chữ cái L, và ngược lại. Ông Lưu đề nghị viết chữ L có nét giữa cong, còn G thì nét giữa thẳng: rất ư là khoa học!
Cặp chữ cái NHƯK-KHAK cũng thế. Chữ KHAK ngày trước viết là = G + nét cuối, nếu vậy thì nó thành chữ NHƯK mất; người đọc sẽ không thể phân biệt được đâu là NHƯK đâu là KHAK nữa. Ông đề nghị thay: KHAK = K + nét cuối.
Qua hai cách “chế biến” này, Lưu Quý tân đã biến cái mới xảy ra vào năm 1963 thành Akhar thrah truyền thống Cham rất ngon lành. Cộng đồng Cham cảm ơn ông về cuộc “cách mạng” nhỏ nhưng rất cần thiết đó.

_____________

Phụ lục thơ Jaya Panrang

TÌNH CHIÊM VIỆT

Mặn nồng duyên Việt tình Chiêm
Ngày xưa đã có nỗi niềm ái ân
Mối tình vua chúa châu trần
Huyền Trân cùng với Chế Mân kết nguyền
Nay ta tiếp nối tơ duyên
Non mòn biển cạn ta nguyền có nhau
Chiến binh gieo rắc ưu sầu
Nước non lâm cảnh khổ đau ngập tràn
Anh ra tiền tuyến gian nan
Em nơi hậu cứ hai đàng nhớ thương
Ân tình khắp các nẻo đường
Tình yêu đất nước tình thương giống nòi
Anh cầm ngọn đuốc sáng soi
Em nguyền soi sáng cảnh đời tối tăm
Trăm năm giữ chặt tình thâm
Mối tình cao thượng ngàn năm vẫn còn.

(Nguyệt san Thượng vụ, 1970, tr. 49)

CỔ THỤ

Cây cổ thụ gặp hồi suy cằn cỗi
Lá vàng rơi rải rác khắp đó đây
Hoa tàn phai hương sắc đã lâu ngày
Quả không kết biết lấy gì gây giống
Cành trơ trọi và không còn giao động
Rễ héo nhăn mưa nắng chịu phơi gan
Chồi không đâm mà nắng cứ chan chan
Thế có phải đời mất đi mộng đẹp?
Nào phải đâu sắt gang hay đá thép?
Mà cam lòng chịu chết với thời gian?
Đang lụn dần trong khốn đốn điêu tàn
Trong mờ mịt không tương lai hứa hẹn
Vươn mình lên cho cõi lòng bớt thẹn
Đứng bên ai mà chẳng được như ai
Có lẽ nào ôm mãi mối u hoài
Còn nhựa sống hy vọng còn tái phát
Cố gắng đi chớ quá ư hèn nhát
Sống ngày nay và cho cả ngày mai
Hãy đấu tranh để mưu sống lâu dài
Luật đào thãi đang chờ cơn mưa gió
Định luật chung cả ngàn cây nội cỏ
Biết trách ai cũng đừng oán hoá công
Sống làm sao không tủi thẹn với lòng
Với đồng loại và cùng cây cỏ khác
Tự vun tưới vượt qua hồi xơ xác
Cho chính mình và cho cả mần non
Giành lại quyền trong vũ trụ sống còn

(Xuân Nhâm Dần 1962)

ĐỜI

Tôi không trách thói đời đen bạc
Trách mình hay lạc lòng thôi
Tối tăm chuốt lấy chữ tôi
Cưu mang thói xấu do đời mang cho
Con đường đời quanh co nhiều đoạn
Lòng người đời sau cạn khôn dò
Tình đời rộng hẹp khó dò
Sang hèn xấu tốt cũng do tiếng đời
Nhiều khi chuyện đáng cười lại khóc
(…)
Lưỡi kia vì thiếu mãnh xương
Cho nên ăn nói nhiều đường trớ trêu
Tình bạn bè lắm điều trắc ẩn
Trọng tiền tài nghĩa chẳng ra chi
Thì thôi trót đã thôi thì
Tiền tình hai ngã sá chi lạc lòng

LẼ SỐNG
Viết tặng con gái Trương Thị Đào, lớp Đệ IV Trường Trung học An Phước

Gợi thêm chuyện nổi buồn con trẻ
Trong thời gian cha ở tận phương xa
Mẹ mới sinh được hai tháng em Hoa
Bỗng thọ bệnh nhờ đêm đi chữa
Tại Phan Thành mẹ đã trút hơi thở
Người lìa trần đang ở tuổi xuân niên
Hung tin nhà bay lên tận Cao nguyên
Cha về đến người hiền đã chôn cất
Một màu tang bao trùm đầy cảnh vật
Lòng cha buồn ruột thắt tim gan đau

Thời gian trôi lòng vơi bớt u sầu
Vì lẽ sống cha phải cầu lẽ sống
Gia cảnh ta gà con nương gà trống
Đùm bọc nhau đời sống bớt cô đơn

Do lẽ trời không còn cách nào hơn
Vì định mệnh đừng buồn chi nữa cả
Hãy vui sống lo học hành con ạ!
Luật bù trừ tạo hoá đã an bài
Sau đêm tối ngày mai trời lại sáng
Cha khuyên con không nên buồn chán
Tương lai con tươi sáng hy vọng nhiều.

QUÊ YÊU

Chao ôi ! số kiếp ly hương
Bụi đời vươn vấn nẽo đường gian truân
Bốn phương lưu lại vết chân
Miền xuôi Duyên hải xa gần đà đi
Cao Nnuyên đèo núi sá chi
Cũng từng quen thuộc đường đi lối về
Miền Nam vài tỉnh gót lê
Thủ đô hoạ lệ đi… về… nhiều năm
Tuổi đời tóc điểm hoa râm
Bốn mươi thu lẽ phong trần đa đoan
Mỗi lần dời đổi ly tan
Là lần héo ruột khô gan luỵ phiền
Mệnh trời mang nặng triền miền
Nợ đời mong trả dấu yêu phận nào
Hởi ngài tạo hoá cớ sao
Bắt con mãi mãi đi vào ly hương?
Xin ngài ban phúc tình thương
Cho con đừng bước đoạn đường quê yêu.

(Giáng sinh 68)
(Tập san Thượng vụ số Xuân 1969)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *