Urang Cham-2. JA MRANG
Thầy dạy tôi lớp Nhì là Huỳnh Ngọc Sắng, bút danh Ja Mrang. Người thấp đậm, dáng lực sĩ. Giờ ra chơi, ông hay cởi áo trèo lên cây me tây trước cửa lớp, nằm đọc sách. Thơ hay, thì miễn nói; lối kể chuyện của ông mới siêu. Tài kể chuyện của ông khiến tôi phải ghen tị. Ông có thể gây cười, gây khóc, khiến người nghe mê mẩn mà ông cứ tỉnh bơ. Không lạ, khi chỉ qua một lần hiệu triệu mà ông cuốn được cả 300 thanh niên bỏ làng lên rừng Nau Ngap Ikan Krwak!
Vào những năm sáu mươi của thế kỉ trước, mươi ca khúc lời Cham “phổ nhạc” Việt của Ja Mrang được hát từ đầu thôn đến cuối xóm Chakleng – Mỹ Nghiệp, cả trên sân khấu nhà quê nữa. Sau đó chúng được hát truyền sang vài làng Cham lân cận, trong đó bài “Mưlơm jwa” (Đêm vắng) nổi tiếng hơn cả. Ca từ của ông giàu chất thơ, trữ tình và tha thiết.
Ông còn được trời ban cho giọng hát cực kì truyền cảm. Ông tự tin tuyên: hát trên sân khấu có mi-crô thì tao thua Chế Linh chớ, chứ hát chay Chế Linh ngang tao là cùng. Liên quan đến Chế Linh, lúc đó Chế Linh về Chakleng, mọi người túa đi xem muốn đạp đổ hàng rào nhà dì Đựng. Tôi nhớ đó là giấc trưa. Vào lớp, ông Mrang đùa: ban ngày mấy đứa còn nhìn thấy Chế Linh, chớ tối xuống thì đừng hòng. Tin ông, tôi cứ nghĩ Chế Linh có phép, mới mò hỏi, ông kêu: đen thế thì làm gì mà thấy được!
Thời gian ở tù Mỹ Đức, nhiều giai thoại thêu dệt xung quanh nhân vật này. Điều không thể chối là, ở đó tù nhân rất nể phục ông, do tinh thần bất khuất ông, nhất là – thái độ đấu tranh không khoan nhượng với mọi bất công trong trại cải tạo.
*
Ja Mrang tên khai sinh: Huỳnh Ngọc Sắng, sinh năm 1934 tại Chakleng Mỹ Nghiệp, An Phước – Ninh Thuận.
Ông học trường Trung học Bồ Đề ở Phan Rang. Do có năng khiếu thể thao và văn nghệ nên ông được nhà trường cho học miễn phí. Miễn phí mãi năm lớp Đệ Nhị chuẩn bị thi Tú tài bán, Ban giám hiệu trở mặt, bắt ông phải nộp học phí đầy đủ từ lớp Đệ Thất mới chấp nhận đơn hồ sơ dự thi. Giải thích sao cũng không được, ông nổi máu anh hùng xông thẳng vào phòng Hiệu trưởng, cho ông này một trận nên thân, rồi bỏ về.
Khí chất anh hùng của Ja Mrang thể hiện ngay từ niên thiếu.
Năm 16 tuổi trong một vụ chọi trâu với người đàng quê làng bên không hiểu thế nào bị đòn, căm lắm. Một chiều khi trời sẫm tối, ông bắt kên kên buộc sợi dây vào cẳng dính với cuộn giẻ tẩm dầu lửa, đốt rồi thả cho nó bay. Nhóm chăn trâu bên kia chạy tới xem bị ông bố trí sẵn quân đánh một trận nhừ tử.
Vụ khác, thôn làm con đường băng qua phần ruộng nhà vợ ông mà không xin ý kiến chủ ruộng, ông phản đối quyết liệt, bị chính quyền bắt dẫn lên Quận nhốt mấy ngày đêm liền. Từ đó ông làm dân vô sở trú không chốn nương thân ngay tại mảnh đất sinh ra mình: ông mất quyền cư trú tại palei.
Ja Mrang xuống palei Katuh Tuấn Tú tình nguyện làm anh giáo làng dạy chữ cho trẻ con không lương. Ông gom học sinh nghèo lại trong một ngôi nhà hoang, dạy họ cái chữ cái nghĩa. May thời ấy làng Mỹ Nghiệp vừa xây lớp học, nhưng thiếu thầy, ông Lâm Gia Tịnh mời ông về dạy. Tôi làm học trò ông ở đó. Vẫn thứ cá tính không giống ai, đến chuyện lên phòng lĩnh lương mỗi tháng ông cũng không chịu đi, để đồng nghiệp phải nhận thay ông.
Ở Tiểu học, hai ông thầy tôi đều hay thơ: Quảng Đại Hồng hiệu trưởng và Huỳnh Ngọc Sắng. Biệt danh của thầy là: Hồng thơ. Vừa hiệu trưởng, vừa vào vai thầy cô nào có việc phải nghỉ. Dạy học thì ít, bày chúng tôi làm thơ nhiều hơn. Thơ tiếng Cham lẫn tiếng Việt kiểu:
“Làng tôi ở giữa đồng xanh
Tục danh là xóm Nha Tranh người Chàm”
được thầy làm và đọc bằng giọng rất điệu. Đọc cho làng trên xóm dưới nghe, còn mang chúng ra dạy cho đám nhóc chúng tôi nữa.
Thầy Sắng dẫn tôi vào cõi thơ kiểu khác. Cho chúng tôi làm bài tập, thầy đi đi lại lại nhíu mày, và làm thơ. Đám trẻ xong bài, thầy cũng xong bài thơ. Thầy đọc, tôi nghe qua một lần và thuộc. 7 năm sau, năm 1973 gặp thầy ở Phan Rang, tôi đọc cho thầy nghe nhiều bài thơ xưa cũ ấy. “Làm thơ, tao quên lâu rồi, mầy lại nhớ” – thầy nói. Khác thơ thầy Hồng mộc mạc, thơ thầy Sắng điêu luyện hơn rất nhiều.
Nhớ đồng ta dạo bộ đi
Nhứ rừng ta nhảy ngựa phi lên đồi
Cỏ xanh “dòng” ngựa lại ngồi
Nhìn non xanh thẳm nhìn trời mây qua
Những nghe lá rụng la đà
Tiếng chim muông hót gần xa quanh mình
Đôi vai còn nặng hai tình
Làm trai phải xẻ vai mình chia hai.
Hay:
Anh quân đội xông pha ngoài trận địa
Diệt bạo tàn gìn giữ lấy quê hương
Đời quân nhân đâu có ngại gió sương
Quyết mang lại tình thương và hạnh phúc
Đời quân nhân dù sa trường ngã gục
Quyết xông pha không sống nhục đê hèn
Giọt máu sôi theo từng lúc tiếng kèn
Cứ tiến mãi vai chen vai chiến đấu
Lập đầu công lưu danh về mai hậu
Chế Bồng Nga làm gương sáng chung soi
Quyết ra tay không làm kẻ tôi đòi
Anh quân đội muôn đời không phai nhát
Này tất cả sĩ, nông, công chất phác
Quyết đập tan bao tội ác, cường hào
Cờ tự do muôn dân sớm tung cao
Và tất cả vui đón chào độc lập.
Năm 1968, thầy bỏ dạy lên Tây Nguyên rồi qua Campuchia.
Đồn là, ông lên Churu, thỉnh thoảng mới về quê với bộ tóc dài kèm râu ria rậm rạp mà dân làng cho ông có phép tàng hình mắt người nhìn thấy lúc tối trời, trong khi ban ngày ông cứ nhong nhong dạo palei mà chẳng ai hay biết. Bà con Cham đặt tên mới cho ông là Ong Biluw Kang.
Ja Mrang đã tạo huyền thoại về mình không khác gì Po Riyak ở thế kỉ trước.
Đời Fulro ba chìm bảy nổi, mãi hè 1973 ông về quê nhà, thỉnh thoảng ghé nhà chị Sĩ tôi ở Phan Rang ăn, ở. Tại đây ông hát thu âm khoảng mươi ca khúc tiếng Cham được anh em chúng tôi thuộc nát. Nhất là anh Dương Tài Tin coi thầy như thần tượng, bắt chược giọng thầy như in.
Khi ấy do không giới thiệu tác giả, chúng tôi cứ ngỡ tất cả đều do ông đặt ra. Sau này tôi mới biết, “Jalan nau nưgar drei” [Đường về quê mình, theo bài “Tình quê” của Phạm Duy], “Glai jwa” [Rừng vắng, theo một ca khúc của Ca Lê Thuần] là của ông, 2 bài “Jalan dwa gah” (Đường hai ngả), “Lơy abih drei” (Ơi anh em ta) là của anh Nghịch sáng tác, còn “Harei taum bbauk” (Ngày gặp mặt) là sáng tác của Chế Linh. Hát bài này, thầy chỉnh vài từ rất độc. Như thay vì ‘ngap mưbuk’, thầy đổi thành ‘ngap mưbuk caik tamư di hatai khaul drei’, do từ ‘mưbuk mưbơr’ mà ra.
Khi Ninh Thuận giải phóng, bằng lời hiệu triệu ngắn, ông cuốn cả ngàn thanh niên Cham lên núi – làm Fulro! Thất bại và phiêu giạt…
Mùa Thu năm 1977, ông từ Pajai xuống Phan Thiết, bị bắt tại Bến xe Phan Thiết. Ông hóa trang hệt ông lão nhai trầu ốm yếu, đến qua mặt được ba công an khi họ lên khám xe, chả thấy “lãnh tụ” đâu, đành bỏ đi. Thế nhưng vận xui khiến, ông bị chỉ điểm, thế là họ quay lại bắt ông đi.
Tù, anh Trăng kể, mùa hè 83, ở Trại giam 1 thuộc Phan Thiết, trên đường đi lao động anh đã gặp ông anh chân mang xiềng bị điệu qua phòng hỏi cung. Bất ngờ gặp mặt trong hoàn cảnh tréo ngoe, hai anh em ôm nhau xúc động không biết cất vào đâu.
Ông chết trong tù vào cuối năm 1985. Gia đình nhận được mảnh giấy báo, ghi rõ số hiệu ngôi mộ, nhưng không ai cho biết nó ở đâu. Chết, ông không hưởng đám thiêu như mỗi sinh linh Cham đáng được, thế thì không thể vào kut để về với ông bà. Ông thành thứ ma Hời, một Ma Hời hiện đại.
Phụ lục
(Tư liệu do Jaya Bahasa cung cấp)
PHÁT HIỆN DI CẢO THƠ CỦA JA MRANG
Trong khi sắp xếp tư liệu, chúng tôi tình cờ tìm thấy một tập thơ “Những Tháng Ngày” của tác giả Ai Choa, do nhóm Tammak thực hiện nằm trong đống giấy vụn. Dựa vào cách thức trình bày bằng hình thức đánh chữ và viết tay xen lẫn nhau. Chúng tôi đưa ra nhận định tập thơ này đã được in ấn trước năm 1975. Để hiểu được hoàn cảnh ra đời và xác định ai là tác giả của tập thơ. Chúng tôi đặt ra câu hỏi : Ai Choa là ai ? Nhóm Tammak là những ai? Sau đó, chúng tôi đi tìm câu trả lời. Cuối cùng, chúng tôi đã giải mã được những bí ẩn của câu hỏi trên.
Nhóm Tammak là thế hệ học sinh Trường Trung học Pô Klong khoá 1. Khi trở thành sinh viên ở các trường Đại học, họ lập nhóm bạn sinh hoạt chung với nhau. Tammak trong tiếng Cham có nghĩa là con Đom Đóm. Nhóm Tammak ra đời sau sự xuất hiện của nhóm Takala. Nhưng nhóm Tammak chủ trương sinh hoạt độc lập. Hiện nay, không một ai biết được nhóm Tammak đã hoạt động như thế nào! Chỉ biết rằng, thành quả mà nhóm làm được là thu thập các bài thơ của Ja Mrang rồi đóng tập. Việc làm này đã mang lại giá trị lớn, minh chứng cho sự hoà nhập của văn học Cham hiện đại trong nền văn học Việt Nam ở thế kỉ XX.
Ai Choa trong tiếng Cham là Anh Cả. Căn cứ vào một số bài thơ đã được công bố trong Nội san Ước Vọng, Tạp chí Panrang, Tạp san Cong Tagok, chúng tôi đi đến xác định Ai Choa là một bút danh khác của Ja Mrang. Bên cạnh đó, trong xưng hô thân tình, nhóm Tammak gọi tên Ja Mrang là Ai Choa. Nên nhóm đã lấy tên Ai Choa làm bút danh cho tập thơ luôn, để tỏ lòng yêu mến dành cho thế hệ đàn anh.
Tập thơ “Những Tháng Ngày” ra mắt lần đầu tiên vào năm 1973, ngoài Thay lời tựa và 2 bức tranh vẽ hình thiếu nữ bước đi giữa hàng cây rợp bóng chiều, là 29 bài thơ. Đây là thể loại thơ trữ tình nhuốm đậm màu thế sự và tình yêu dân tộc Chiêm, phảng phất đâu đó giao cảm với hồn thơ Chế Lan Viên. Nay xin giới thiệu tập thơ với bạn đọc.
THAY LỜI TỰA
Sau những ngày nuối tiếc những cuộc vui tao ngộ rồi đời người đôi ngã chúng tôi cảm thông được hoàn cảnh ước muốn của Ai Choa cảm nghĩ của một người sống cho một lý tưởng thiết tha với dân tộc.
Chúng tôi rất hân hoan đón nhận những gì mà anh đã viết ra với tất cả cảm nghĩ mình đối với cuộc sống hầu bắc nhịp cầu tình cảm giữa lớp người đi trước và lớp trẻ.
Chúng tôi những người trẻ thiết tha với việc làm, mong làm được một cái gì để thể hiện những điều gì mình ao ước.
Dù trên bước đường đầu khó khăn, lắm điều trở ngại, chúng tôi cũng vươn lên để thành đạt cho được ý muốn của mình và thoả mãn lòng ao ước của Ai Choa.
Nhóm TAMMAK
THƠ (trích)
CẦU NGUYỆN
Kìa trăng mọc mà ánh trăng mờ ảo
Bởi mây thưa gió xoáy ngược về đêm
Tích sự đời từng bước bước buồn thêm
Mà bụi lá vẫn vui cười trong gió.
Kìa trăng mọc mà ánh trăng không có
Màu đêm đen lặn ngụp cả khung trời
Nào em đâu còn lẻ một mình tôi
Muốn khẽ gọi mà vành môi lạnh buốt.
Kìa trăng mọc ôi não nề ủ dột
Vạn vật quay vào nẻo trốn im lìm
Bước chân côi một bóng lẻ đi tìm
Chợt tỉnh lại ồ đây là giấc mộng.
Kìa trăng mọc vẽ nét huyền hoài vọng
Tầm tay mơ cao với hái sao trời
Chút khăn tang làm quà tặng kiếp đời
Ưu tiên con là con người bất hạnh.
Kìa trăng mọc cuộn mình trong mồ lạnh
Bầy ma phiêu tung cánh ngự thuyền mây
Gói tâm trẻ quằng lịm khắp đêm đầy
Bơ vơ lắm xin chắp tay cầu nguyện.
NGÕ HỒN
Đã sinh ra giữa chiến tranh
Thì lớn dần trong khói lửa
Phải khôn với bom đạn nổ
Nhận bao bất hạnh trong đời.
Thôi đã mất hết cả rồi
Ta chỉ còn lại đôi môi
Chưa mất được một lời nói
Vẫn y nguyên một nụ cười.
Thôi đã mất hết cả rồi
Nhưng chưa mất một trái tim
Máu hờn sôi chưa thấy cạn
Mà tầm tay buộc chặt thôi.
Nụ cười giấu kín trên môi
Lời thề trong gió cuốn trôi về nguồn
Màu lam lấp kín ngõ hồn
Đường về lối cũ mưa buồn đưa chân.
GIÃ BIỆT
Quật mộ lạnh
Ngửi máu đẫm tanh
Ôi! còn đó nợ người vay chưa trả
Nợ máu mà bỏ cho ai
Em ở lại
Anh phải ra đi
Cuộc đời là như thế
Hãy cười lên cho thật vui
Quyến luyến thôi chỉ là bịn rịn
Chưa buông tay chấp nhận cuộc đời này
Và như thế ta chung quyết giơ cánh tay
Những cánh tay cương quyết đồng loạt ngoắc lên cao
Nói lên, hô lên, quát lên, ồ hách thật
Nghe như tiếng cười vang từ lòng đất
Tiếng cổ vũ vọng từ mây trời
Bước chân âm thầm chợt đến
Bỗng lại quay mặt rồi
Em thì ở lại
Anh thì đi
Bụi đời xếp kín trong mi
Đường trần vạn lối quyết đi cho cùng
Em là bao dung
Anh lửa đỏ.