Xuyên suốt thế kỉ XX, Việt Nam là đất nước của tù tôi. Tù và tội. Tù thực dân, tù Cộng sản, tù Quốc gia, và cả tù Hòa bình. Muôn hình vạn trạng qua vô số nguyên do với bạt ngàn phận người, trong đó có không ít người làm thơ.
Nổi tiếng nhất phải kể đến Hồ Chí Minh với Nhật kí trong tù (1960) và Nguyễn Chí Thiện với Hoa địa ngục (1980) của ông. Nhìn chung, hầu hết nhà thơ sử dụng thơ ca như phương tiện lột tả cuộc sống trong tù để tố cáo chế độ ngục tù (Nguyễn Chí Thiện), hay dùng thơ bày tỏ chí khí (Hồ Chí Minh): “Thân thể ở trong lao/ Tinh thần ở ngoài lao”, hoặc như Tố Hữu: nói lên lòng căm thù, còn nếu có nhắc đến nỗi cô đơn: “Cô đơn thay là cảnh thân tù!” thì cô đơn ấy luôn vững niềm tin vào ngày mai tươi sáng: “Tôi sẽ cười như kẻ sẵn lòng tin”.
Nghĩa là hiếm có bài thơ nảy sinh ở “ngoại vi” nhà tù, hay hơn nữa – sau khi thi sĩ ra khỏi nhà tù. Ở đó, “Đi về” của Tô Thùy Yên và “Người về” của Hoàng Hưng xuất hiện như ca lạ biệt, vô cùng độc đáo trong lịch sử thơ [tù] tiếng Việt.
Tô Thùy Yên
ĐI VỀ
Khuya rồi, nước đã đầy trăng,
Đi về suốt bãi sông Hằng, gặp ai?
Lạnh trời, đâu lửa hơ tay?
Đêm còn, cứ bãi sông này lại đi.
Thấy gì chăng, chẳng thấy gì,
Nước rào, trăng rạt, ta thì mỏi mê…
Chầy khuya, nước ủ trăng ê,
Uổng công, bãi ấy đi về một ta…
Mãi rồi trời cũng sáng ra,
Phần trăng trăng lặn, phần ta ta về.
Vẫn sông, vẫn bãi bốn bề,
Sang đêm, ai nữa đi về, gặp ai?(1)
Một tác phẩm văn chương, nếu không mang chở yếu tố thời cuộc của thời đại nhà văn sống thì nó sẽ không nói được gì nhiều. Nhất là với lịch sử Việt Nam ở thế kỉ hai mươi. Lịch sử của va chạm và xung đột khốc liệt giữa các ý thức hệ: Phong kiến và tự do, thực dân xâm chiếm thuộc địa và phong trào giải phóng dân tộc, Đông phương và Tây phương, cộng sản và tư bản, dân chủ với độc tài, cá nhân với tập thể… Suốt giai đoạn lịch sử dài, mảnh đất hình chữ S này trở thành sân khấu diễn tập của bao thí nghiệm và thử nghiệm: Học thuyết chính trị – quân sự, tôn giáo – tư tưởng, văn học – nghệ thuật, vũ khí và cả… thơ ca.
Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ.
Va chạm, xung đột và chiến tranh. Chiến tranh thì có kẻ/ bên khải hoàn chiến thắng. Nhưng – nói như Nguyễn Duy – dù kẻ/ bên nào chiến thắng, nhân dân đều bại. Nhà tư tưởng, triết gia và nhất là nhà thơ, kẻ nhạy cảm đồng thời ít trang bị vũ khí tự vệ nhất, chiến bại. Chiến bại, và chịu đựng hậu quả cùng muôn vàn hệ lụy của nó.
Thời sự của “Đi về” tuyệt không mang tính thông tấn báo chí. Nó không thông tin cái gì cả. Thi sĩ và cả người đọc đột ngột bị đẩy rơi vào trung tâm của sự thể, đối mặt và chịu đựng nỗi phi lí của sự thể ấy.
Một tù nhân của lịch sử, trong giá rét miền Bắc hay vùng miền nào đó trên tổ quốc Việt Nam, đang đi suốt bãi sông Hằng hay con sông nào đó bất kì trên trái đất, không quan trọng. Bài thơ không đưa thông báo cụ thể. Chúng ta cũng không cần thông tin đó.
Đi – về, đi và về, vậy thôi. Đi hoài đi hủy. Đêm còn là ngươi còn đi. Cũng bãi sông đó, lối cũ đó. Lại đi. Không gặp ai, không cần gặp ai và, cũng chẳng có ai để gặp. Đi, để làm gì cũng chẳng biết. Hành hạ ư? Không chắc. Tác nhân – không biết. Bị nhân – không biết. Ngươi là kẻ thù, kẻ chiến bại, ngươi phải bị trả giá. Không phải bởi cá nhân hay con người nào đó, mà bởi một cơ chế. Cơ chế không xem ngươi là cá nhân, một con người. Không có ngoại lệ hay biệt lệ ở đây. Ngươi là kẻ vừa bị cơ chế đánh bại, thế thôi. Cơ chế không cần biết ngươi nghĩ gì, đau thế nào, chết ra sao. Không gì cả!
Cơ chế vô tâm, đã đành, cả thiên nhiên cũng vô tình.
Vũ trụ và thiên nhiên của Trần Tử Ngang hay Huy Cận mang chở yếu tính siêu hình, đưa con người giáp mặt với nỗi trống không, sự cô đơn và cái mong manh của sinh thể mang tên con người. Con người cảm nhận được và con người thấy hạnh phúc. Cả nỗi phi lí của kiếp phận Sisyphe, hắn biết, hắn học chấp nhận và hạnh phúc. Ở đây – không gì cả! Thi sĩ đối mặt vũ trụ, vừa siêu hình vừa hữu hình trong một thực tại lù lù. Lê thân xác mệt mỏi rã rời mà đi. Đi mãi. Cuộc đi vô cùng tận. Chẳng kẻ đồng hành để sẻ chia, dứt kỉ niệm để hồi tưởng, không tương lai để hi vọng.
Chỉ còn một ta đi và về giữa thiên nhiên vô tình cùng cơ chế vô tâm. Sức chịu đựng của con người gần như là không cùng.
Chịu đựng câm lặng. Suốt bài thơ không bật ra nửa lời trách oán. Than vãn – không. Căm hận hay nuôi ý định trả thù càng không. Vô lượng tâm mở ra cùng vô tình trời đất và nghiệt ngã cơ chế. Càng mở hơn nữa với kẻ đến sau. Sang đêm, một thân phận khác sẽ đến, chắc chắn. Sẽ đối mặt với cảnh ngộ này, như ta. Để phải chịu đựng một lần và muôn ngàn lần nữa nỗi thống khổ phi lí to lớn này. Họ sẽ thế nào?
“Ai nữa đi về…”?
Giữa đêm tối của thời cuộc tưởng như không còn lối thoát ấy, qua sự chịu đựng nỗi khắc nghiệt gần như bất khả vượt ấy, những tưởng vài mảnh tình người sót lại bị hủy diệt, mọi cánh cửa cảm thông sẽ đóng sầm. Mãi mãi. Nhưng không, thi sĩ vẫn biết vươn vượt khỏi phận mình, nhìn ra ngoài, ưu tư lo lắng đến sinh phận khác.
“Đi về” – mỗi câu thơ vọng như từ thẳm sâu cõi mộng và thực, ranh giới được và mất, sống và chết. Bài thơ chạm vào tận miền đáy đau khổ của con người. Mỗi tiếng, mỗi âm run rẩy, như thể đẩy ta ra xa đồng lúc vẫy gọi gần. Gần lại với thân phận con người hơn. “Đi về” là bài thơ lớn, bằng trải nghiệm lớn qua giao cảm lớn. Nó mang ở tự thân tinh thần giải sân hận. Sân hận như là thứ tình chủ đạo gây ra bao thống khổ suốt thế kỉ qua. Bài thơ không ý đồ làm việc đó, nhưng nó mang chứa khả tính đó.
Nó khép lại một thời đại. Vĩnh viễn khép lại.
Hoàng Hưng
NGƯỜI VỀ
Người về từ cõi ấy
Vợ khóc một đêm con lạ một ngày
Người về từ cõi ấy
Bước vào cửa người quen tái mặt
Người về từ cõi ấy
Giữa phố đông nhồn nhột sau gáy
Một năm sau còn nghẹn giữa cuộc vui
Hai năm còn mộng toát mồ hôi
Ba năm còn nhớ một con thạch thùng
Mười năm còn quen ngồi một mình trong tối
Một hôm có kẻ nhìn trân trối
Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi
Giật mình
một cái vỗ vai.
[Ngoại bản: Được biết nguyên do ở tù không đâu vào đâu, hoặc rất nghiệm trọng, tùy cách nhìn. Do đó mới nảy ra tù không án, không thể có án, không muốn có án. Không án, nên tù không có hạn để mãn. Rồi khi ra tù người tù cũng không biết nó thật hay giả, và mình có bị tống vào tù trở lại không, không biết.
Không biết, nên bất an.
Trên Vanchuongviet.org, 4-9-2012, nhà thơ bộc bạch:
“Tôi viết bài này năm 1992, tức là 7 năm sau khi ra tù. Lúc đó tôi cũng đã quen với vị thế nhà báo của mình đã được phục hồi. Nhưng trong một buổi tiệc ở Hội Mỹ thuật TPHCM, có một người lạ mặt đến gần tôi, nhìn tôi trừng trừng và hỏi: “Anh từ nơi ấy trở về chứ gì?” Rồi bỏ đi. Tôi đứng sững như trời trồng, và lặng lẽ ra về. Sự việc ám ảnh tôi suốt đêm hôm ấy. Nó làm tôi nhận thức được một thân phận khác của mình trong xã hội. Vài ngày sau thì bài thơ ra đời”(2)]
“Lơ láo tù về lạc thế kỉ”, bởi tù tội hay tù oan, không biết. Người trong cuộc cũng không biết đàng để giải thích, để minh oan. Từ “cõi ấy” mơ hồ và xa lạ trở về nơi chốn cùng khuôn mặt thân thuộc xưa, nhưng tất cả làm lạc lõng và xa lạ. Một thứ xa lạ đầy bất an. Mấy ám ảnh từ “cõi ấy” như loài đỉa vô hình không dứt ra được. Ám vào giấc ngủ đầy ác mộng, đột ngột xuất hiện giữa cuộc vui, trong chốn đông người hay những lúc cô độc. Bất an từ ánh nhìn tò mò, từ cái vỗ vai có thể thân mật, sang tận bất an đến từ thứ cơ chế bất định: “Một đêm có tiếng bâng quơ hỏi”. Đó không phải là thứ bất an siêu hình của triết thuyết hiện sinh, mà là bất an của đời thực nảy sinh từ đời thực. Khi ẩn khi hiện không thể nắm bắt.
Ở “cõi ấy” bấp bênh, bất trắc với bất an đã đành, rồi sau khi thoát khỏi “cõi ấy” 7 năm tưởng mọi sự đã chìm vào vùng mờ của kí ức, nhưng không. Hắn sẽ mãi mãi làm sinh linh ngoài lề cuộc đời, kẻ tâm thần phân liệt, hay tên tội phạm – biết đâu!
Làm sao “người về từ cõi ấy” có thể hòa nhập vào cuộc sống đời thường, khi mọi nguyên do của nỗi bất an kia chưa được dứt tiệt? Là câu hỏi lớn gợi ra từ phần vô ngôn của “Người về”, điều chỉ có thơ mới có thể làm được.
__________
(1) Bài thơ sáng tác năm 1987, in lại trong Tô Thùy Yên, Thơ tuyển, Tác giả xuất bản, Hoa Kì, 1995.
(2) Bài thơ viết năm 1992,
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=19234